MV cổ trang Việt giống phim Hoa ngữ

20/12/2017 06:09 GMT+7

Âm nhạc hay, hình ảnh đẹp, được đầu tư cao gấp 2, 3 lần MV (music video) 'bình thường', nhưng các MV được thực hiện theo hơi hướng cổ trang của nhiều ca sĩ hiện nay dường như mang bóng dáng phim Tàu.

“Hồi sinh” làn sóng cổ trang

Sau hơn chục năm kể từ trào lưu video ca nhạc cổ trang của Đan Trường, Cẩm Ly, Lam Trường… “tung hoành” cùng giai đoạn thịnh hành của phim Tàu và nhạc Hoa, xu hướng này đang trở lại trong những MV hiện nay với kỹ xảo hiện đại, hình ảnh bắt mắt hơn.
Vừa ra mắt ngày 18.12, MV cổ trang Lạc giữa nhân gian của ca sĩ Ngô Kiến Huy được hợp tác bởi 3 nhà sản xuất tên tuổi: nhạc sĩ Phương Uyên, Ryhmastic và Đỗ Hiếu. Về hình ảnh, MV được thực hiện bởi đạo diễn trẻ nổi tiếng hiện nay: Đinh Hà Uyên Thư. Không đề cập con số kinh phí cụ thể, nhưng theo quản lý của ca sĩ Ngô Kiến Huy: “MV cổ trang không muốn có tài trợ can thiệp, việc đầu tư cổ trang luôn là kinh phí khủng vì phải chuẩn bị nhiều thứ như bối cảnh, trang phục, đạo cụ...”.

tin liên quan

Đan Trường bỏ tiền 'khủng' làm MV cổ trang
Để kỷ niệm 21 năm đi hát, nam ca sĩ Đan Trường quyết định đầu tư khoảng 1 tỉ đồng làm MV cho ca khúc mới tên Thiên tử, một sáng tác của nhạc sĩ trẻ Tăng Nhật Tuệ.
Trước đó, MV cổ trang Chờ người của “ngọc nữ bolero” Tố My được đầu tư gần 1 tỉ đồng. Nếu âm nhạc là bản phối EDM “bắt tai” được sản xuất bởi nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, thì hình ảnh MV cũng được trau chuốt với kỹ xảo 3D rất “đã mắt”.
Góp phần tạo nên sự “hồi sinh” làn sóng cổ trang khiến người hâm mộ thích thú thời gian gần đây còn có các MV của Đan Trường (Thiên tử), Bảo Anh (Sống xa anh chẳng dễ dàng), Trương Quỳnh Anh (Họa tình), Sơn Tùng MT-P (Lạc trôi)... Phải công nhận, giữa hàng loạt MV với nội dung xoay quanh những chuyện tình tay ba “thời hiện tại” khá nhàm chán, các MV cổ trang được chăm chút từ âm nhạc đến hình ảnh, tỉ mỉ từ đạo cụ, phục trang (chẳng hạn riêng phục trang cho MV Thiên tử của Đan Trường đã ngốn hơn 300 triệu đồng) đến bối cảnh (chùa Linh Quy Pháp Ấn, Lâm Đồng trong MV Sơn Tùng M-TP, khu vực đèo Đá Trắng - đèo Thung Khe, Hòa Bình trong MV Bảo Anh hay cảnh đẹp Ninh Bình trong MV Trương Quỳnh Anh…) đã mang đến cảm giác lạ, thú vị cho người xem. Tuy nhiên, nếu “nghiền ngẫm” một chút, người xem sẽ không khó nhận ra “vẻ đẹp chung” mà những nhân vật trong các MV này mang lại là đều mang dáng dấp của nhân vật trong phim cổ trang, dã sử Trung Quốc.
MV cổ trang Việt giống phim Hoa ngữ1
MV cổ trang Việt giống phim Hoa ngữ2
Xu hướng làm MV mang hơi hướng cổ trang đang trở lại Ảnh: NSCC

Mông lung tạo hình

Lấy ví dụ MV Chờ người của Tố My thì sẽ thấy tiếng đi đường tiếng, hình đi đường hình! Lời hát và minh họa không ăn nhập gì nhau. Xem MV, sẽ thấy nhân vật của Tố My khi thì mang vẻ đẹp như nữ tướng Mộc Quế Anh (trong phim cùng tên) hay Tôn Thượng Hương (trong Tam quốc diễn nghĩa), lúc lại như tiên nữ chốn thiên đình...
Trong các MV cổ trang khác, tạo hình dễ thấy của các nhân vật quanh đi quẩn lại vẫn khó “thoát” sự liên tưởng đến các nhân vật quen thuộc của những bộ phim kiếm kiệp hay dã sử, lịch sử Trung Quốc. Xem MV Bảo Anh sẽ thấy thấp thoáng câu chuyện của phim Họa bì 2, khi nhân vật nữ mượn xác cô gái khác để được bên cạnh người mình yêu. MV Trương Quỳnh Anh kể câu chuyện một chàng trai có những giấc mơ về người con gái và gặp “nàng bướm” là Trương Quỳnh Anh hóa thân, một “style” của ngôn tình Trung Quốc. Trong khi đó, MV cổ trang của Đan Trường hay Sơn Tùng M-TP mang đến một “chân mệnh thiên tử” dễ thấy trong bất kỳ bộ phim cổ trang Hoa ngữ nào: cô đơn trên quyền lực. Dẫu chỉ là mơ của Thủy Tiên thì mang vẻ đẹp quyến rũ của hồ ly trong Họa bì lẫn vẻ đẹp quyền lực của Võ Tắc Thiên…
Có thể thấy làn sóng MV cổ trang mới chỉ chú trọng chuyện đẹp hơn, hoành tráng, nhiều kỹ xảo hơn chứ chưa thật sự đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu tạo hình nhân vật, câu chuyện… chứ chưa bàn đến yếu tố Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.