'Cậu bé rừng xanh': Tuyệt tác trở lại sau nửa thế kỷ

16/04/2016 14:00 GMT+7

49 năm kể từ ngày bộ phim hoạt hình Cậu bé rừng xanh ( The Jungle Book ) ra đời, hãng Walt Disney lại một lần nữa hồi sinh tác phẩm này trên màn ảnh rộng trong một phiên bản hoàn toàn mới, sống động và ấn tượng hơn.

49 năm kể từ ngày bộ phim hoạt hình Cậu bé rừng xanh (The Jungle Book) ra đời, hãng Walt Disney lại một lần nữa hồi sinh tác phẩm này trên màn ảnh rộng trong một phiên bản hoàn toàn mới, sống động và ấn tượng hơn.

'Cậu bé rừng xanh' được tái hiện lại trên màn ảnh rộng trong phiên bản người thật vô cùng chân thực'Cậu bé rừng xanh' được tái hiện lại trên màn ảnh rộng trong phiên bản người thật vô cùng chân thực
Câu chuyện kỳ lạ nơi rừng núi hùng vĩ
Trung tâm của bộ phim Cậu bé rừng xanh phiên bản mới 2016 lần này vẫn là cậu bé Mowgli, người bị bỏ rơi nơi rừng xanh và được chú báo Bagheera cưu mang. Để bảo vệ an toàn cho cậu bé, Bagheera đã mang Mowgli đến gửi cho bầy sói do sói Akela dẫn đầu. Tuy nhiên, khi cậu bé dần lớn, một con hổ có tên gọi Shere Khan đã lăm le cướp đi mạng sống của cậu. Cũng chính vì vậy mà Akela và Bagheera quyết định tìm cách đưa Mowgli trở về với thế giới loài người. Và một hành trình mới bắt đầu mở ra.
So với phiên bản gốc phát hành năm 1967 của Walt Disney, Cậu bé rừng xanh lần này có câu chuyện được lấp đầy hơn bởi rất nhiều chi tiết rùng rợn, kỳ bí. Các nhà biên kịch đã cố gắng tìm hiểu thật kỹ nguyên tác sách gốc của nhà văn Rudyard Kipling để khoác lên cho bộ phim một chiếc áo mới, mang đậm tính phiêu lưu gay cấn và hấp dẫn hơn. Dù phải bỏ đi khá nhiều chi tiết đáng yêu, tưng tửng và có phần mang tính biểu trưng của phiên bản cũ nhưng không vì thế mà Cậu bé rừng xanh lần này bị dở đi. Mà ngược lại, nó đáp ứng được cả kỳ vọng của người lớn lẫn trẻ em. Một bộ phim ấn tượng dành cho gia đình đúng nghĩa.
Hầu hết các nhân vật trong phim đều được chỉnh sửa về mặt tiểu sử, hành động khá nhiều cùng với những lớp lang kịch bản được sắp xếp chặt chẽ hơn. Vai diễn con rắn khổng lồ Kaa dù xuất hiện ít nhưng vẫn đủ khiến khán giả rợn người, hay vai diễn vua khỉ Louis cũng là một tâm điểm đáng chú ý ở nửa cuối phim. Nhưng ấn tượng nhất trong dàn diễn viên động vật phải nhắc đến chính là chú gấu Baloo, một chú gấu vui vẻ, tưng tửng, có phần hơi láu cá nhưng rất chân thành và yêu thương Mowgli. Dĩ nhiên, cũng sẽ không thể quên nhắc đến chú báo Bagheera với vẻ ngoài vô cùng bí hiểm cũng đóng rất tốt vai trò người dẫn chuyện, khiến bộ phim mang một hơi hướm đượm màu cổ tích rất thú vị.
Cậu bé rừng xanh: Tuyệt tác trở lại sau nửa thế kỷ 2Thật khó để nhận ra các động vật trong phim đều được tạo ra từ kỹ xảo CGI
Kỹ xảo CGI đỉnh cao
Điểm thú vị nhất của Cậu bé rừng xanh 2016 chính là việc bộ phim này gần như được làm hoàn toàn 90% bằng kỹ xảo CGI. Ngoài nhân vật cậu bé Mowgli do diễn viên nhí Neel Sethi thủ vai thì hầu hết các nhân vật còn lại đều là thú vật biết nói. Dĩ nhiên, để tạo nên được khung cảnh rừng già với đủ loại chim muông như thế sinh hoạt đòi hỏi quá trình làm việc cật lực của ê-kíp kỹ xảo trong phim. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ cho phép mình mắc phải sai lầm nào. Mỗi một loại động vật, mỗi một cánh rừng, gốc cây hiện lên trên màn ảnh đều chân thực một cách tuyệt đối và kỳ diệu. Đặc biệt là những nhân vật có nhiều lông, như chú gấu Balloo, càng làm cho ê-kíp làm phim phải điên đầu đầu tư kỹ lưỡng hơn. Được biết, mỗi một khung hình của chú gấu này trên màn ảnh, ê-kíp kỹ thuật của phim phải mất hơn 5 giờ đồng hồ để trích xuất dữ liệu.
Cũng chính vì kỹ xảo ấn tượng và chân thực đến thế nên Cậu bé rừng xanh tạo cho người xem cảm giác rất gần gũi, không bị thần tiên hay ảo ảnh hóa quá mức. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đắc lực của nhạc phim do John Debney phụ trách cũng góp phần tạo nên không khí bí ẩn, hấp dẫn cho tổng thể tác phẩm. John Debney là cộng sự đắc lực của đạo diễn Jon Favreau, và quá trình soạn nhạc cho phim của ông cũng được dựa trên nền tảng của cái cũ để phát huy nên mọi thứ đều là sự giao thoa rất hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại chứ không chỉ nghiêng về một bên gây nhàm chán.
Cậu bé rừng xanh khép lại một cách khá đơn giản, tròn trịa như chính nó phải thế. Dù không sốc, không giật gân, không độc đáo đến mức khiến khán giả phải ồ lên vì ngạc nhiên nhưng bộ phim vẫn được tán thưởng nhiệt liệt vì sự tinh tế trong cách làm phim cũng như thông điệp nhân văn được gửi gắm nhẹ nhàng trong tác phẩm. Vậy là sau gần nửa thế kỷ, bộ phim từng làm say mê biết bao thế hệ bạn trẻ ở Việt Nam và khắp thế giới lại một lần nữa hồi sinh, một cách tuyệt vời như chính nó vốn thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.