Ngậm ngùi di tích quốc gia đặc biệt

19/11/2018 06:46 GMT+7

Phật viện Đồng Dương, di tích quốc gia đặc biệt ở Quảng Nam, chỉ còn sót lại chút 'hình hài' là cổng tháp Sáng sau hơn nghìn năm tồn tại. Nhưng tháp này cũng đang phải vất vả chống đỡ với mưa nắng bão bùng...

[VIDEO] Vẽ bậy tại Phật viện Đồng Dương – di tích quốc gia hơn 1.000 năm tuổi
Rệu rã phế tích
Bà Trà Thị Quế (62 tuổi, ở thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam) không giấu cảm giác buồn bã khi người lạ nhìn vào phế tích Phật viện Đồng Dương chỉ thấy một bãi đất trống với cây cỏ um tùm. “Bà con chúng tôi ở đây bao đời, hằng ngày qua lại chứng kiến cảnh khu di tích đặc biệt rệu rã với nắng mưa mà luyến tiếc và lo lắng cho tương lai của một công trình kiến trúc hùng vĩ một thời. Trước đây, nhiều đoàn về khảo sát và đưa ra các phương án phục dựng để bảo tồn, khai thác du lịch. Nghe vậy, bà con mừng lắm, cứ tưởng “hình hài Phật viện Đồng Dương” sẽ nhanh chóng tái hiện, nhưng đã nhiều năm trôi qua vẫn không thấy động tĩnh gì”, bà Quế ngậm ngùi.
Năm 2012, tỉnh Quảng Nam đầu tư 3 tỉ đồng khai quật một số khu vực tại Phật viện Đồng Dương cũng như chống đỡ khẩn cấp cổng tháp Sáng bằng hệ thống sắt thép chằng chịt. Nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện một số hạng mục kè chống đỡ khẩn cấp tháp Sáng đã hư hỏng, xuống cấp; hoa văn dưới chân tháp bị rêu bụi phủ mờ. Quanh khu di tích, cây dại mọc um tùm chắn cả lối ra vào. Đặc biệt, ngay chân tháp Sáng cũng bị bôi bẩn, viết vẽ bậy...
Theo UBND xã Bình Định Bắc, chính quyền địa phương chỉ có vai trò quản lý về mặt hiện trạng và tuyên truyền vận động người dân không xâm hại di tích. Địa phương cũng nhiều lần kiến nghị cấp trên có phương án tu bổ để bảo vệ công trình cuối cùng của Phật viện Đồng Dương.

Trước đây, nhiều đoàn về khảo sát và đưa ra các phương án phục dựng để bảo tồn, khai thác du lịch. Nghe vậy, bà con mừng lắm, cứ tưởng “hình hài Phật viện Đồng Dương” sẽ nhanh chóng tái hiện, nhưng đã nhiều năm trôi qua vẫn không thấy động tĩnh gì

