Ngắm 'Hạ Long trên núi', thăm làng cổ người Mường

08/07/2017 09:15 GMT+7

Đi thuyền trên hồ Hòa Bình (huyện Tân Lạc, Hòa Bình), thăm bản Ngòi, du khách được ngắm nhìn cảnh sông nước mênh mang, núi non hùng vĩ và trải nghiệm đời sống văn hóa của các dân tộc Mường, Mông...

Cảnh đẹp trên hồ Hòa Bình, nơi từng được ví như “Hạ Long trên núi” với những dãy núi đá vôi nguyên sinh và mặt nước rộng mênh mang. Cả một vùng hồ hoàn toàn yên tĩnh để khách có thể nghe thấy từng làn gió thổi. Mặt nước trong xanh với mây trời soi bóng. Suốt quãng đường di chuyển trên mặt hồ, cảnh quan luôn hút ánh nhìn của du khách. Ở đây còn có những hang động đẹp, trong đó có động Hoa Tiên đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia...
Trên con thuyền lướt trên mặt hồ mênh mang nước, Sùng A Thông (29 tuổi) cầm cây sáo, cúi đầu chào rồi bắt đầu thổi bài Giai điệu bản xa. Tiếng sáo Mông của A Thông réo rắt, vui như tiếng gió thổi vờn trên cây lá mùa xuân. A Thông trước kia theo học Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Học xong, A Thông đi dạy nhạc cho trường mẫu giáo, rồi cơ duyên đưa anh đến với một công ty du lịch, tham gia đội văn nghệ chuyên biểu diễn phục vụ du khách. “Tôi thổi sáo từ nhỏ, gắn bó với sáo Mông từ nhỏ nên cũng không khó quá khi biểu diễn. Nhưng hàng ngày tôi vẫn tập những bài mới để phục du khách được tốt hơn”, A Thông nói. Các buổi diễn của A Thông cùng anh chị em trong đoàn phụ thuộc vào lượng khách tham quan. Vào giữa tuần, mỗi ngày A Thông diễn một buổi trên chuyến tàu du lịch trên hồ Hòa Bình. Cuối tuần, khách đông hơn, nhiều đoàn hơn, A Thông diễn tới 3 buổi/ngày.
Sáo Mông là một trong những nét văn hóa dân tộc được giới thiệu trong chuyến đi kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ này. Nhưng cũng còn những tiết mục của những dân tộc thiểu số khác đang sinh sống ở Hòa Bình cũng được giới thiệu với du khách. Thậm chí, có cả một phần giới thiệu chỉ nói về trang phục của phụ nữ Mường. Chiếc váy với cạp thêu đẹp đẽ cùng nếp gấp nhung đen để lộ ra lụa đỏ. “Chính phần lộ chân màu đỏ đó làm chuyển động của người phụ nữ Mường đẹp hơn”, ông Trần Văn Vỹ, hướng dẫn viên du lịch nói. Cũng có cả tiết mục hát văn Cô đôi thượng ngàn. Đó là tiết mục được biểu diễn để khách hình dung phần nào về tín ngưỡng thờ Mẫu trước khi ghé điểm đến đền bà Chúa Thác Bờ.

tin liên quan

Bay bổng cảm xúc đêm khai hội hang động
Hàng ngàn khán giả đã có một đêm bay bổng với nhiều cảm xúc khi hòa cùng âm nhạc để khám phá những “đặc sản” văn hóa, du lịch Quảng Bình trong đêm khai mạc lễ hội hang động tối qua 17.6 tại quảng trường Bảo Ninh.
Học quét nhà, gấp chăn để làm du lịch cộng đồng
Tuy nhiên, theo ông Vỹ, xóm Ngòi (xã Ngòi Hoa, H.Tân Lạc, Hòa Bình) mới là điểm đến được chú trọng trong tour du lịch văn hóa ở hồ Hòa Bình. Tên trước đây của bản là Bưa Dâm. Theo tiếng Mường, “bưa” nghĩa là vạt đất bằng phẳng trên núi cao, còn “dâm” là nơi có nhiều cây gỗ lớn hoặc nơi có bóng râm mát mẻ. Tên của làng, theo tiếng Mường có nghĩa là nhiều cây, râm mát. Ở đây, một điểm du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa dân tộc Mường đã đón khách từ 2 tháng nay. “Ở Hòa Bình có tới 62 % dân số là người Mường nhưng chưa có 1 làng dân tộc nào xứng tầm và biểu trưng của văn hóa Mường. Chính vì vậy, khi tìm thấy làng cổ của người Mường là làng Ngòi thì những người làm du lịch quyết xây dựng nó thành điểm đến văn hóa. Đặc biệt hơn, làng không có đường bộ đi vào mà chỉ có đường thủy nên vẫn giữ được những nét xưa cũ, rất hợp với du lịch home stay. Đội văn nghệ của người dân, thầy mo cũng giới thiệu cồng chiêng, mo Mường (một di sản văn hóa dân gian), món ăn với khách”, ông Vỹ nói.
Chị Bùi Thị Mân (32 tuổi, cư dân bản Ngòi) cho biết, khi được chọn làm home stay, chị được đào tạo ngay tại xóm. “Học độ 15 - 10 ngày về trải chăn ga gối đệm, đón khách như thế nào. Trải chăn ga gối đệm thì trước đó mình chưa bao giờ làm. Buổi đầu tiên, cán bộ tư vấn cho mình là làm du lịch thì chăn ga gối đệm, nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng. Trước đây, mình cũng sạch sẽ, gọn gàng nhưng mà chưa đạt tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là phải không có rác ở sân, mình phải có thùng gom rác. Chó với gà thì phải nhốt lại…”, chị Mận cho hay. Chị Mận cũng được học nấu ăn. Có những món truyền thống từ xưa của vùng như gà xào măng chua, thịt trâu nấu lá lồm thì chị đã nấu thạo, không phải học. Nhưng còn những món khác như gà hấp lá chanh, nộm hoa chuối, lợn Mường quấn lá rừng hấp thì phải học thêm để thực đơn đa dạng hơn.
Ông Bùi Văn Dăn, Trưởng công an xã Ngòi Hoa cho biết, trước mắt, có 7 ngôi nhà được chọn để làm du lịch home stay. Xã cũng thường xuyên kiểm tra để bảo đảm an ninh đường thủy, đặc biệt là ở các khu dịch vụ vui chơi dưới nước cho trẻ em, hay tới đây là chèo thuyền và xe máy nước. Ông Dăn hy vọng đây sẽ là mô hình giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.