Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca- Cola. Theo đó, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca- Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện hiện nay có sử dụng cụm từ “mở lon Việt Nam”. Cụm từ này, theo Cục có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Quảng cáo này cũng không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 và Khoản 1, Điều 19 Luật Quảng cáo.
Do đó, Cục đề nghị các Sở VHTTDL các địa phương kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca Cola đã tiếp nhận. Từ đó yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa cụm từ “mở lon Việt Nam”. “Yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên bảng biểu, băng rôn”, văn bản nêu.
Đối với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác, Cục yêu cầu kiểm tra, chỉnh sửa hoặc tháo dỡ các sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên và tiến hành xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết: “Cụm từ Mở lon Việt Nam gắn với nhau thể hiện trên bảng quảng cáo lớn ngoài trời thì về văn hóa và luật pháp chúng tôi thấy không ổn. Không ổn ở điểm là nếu luật pháp thì nếu để cụm từ như vậy thì không rõ ràng về sản phẩm. Mở lon Coca tại Việt Nam, hoặc chương trình mở lon Coca trong chiến dịch tại Việt Nam thì nó lại rõ. Bởi vì mở lon gì, lon Coca hay lon nước ngọt, hay là lon gì. Vì nguyên tắc là anh phải nói rõ sản phẩm quảng cáo là gì trên thông điệp của anh, thì anh lại ghi mỗi cụm từ như vậy thôi. Cái đấy là anh đã vi phạm luật quảng cáo rồi. Anh không nêu rõ sản phẩm quảng cáo một cách rõ ràng để người tiêu dùng nhận được thông điệp cụ thể về sản phẩm của anh”.
Bà Hương cũng cho rằng: “Cụm từ lon Việt Nam trong cụm từ “mở lon Việt Nam” là không có nghĩa. Trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam. Chưa kể bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ như có thể thêm mũ thêm rất nhiều thứ. Nó mà ở các phương tiện quảng cáo ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất là rất khủng khiếp nếu chữ đó nó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời”.
Bình luận (0)