Mở kho tư liệu chùa Việt

09/02/2018 11:12 GMT+7

Cuốn Kiến trúc chùa Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích là cách Viện này mở kho tư liệu về chùa, chia sẻ với những người yêu kiến trúc cổ, cũng như người làm trùng tu.

Khi ông Nguyễn Hoài Nam và Trần Hiếu, Hội viên Hội Di sản Việt Nam, tới chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) để chụp ảnh, các ông đã ngã ngửa khi thấy đầu dư của thượng điện bị phạt mất một miếng.
“So với bản vẽ gốc của Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL, đầu dư này bị phạt mất phần đầu. Nghĩa là nó mất hẳn nửa mặt của đầu rồng thời Mạc. Cũng không biết lý do làm sao lại vậy!”, ông Nam nhớ lại.
Ông Nam và ông Hiếu là những người đã chụp hiện trạng 10 ngôi chùa được công bố tư liệu trong cuốn Kiến trúc chùa Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích. Tư liệu xưa cũ của Viện để cạnh ảnh mới cho thấy đã có nhiều thay đổi ở nhiều chùa, cả về cấu kiện, cả về lượng hiện vật và mặt bằng kiến trúc. Sách ra mắt ngày 6.2, tại Hà Nội, do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành. Hai chủ biên của cuốn sách là TS Hoàng Đạo Cương và TS Nguyễn Hồng Kiên.
Có những thay đổi không thể không lên án, như việc đầu rồng bị mất mặt, hoặc cửu phẩm chùa Giám bị vít chặt biển đồng vào đúng phần đẹp nhất. Cũng có những thay đổi do thời cuộc, khi một số chùa được bổ sung nhiều hiện vật cung tiến, hoặc xây thêm một số hạng mục kiến trúc.
Trang sách về chùa Bối Khê với bản vẽ mảng chạm Ảnh: Nhóm làm sách cung cấp
“Đó là những tư liệu đã được vẽ từ cách đây 50 năm, hầu hết đã là tư liệu lịch sử, vì là hình ảnh di tích từ thời đó, di tích ngày nay cũng đã biến đổi nhiều. Đó còn là các tư liệu vẽ tay, thể hiện tài nghệ của các họa viên. Chúng tôi luôn nghĩ là không thể bảo tồn tất cả các di tích. Thứ nữa, nếu có bảo tồn thì cũng có những di tích phải có sự biến đổi nên tư liệu đó rất cần để con cháu tham khảo để trùng tu, hay nghiên cứu. Đó là niềm tự hào của Viện Bảo tồn di tích, đóng góp lớn nhất chính là xây quỹ tư liệu đang biến đổi, mai một về các chùa Việt”, GS - KTS Hoàng Đạo Kính nói. Ông Kính trước đây từng là Viện trưởng Viện này.
Những di sản của một thế hệ
Trong phần giới thiệu sách, TS Nguyễn Hồng Kiên, đồng chủ biên, cho biết: “Về mặt khảo cứu, các bài viết tổng thuật một cách khá đầy đủ về lịch sử - kiến trúc - điêu khắc trang trí của 10 ngôi chùa. Cũng có nhiều kiến giải, nhìn nhận mới dựa trên những nghiên cứu, phát hiện trong các cuộc điền dã gần đây để bổ sung tư liệu cho cuốn sách này. Sách cũng có 94 trang bản vẽ, trong đó có nhiều bản vẽ bằng tay từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, mà nay những bản vẽ này đã trở thành những “di sản” của một thế hệ”.
Những ngôi chùa này được chọn, theo ông Cương, đều là những ngôi chùa có kiến trúc tiêu biểu.
Nhờ các bài viết có tính hệ thống trên, các chùa được mô tả khá rõ nét. Chẳng hạn, chùa Thái Lạc (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) được mô tả rõ giá trị của những mảng chạm khắc. Theo cuốn sách, chính những mảng chạm khắc trang trí ở thượng điện chùa Thái Lạc thực sự là những tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo và có giá trị trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
