Trong nhóm có Nam tước d’ Adelsward biệt danh là Bá tước Jacques de Fersen và hai cô Roosevelt, chị em họ với cố Tổng thống Mỹ Théodore Roosevelt. Họ đi du lịch Ấn, Tàu, Nhật Bản và ghé lại thăm Đông Dương. Sự có mặt của họ ở Huế được xem như là một vinh dự, vì lúc bấy giờ nước VN còn là một xứ hầu như không được ai biết đến. Bá tước de Fersen là một văn sĩ tiếng tăm. Về phần hai cô Roosevelt mặc dù tuổi tác cao - người 80, người 70 - họ vẫn còn tinh thần trẻ trung nhanh nhẹn và vui tính, nhất là người chị, cô Karh.
Tự nhiên họ được gởi gắm nồng hậu cho ông thống sứ Trung Việt, và ông này cắt ra một viên chức cho tùy thuộc họ, hầu hướng dẫn họ đi viếng kinh thành và các vùng kỳ quan thắng cảnh chung quanh. Trong thời gian lưu lại Huế, họ đã dùng thì giờ một cách đầy đủ vào những cuộc viếng đền đài, lăng tẩm, chùa miễu, thả thuyền dạo trên sông Hương có ca, có nhạc…
Nhưng những cuộc du hí này cũng chẳng có gì khiến cho người ta về sau còn nhắc nhở đến họ, nếu vào lúc tết không có xảy ra một câu chuyện buồn cười có hai cô Roosevelt tham dự, có thể nói rằng họ là hai vai chủ động cũng được.
Bá tước de Fersen được lời mời chánh thức đến dự cuộc lễ diễn ra vào ngày mùng một tết ở điện Thái Hòa. Cuộc lễ ấy có mục đích để cho ông thượng thơ bộ Lại (hành chánh) dâng lời chúc mừng hoàng thượng và các quan bái tạ ngai vàng. Hai cô Roosevelt ngạc nhiên thấy rằng họ không được mời. Người ta mới giải thích cho họ rõ rằng nghi lễ của triều đình không cho phép đàn bà có mặt trong những cuộc lễ có tánh cách ấy, chính cũng vì cái lẽ nó có đặc tính tôn nghiêm, nhưng bù lại họ có thể dự những buổi khánh tiết và những cuộc vui chơi công cộng vào lúc chiều.
|
Nhưng hai cô lại ương ngạnh và khăng khăng nài nỉ mãi:
“Ít nữa cũng dành cho chúng tôi một trường hợp đặc biệt, cho chúng tôi ngoại lệ chớ. Chúng tôi từ một xứ rất xa đến đây và gia thế chúng tôi cũng đảm bảo cho phẩm cách của chúng tôi chớ”.
Người ta phải lắm khó nhọc để nói cho họ hiểu rằng đó là một lịnh cấm ngặt đối với phụ nữ bởi vì đến cả hoàng hậu, toàn quyền phu nhân hay thống sứ phu nhân cũng chẳng một ai được dự cả. Thế rồi là những giọt nước mắt và cả những cái nghiến răng vì hậm hực, uất ức. Những viên tùy thuộc trong tòa khâm sứ không còn biết phải trốn vào đâu nữa…
Thế mà, trong cuộc lễ đang diễn hành trong sự trầm mặc sang trọng uy nghi, người ta bỗng thấy trong vườn núp ló sau một bụi bông bụt, hai bóng người đội hai cái nón vành rộng (cái mốt của thời ấy). Tai hại chưa!
Lập tức viên thống chế quản đốc ngự lâm quân được lịnh mời hai bà hiếu kỳ ấy ra khỏi nội điện. Người ta thấy họ rời chỗ ẩn ra, cử chỉ bối rối và xấu hổ.
Sau đó người ta mới rõ rằng, mặc dù có mệnh lịnh cấm ngặt, hai cô Roosevelt, theo lối người Mỹ, vẫn muốn “thử thời vận” cho bằng được mới nghe. Bấy giờ ở khách sạn Morin có anh chàng lác mắt mà có lẽ tất cả du khách ngoại quốc nào cũng biết, vì ngoài công việc làm ở khách sạn, anh ta lại còn làm nghề hướng đạo và dắt mối.
Được hai cô Roosevelt hỏi ý, anh ta đáp rất tự nhiên: có cách. Món tiền thưởng rất hậu khiến anh cũng dám liều. Thế là anh đi trước, hai cô Roosevelt theo bên, đến cửa Đông.
Anh ta lấy dáng điệu hống hách làm cho viên quản xuất ngự lâm quân coi sóc việc ra vào nơi ấy cũng phải nể nang. Anh ta bảo viên quản hay rằng: hai bà đây thuộc dòng dõi cao sang thế phiệt, có được hoàng thượng cho phép vào trong điện để đứng xa đủ xem cuộc lễ.
Họ phải ẩn mình sau một bức màn lá, khỏi phải sợ nhà chức trách nhìn thấy được. Cái mưu mẹo ấy được thành tựu mỹ mãn ở giai đoạn đầu.
Nhưng rồi vỡ lở ra, và ta đã được thấy cuộc mạo hiểm ấy kết thúc một cách thảm hại như thế nào.
Bá tước de Fersen thừa cơ hội ấy đã nghiêm khắc nhắc cho hai cô Roosevelt biết rằng: Nếu ở xứ họ, sự tôn trọng có tùy thuộc đồng tiền, sự trạng đó không giống ở đây là nơi mà có lắm ân huệ không thể mua được, dù là có bỏ ra một mớ đô la to tát đi nữa.
Và câu chuyện buồn cười ngày mùng một tết ấy kết liễu với một cơn uất ức khó tả của hai cô Roosevelt.
(Dẫn theo cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM 2020)
Bình luận (0)