Trà Thị Quế
(người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam)
Chờ quy hoạch tổng thể
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó trưởng phòng VH-TT H.Thăng Bình, nhìn nhận Phật viện Đồng Dương đã là phế tích từ trước khi được công nhận di tích quốc gia (nay là di tích quốc gia đặc biệt). Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cũng đánh giá khu di tích này đã... hết cấp để xuống. Hiện tại, khu vực 1 được khoanh vùng bảo vệ hiện trạng di tích có diện tích 5,3 ha; khu vực 2 vẫn chưa xác định được bởi kéo dài từ tây sang đông, rất rộng. Các chuyên gia nhận định dưới lòng đất ở Đồng Dương còn nhiều dấu tích, hiện vật chưa được khám phá.
Tại Phật viện Đồng Dương, đã có một đơn vị hỗ trợ Quảng Nam lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác lập vùng đệm, vùng lõi cũng như khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt. Cũng theo ông Hồ Tấn Cường, sau khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, Sở VH-TT-DL đã xin chủ trương và được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho phép mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn có chuyên môn, hiểu biết về bảo tồn di tích tham gia lập quy hoạch tổng thể Phật viện Đồng Dương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Trên cơ sở quy hoạch tổng thể này, mới tiếp tục lập quy hoạch 1/500 để có cơ sở thiết kế, phục chế toàn bộ Phật viện Đồng Dương. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị tư vấn thiết kế nào nhận lời tham gia”, ông Cường nói.
Ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam), cho rằng: “Nếu không làm được quy hoạch tổng thể, rồi quy hoạch chi tiết 1/500 thì không ai dám “đụng” vào di tích quốc gia đặc biệt này để phục dựng, phát huy giá trị di tích cả”.
Khi được hỏi liệu đến năm 2019 có thể khởi động chương trình, kế hoạch để “đụng” vào di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương hay không, ông Hồ Tấn Cường trả lời: “Chưa, chỉ hy vọng trong năm 2019, có thể lập được quy hoạch tổng thể mà thôi”.
Ngậm ngùi di tích quốc gia đặc biệt1
Di tích quốc gia đặc biệt hiện chỉ còn cổng tháp Sáng nhưng cũng phải chống đỡ Ảnh: Mạnh Cường
“Thủ tục khá phức tạp”
Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho biết, năm 2012, Cục đã có Văn bản thỏa thuận số 3625 với Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam về báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo tồn cấp thiết Phật viện Đồng Dương. Trong đó, Cục Di sản văn hóa thỏa thuận việc bảo tồn cấp thiết gồm các nội dung như: nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, văn bản về di tích; cắm mốc giới bảo vệ di tích; thăm dò, khai quật khảo cổ; xây dựng mới nhà trưng bày hiện vật, nhà bảo vệ, hàng rào bảo vệ, hệ thống cấp điện, thoát nước.
Phật viện Đồng Dương nằm tại làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình (Quảng Nam). Đây là phật viện lớn nhất Đông Nam Á xây dựng từ thế kỷ thứ 9 của Vương quốc Champa, hiện trở thành phế tích. Nguyên ủy, nơi đây có những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330 m theo hướng từ tây sang đông. Trong đó, khu đền thờ nằm trong vành đai hình chữ nhật dài 326 m, rộng 155 m, có tường bao quanh. Từ khu đền thờ chính một con đường rộng, dài 763 m chạy về phía đông tới một thung lũng hình chữ nhật (dài 300 m, rộng 240 m)... Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích cấp quốc gia, đến tháng 12.2016 được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Bộ VH-TT-DL khi đó cũng lưu ý một số vấn đề như tham khảo hình thức kiến trúc của một số nhà trưng bày về di tích Chăm để thiết kế kiến trúc nhà trưng bày tại di tích Phật viện Đồng Dương; bổ sung phương án chặt bỏ và đền bù cây xanh trong khu vực di tích đang làm ảnh hưởng đến dấu tích kiến trúc nằm trong lòng đất và có kế hoạch di dời các ngôi mộ của nhân dân địa phương xây dựng trong khu vực bảo vệ 1 của di tích.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết hiện Cục chưa nhận được báo cáo nào của Quảng Nam yêu cầu hỗ trợ chuyên môn trong việc quy hoạch. “Phân cấp quản lý thì địa phương có trách nhiệm quản lý. Nếu khó khăn thì có ý kiến ra ngoài này. Cần về chuyên môn sẽ tư vấn hướng dẫn chuyên môn”, ông Hùng nói.
Một chuyên gia bảo tồn di tích xác nhận việc tu bổ phật viện cũng như quy hoạch di tích chậm trễ là do thủ tục. “Đây là di tích quốc gia đặc biệt, muốn tu bổ phải dựa vào quy hoạch. Quy hoạch đó lại do Thủ tướng phê duyệt. Vì thế, thủ tục khá phức tạp. Tạm thời chỉ chống xuống cấp thôi, còn làm gì cũng phải theo quy hoạch được phê duyệt. Điều này được quy định trong Nghị định 70 về tu bổ di tích. Hiện tại, khi thực hiện nghị định cũng có nhiều bất cập và Cục Di sản văn hóa cũng đang lấy ý kiến để sửa cho phù hợp với thực tế. Muốn sửa cũng lâu vì còn liên quan đến nhiều bộ, trong đó cả Bộ Tư pháp. Giờ tỉnh phải tìm cách làm thôi”, chuyên gia này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.