Nơi “hợp lưu” ngôn ngữ!
Năm 1923, viết tiểu thuyết Cay đắng mùi đời ở Sài Gòn, Hồ Biểu Chánh đặt bút ngay ở chương đầu tả cảnh cô thiếu phụ Ba Thời từ một xóm nhỏ xứ Gò Công (Tiền Giang), lưu lạc lên miệt Bình Tây (Q.6) bằng giọng văn đặc sệt Sài Gòn thuở ấy: “Nuôi được ít bữa chị ta nhai cơm mà đút, tập đặng cho nó biết ăn lần lần, đêm nằm thường vái đừng có ai đến nhìn đặng cho chị ta nuôi làm con mà hủ hỉ cho quên nỗi chồng bạc bẽo. Trọn một tháng thằng nhỏ ăn chơi mạnh giỏi như thường, không có chún chứn òi ọp chi hết”. Chất giọng Nam bộ cuốn hút, quyện với những phận đời ấm lạnh giữa nhân tình thế thái đã gây tiếng vang trên văn đàn cho đến tận bây giờ, khó ai thay thế.
|
Giọng văn ấy, là vốn ngữ âm thuở đầu của xứ Gia Định người ta vẫn thường giao tiếp với nhau, được ông đưa vào văn chương một cách uyển chuyển. Tiếng Sài Gòn, khởi đầu đi vào các loại hình văn học nghệ thuật như một mặc nhiên không thay đổi, giống như tính cách người Sài Gòn “có sao nói dzậy”, rất tự nhiên và bộc trực.
Theo nhiều tư liệu khảo cứu, cũng như lịch sử của vùng đất qua mô tả của các sử gia, người viết tìm thấy ở hai tác giả nổi tiếng là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim, thì Sài Gòn hình thành qua các cuộc chinh chiến liên miên và cũng dung nạp nhiều nhóm lưu dân của buổi đầu khai mở. Vì vậy, sự giao thoa văn hóa khá đậm nét và ngôn ngữ cũng dần hình thành giữa tiếng và nghĩa của các vùng. Đó là người miền ngoài ở đất Thuận Quảng dạt vào theo chúa Nguyễn lập nghiệp ở phương Nam, là người Minh hương theo đường biển thuở hai vị tướng Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Ngạn Địch từ bên Tàu trôi dạt qua xin chúa Nguyễn tá túc. Rồi dân Khmer (xưa gọi là người Miên) vốn là người của nước Chân Lạp cách đây hơn 400 năm. Ví như khi người Sài Gòn một dạo có câu “sáng say, chiều xỉn, tối xà quần”, ấy là một đặc điểm rất độc đáo của ngôn ngữ phương Nam, bởi vế thứ nhất là tiếng Việt, vế thứ hai chữ “xỉn” là tiếng Hoa, và vế thứ ba “xà quần” là tiếng Miên.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có lý giải chuyện này, ở quyển 4, mục Phong tục chí, sách viết: “Người ở đây (ý nói người Việt xưa - NV) nói chuyện thường hay pha tiếng Hoa, tiếng Cao Miên, người nghe tập quen lần rồi tự biết, nhưng không phân biệt được điểm khác lạ cho rõ ràng… Những tiếng ấy người xứ khác đều không biết. Các tiếng pha trộn như vậy rất nhiều”.
Sự “hợp lưu” ngôn ngữ qua thời gian, đã tạo ra cho Sài Gòn một thứ tiếng riêng biệt, bao gồm tiếng chính với âm điệu rổn rảng và kể cả nhiều tiếng lóng.
“Ổng mần kiểu này chắc khó…”
Cách đây 20 năm, khi đến định cư ở Sài Gòn, mua đất dựng nhà ở xứ chuyên trồng hoa Gò Vấp, tôi đã gặp một người Sài Gòn bản địa. Ông tên là Sáu Hoa, làm tổ trưởng dân phố, nhiều đời sinh ra và lớn lên ở đây. Một bữa, đến xin ông ký cho cái giấy tạm trú, chợt nghe ông nói với người bạn già đang ngồi uống trà trước sân: “Tui thấy ổng mần kiểu này chắc khó…”. Đó là khi ông Sáu nhìn trời mây vần vũ, vụ hoa tết lại sắp đến lúc trồng, nói về thời tiết đất trời và lo lắng cho việc làm ăn. Chữ “mần” khiến tôi chú ý vì ở miền Trung vẫn nói như vậy khi mô tả động từ “làm” trong tiếng phổ thông. À, té ra cái chất giọng và âm tiết của người lớn tuổi ở Sài Gòn khi sử dụng một số từ, vẫn còn “rơi rớt” đâu đó một vài câu chữ của gốc gác ngày xưa khi còn ở miền ngoài, di cư vào nơi đất khách.
