Đặt mốc số 0 hay Km số 0 tại Hà Nội là một trong những phần việc thuộc dự án chỉnh trang hồ Gươm, do UBND TP.Hà Nội giao Q.Hoàn Kiếm nghiên cứu thực hiện. Về việc này, Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý VN (Bộ TN-MT). Trong công văn trả lời TP.Hà Nội, về chủ trương, Cục này cho rằng: “Nghiên cứu để xây dựng cột mốc số 0 ở thủ đô Hà Nội là cần thiết. Nhiều quốc gia đã xây dựng cột Km số 0 tại địa điểm nổi tiếng, là trung tâm của thủ đô nước mình. Thực tế, các cột mốc Km số 0 đã mang lại hiệu ứng rất tốt trong việc quảng bá hình ảnh đất nước nói chung và phát triển du lịch nói riêng”.
Theo Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý VN, cột mốc KM số 0 hiện hành không thuộc hệ thống công trình hạ tầng đo đạc, vì vậy không có quy định về loại mốc này. Tuy nhiên, trên những đề xuất mà Q.Hoàn Kiếm và các nhà khoa học đưa ra, Cục cho rằng phương án đặt mốc ở vị trí hiện đặt Đồng hồ hoa tại ngã tư phố Hàng Khay và phố Đinh Tiên Hoàng là khả thi hơn cả. Một phương án khác cũng được nhiều người ủng hộ là đặt mốc dưới chân nhà bưu điện.
|
Tranh cãi mốc chìm, mốc nổi
Nếu như vị trí đặt mốc số 0 gần như đã thống nhất thì cách thức thiết kế mốc này lại có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, mốc số 0 nên nổi hay chìm và có những họa tiết như thế nào…
Trên thế giới, nhiều mốc số 0 có thiết kế thú vị. Mốc số 0 tại thủ đô Moscow (Nga) nằm ở Quảng trường Đỏ là 1 đĩa đồng khắc hình tượng mặt trời. Mốc số 0 tại Paris (Pháp) đặt ở nhà thờ Đức Bà là 4 viên đá ghép thành hình tròn, ở giữa là 1 miếng đồng với hình mặt trời đang tỏa sáng. Mốc số 0 tại thủ đô La Habana (Cuba) nằm ở tòa nhà trụ sở Quốc hội Cuba và có gắn 1 viên kim cương…
Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý VN cho rằng, có 2 loại thiết kế mốc số 0 trên thế giới, dựa trên những quan điểm khác nhau. Nếu quan niệm là địa điểm ghi lại dấu ấn của du khách đã đặt chân lên nơi này, cần xây dựng cột mốc nằm. Đó là trường hợp mốc số 0 tại Paris, Pháp hay tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Nếu quan niệm là mốc báo du khách đã đến nơi này, có thể xây dựng mốc đứng như mốc ở Washington, Mỹ.
|
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn (ĐH Mỹ thuật Hà Nội), nên làm mốc nằm cho đỡ tốn không gian. “Cũng không quá cần thiết tạo biểu tượng nổi mới quanh hồ vì về thị giác xung quanh hồ đã khá nhiều rồi”, ông Sơn nói.
Dịch giả, nhà nghiên cứu Phạm Long lại cho rằng, bản thân hồ Gươm đã là một biểu tượng quan trọng. Vì thế, có thể coi cả hồ là mốc số 0. “Cột mốc do đó đặt ở đâu cũng được, miễn là nên nằm gọn gàng, không gây phá cảnh quan tự nhiên. Quan trọng là nên được thiết kế đẹp”, ông nói.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng: “Tôi nghĩ là nên làm dẹt trên mặt phẳng, và phải đẹp, tuyệt đối không nên nổi lên mặt đất. Quan điểm của tôi là giảm tải cho hồ Gươm. Thay vì làm đứng lên thì làm bẹp nó đi. Nó có thể bằng chất liệu gì đấy bền chắc với thời gian”.
Đặc biệt, ông Thanh lưu ý đến cảnh quan xung quanh mốc số 0. Theo đó, cảnh quan ở đây nên giản dị và giàu tiện ích. “Chúng ta nên thiết kế không gian có tiện ích để khách có thể ngồi ở đó được, không cần làm thành cái gì ghê gớm. Chẳng hạn, có thể làm những tác phẩm điêu khắc có công năng, người ta có thể ngồi lên đó nghỉ được. Đó là những tác phẩm nghệ thuật công cộng có thể sử dụng để ngồi chứ không chỉ để bày cho đẹp. Đất ở đó chật, không thể đưa quá nhiều thứ vào đó được”, ông Thanh nói.
Về việc này, Q.Hoàn Kiếm cho biết sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế không gian công cộng cho mốc số 0.
Bình luận (0)