“Đặc biệt, những đề tài trang trí hình tiên nữ, thiên thần (kết hợp các đề tài rồng, phượng, mây, núi, sóng nước...) gần như không thấy trong những ngôi chùa khác đã tạo nên giá trị riêng biệt của công trình”, sách viết.
Cuốn sách cũng báo động về việc những mảng chạm này đều đã bị mối xông, nhiều chỗ mục rỗng, chỉ còn một lớp vỏ mỏng, rất cần được bảo quản cấp thiết. Mối cũng đã xông hết các kết cấu kiến trúc của 2 hành lang, thậm chí đã làm sập mái một gian của hành lang bên phải chùa.
Cũng theo các tác giả, về tổng thể, nhiều công trình mới được xây dựng, nhiều tượng, đèn và tháp đá mới được đưa vào khá tùy tiện cũng khiến ngôi chùa này bị thay đổi, mất vẻ cổ kính vốn có.
Với chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội), sách phân tích rõ cả việc chùa có thờ Thánh - Từ Đạo Hạnh. Chùa cũng được đánh giá là “bảo tàng” về nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên cả kiến trúc và di vật. Toàn bộ thông tin về hệ thống tượng Phật, đặc biệt là bảo vật quốc gia Bộ tượng A di đà Tam tôn, cũng được nêu rõ ở đây.
Chùa Thầy với thủy đình rất đẹp Ảnh: Nhóm làm sách cung cấp
Các tác giả cũng cảnh báo về việc hiện nay môi trường cảnh quan của chùa đã và đang bị phá vỡ nghiêm trọng, việc xây dựng các công trình cao tầng xung quanh hồ đang dần phá vỡ cảnh quan kiến trúc - nét đặc sắc của tổng thể kiến trúc chùa Thầy.
Với chùa Bổ Đà (Bắc Giang), kỹ thuật tạo tường cũng là một đoạn thông tin thú vị. Theo đó, người xưa “trình” tường đất bằng cách ốp ván gỗ dày hai bên, sau đó nhồi đất sét trộn với vôi và nước vào; vừa nhồi đất, vừa dùng chày đập, cho đất lèn chặt xuống. Mỗi lần chỉ “trình” cao khoảng 0,3 - 0,4 m, đợi khô mới “trình” tiếp. “Đây là cách mới, có ưu điểm thi công nhanh, cho đến những năm gần đây vẫn được một số hộ dân trong vùng sử dụng để trình tường nhà”, các tác giả cho biết.
TS Hoàng Đạo Cương, quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết trước đây các đơn vị trùng tu vẫn tới Viện để xin khai thác các tư liệu này. “Vì thế, khi quyết định in, có nghĩa là Viện muốn chia sẻ kho tư liệu này. Nó đặc biệt cần thiết khi trùng tu các di tích đã biến dạng rất nhiều, đúng với mục đích ban đầu là xây dựng kho tư liệu chính xác này”, ông Cương nói.

Cuốn Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích cung cấp tư liệu quý của 10 chùa, được lựa chọn trong số hơn 200 hồ sơ về chùa lưu trữ tại Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL. Đó là các chùa: Bối Khê, Thái Lạc, Kim Liên, Hương Trai, chùa Thầy, Thổ Hà, Sổ, Keo Hành Thiện, Giám và Bổ Đà.

Sách có 94 trang bản vẽ và 272 ảnh, là tư liệu quý về các chùa. Bên cạnh kiến trúc, sách còn giới thiệu sơ đồ bài trí tượng trên thực tế của các chùa, một số di vật đặc biệt có giá trị hiện còn được lưu giữ tại chỗ.

Sách do NXB Văn hóa dân tộc in. Hai đồng chủ biên là TS Hoàng Đạo Cương và TS Nguyễn Hồng Kiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.