|
Cũng tìm tòi về một vài điểm nhấn của ngôn ngữ xứ này, có lần đi xem một vở kịch ra mắt lễ tốt nghiệp của các bạn sinh viên khóa 22B của Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM, có tên là “Nhớ Thương Lắm”, cũng là tên nhân vật ba chị em trong vở kịch. Tác giả kịch bản hầu như sử dụng thuần chất tiếng Sài Gòn xưa. Chẳng hạn như nghe câu này, bỗng dưng liên tưởng đến một sự hợp nhất rất độc đáo và cũng là sự nối tiếp qua nhiều thế hệ gìn giữ tiếng bản địa: “Sớm mơi ba má đi ăn giỗ, mốt mới về. Có dặn ở nhà mấy chị em mình chuẩn bị đặng ba má về lo việc tân gia”. Những từ “mơi, mốt, đặng” ấy cứ vẩn vơ trong tâm trí, qua diễn xuất của các bạn trẻ thế hệ sinh ra cuối thế kỷ 20 hoặc đầu thế kỷ 21, cho tôi một cảm nhận: những gì tiền nhân đã chọn và giao tiếp tự ngàn xưa, ấy là cội nguồn khó bỏ. Điều ấy, mỗi chúng ta nếu tinh ý sẽ bắt gặp khi giao lưu trò chuyện.
Còn đó lưu dấu
Khi bàn về tiếng Sài Gòn, chỉ xin được dùng một thành ngữ người ta hay ứng vô trường hợp này, đó là “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi có biết bao công trình khảo cứu, bao tác phẩm chuyên ngành đậm chất lý giải. Song, cóp nhặt đôi điều mỗi ngày cũng có thể mang lại cho ta điều thú vị mới lạ. Đó là sự dịch chuyển dân cư và ngôn ngữ đi liền theo với bao cuộc thiên di, tìm về phương Nam nắng ấm, rất mực trù phú của xứ Gia Định xưa. Tỉ như, khi giở đến trang 497, tôi bắt gặp câu này trong Gia Định thành thông chí, lại sáng rõ thêm điều mô tả trên đây: “Đất này nhiều sông rạch cồn bãi, nên 10 người đã có 9 người giỏi bơi lội, thạo việc ghe thuyền… Có người thường uống trà Thuận Hóa (trà Huế)…”.
|
Lại nói, sự truyền bá ngôn ngữ tự thân từ thế hệ này đến thế hệ khác của người Sài Gòn thuở oa oa khóc chào đời cũng đã sản sinh ra rất nhiều câu, từ đặc trưng cho mỗi giai đoạn, bởi ngôn ngữ là sự chuyển động không ngừng. Nhưng có lẽ, muôn đời vẫn vậy, chất giọng với âm vực cao, rổn rảng của người Sài Gòn giữ nguyên không thay đổi. Chuyện này, trong một lần trở lại huyện Hóc Môn, nơi vẫn còn vương vấn chất quê của Sài Gòn mấy trăm năm trước, tôi đã được chứng thực. Đó là câu chào của bà vợ ông chủ vườn trầu tên là Năm Lắc ở xã Bà Điểm: “Dữ hôn, lâu ngày quá dzậy em!”. Rồi sau đó, khi gặp cô gái 24 tuổi tên là Phạm Nguyễn Kim Hân hướng dẫn ở khu di tích Ngã Ba Giồng, vốn là người gốc miệt này, vẫn với giọng vút cao, cô lảnh lót nói: “Bữa rày, trời đất thuận hòa nên chuối chín đều. Chú thỉnh thoảng ghé lại chơi nhen”.
Những miền đất đi qua, gặp mỗi người từ xứ vườn An Phú Đông (Q.12) về đến miệt sông nước muôn trùng, nơi có ngọn hải đăng Cần Giờ, ở hai đầu thành phố này vẫn luôn nghe tiếng Sài Gòn êm nhẹ, nhưng hình ảnh trong đó thì đầy ấn tượng. Như có ngày qua phà Bình Khánh, bỗng nghe hai cô gái nói chuyện với nhau “thằng đó chằn ăn trăn quấn quá trời luôn à nghe. Mày coi chừng đó”. Quay qua người đàn ông có biệt danh Sáu Xệ, tên thật là Võ Văn Thoa mới quen, tôi hỏi: “Vậy là sao, anh Sáu?”. Trả lời: “Thì nó nói về thằng nào đó dữ dằn lắm mà”.
|
… Té ra, những gì của cha ông để lại, phảng phất trong cơn gió thổi qua sông khi đi trên chiếc phà xình xịch rẽ nước, vẫn còn nghe thấy. Dù rằng, có đi qua muôn dặm thời gian, tôi nghĩ “mơi mốt” tiếng Sài Gòn vẫn còn lưu dấu nơi này nơi nọ. Chẳng thể nào nguôi quên trong tâm thức của người dân.
Như khi đang viết bài này, bỗng dưng gặp một câu rất hay trên Facebook của một bạn trẻ, xin mạn phép trích ra đây: “Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế, tiếng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “dạ” cùng những tiếng “hen, nghen”, lại thấy Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…”.
Bình luận (0)