Gỡ “nút thắt” tỷ lệ và trường hợp đặc biệt
Mới đây, Sở VH-TT Hà Nội và Sở VH-TT TP.HCM vừa công bố danh sách các nghệ sĩ có hồ sơ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), dự đoán năm nay số lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT có thể nhiều hơn những năm trước, do những thay đổi trong quy chế xét tặng danh hiệu. “Đây là năm đầu tiên việc xét duyệt tiến hành theo nghị định mới. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ phần trăm phiếu đồng ý của hội đồng từ 90% xuống 80% thì còn có cả việc áp dụng trường hợp đặc biệt nữa”, ông Cẩn nói.
Theo điều 8 khoản 4c của Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì có những trường hợp được đánh giá là đặc biệt khi có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng vẫn có thể xét phong tặng. Đó là những trường hợp nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại điều 2 luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế...
NSND Nguyễn Hồng Phong (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) cho rằng việc xét duyệt nới như thế là thiên về cống hiến, về quá trình nhiều hơn. “Cách xét như thế sẽ có lợi cho những người ít tham gia hội diễn”, ông Phong nói.Ông Phong cũng liên hệ với những cái khó của nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. “Vì sao nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam ít đi hội diễn? Vì hội diễn trước đây thì quy chế bắt buộc phải là tác phẩm của Việt Nam. Nhưng đợt này thì chúng tôi có thể mang Hồ thiên nga, Những người khốn khổ đi được. Thực ra, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng nương nhờ các vở opera và ballet nổi tiếng thế giới nhiều, chứ cũng ít có tác phẩm của Việt Nam”, ông Phong phân tích.
|
Chưa k ể, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam còn có những giải thưởng không thể quy đổi để xét danh hiệu. “Chúng tôi đi thi, thế là có giải đặc biệt nhưng lại không quy đổi được. G Cô Saoiải này phụ thuộc vào quy chế lúc họp. Ban giám khảo sẽ quyết định. Hai lần nhà hát đi thi với vở Cô Sao và Khoảnh khắc bất tử đều được giải đặc biệt, nhưng không quy đổi được như thế”, NSND Hồng Phong cho biết.
Thiết nghĩ việc cống hiến không chỉ là cống hiến cho hoạt động của nhà nước mà còn cho nhân dânNhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long |
Theo ông Phong, nhìn sang lĩnh vực sân khấu, các sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM một thời gian dài không mấy khi đi hội diễn toàn quốc vì hầu hết không có kinh phí. Điều này, theo ông, thực sự thiệt thòi cho nghệ sĩ khi xét huân, huy chương. Vì thế, ông Phong mong mỏi các nghệ sĩ thiếu huy chương nhưng giàu đóng góp ở TP.HCM sẽ có mặt trong danh sách phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt này.
Những người nên có mặt
|
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng các nghệ sĩ có cống hiến không mệt mỏi thì nên có ghi nhận xứng đáng. “Thí dụ như trong làng ca hát thì mọi người còn dễ được nhìn thấy, còn những nghệ sĩ khác ở những mảng nghệ thuật ít nổi tiếng thì khó nhìn ra hơn. Nếu không khéo, chúng ta sẽ biến cuộc xét danh hiệu này thành cuộc chơi riêng của những người trong các đoàn ca nhạc nghệ thuật nhà nước. Trong khi nhiều nghệ sĩ khác cũng cống hiến không mệt mỏi lại chưa được ghi danh”, ông Long nói.
Về các cá nhân cụ thể, theo ông Long, cũng có những trường hợp đáng quý và cần được tôn vinh mà chưa thấy tôn vinh. “Chẳng hạn, chị Cẩm Vân rất xứng đáng để được xét tặng danh hiệu NSND. Chị ấy quá nổi tiếng với Bài ca không quên và thuộc lứa nghệ sĩ có nhiều cống hiến rất đáng được ghi nhận”, ông Long nói. Liên hệ trường hợp ca sĩ Cẩm Vân với người có trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần này là ca - nhạc sĩ Thế Hiển, ông Long nói thêm: “Danh sách lần này có anh Thế Hiển. Anh Thế Hiển và chị Cẩm Vân đều là những người cống hiến không mệt mỏi, tài năng, mang phong cách hơi thở mới cho nhạc nhẹ những năm 1980 -1990, có ảnh hưởng lan tỏa ra miền Bắc”.
Ông Long cũng nhắc tới một người đáng lẽ phải có trong danh sách. Đó là nghệ sĩ Xuân Hinh. “Ngày xưa vua hề chèo là cụ Mạnh Tuấn, sau cụ là thế hệ của anh Xuân Hinh. Họ giữ được lửa cho hề chèo chứ đâu phải chỉ là nghệ sĩ kiếm tiền như có người nói. Nghệ sĩ chèo Quốc Anh cũng là NSND rồi, anh ấy rất xứng đáng. Nhưng trong nghề thì anh Xuân Hinh xếp hàng trên. Thiết nghĩ việc cống hiến không chỉ là cống hiến cho hoạt động của nhà nước mà còn cho nhân dân…”, ông Long nói.
Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - ông Trần Hướng Dương cho rằng hiện tại các hội đồng cơ sở mới bắt đầu dần công bố danh sách sau khi hội đồng bỏ phiếu. Vì thế, ông chưa thể đưa ra các nhận định về kết quả hay về tỷ lệ nghệ sĩ tự do - nghệ sĩ nhà nước trong việc xét danh hiệu, hay số lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu có tăng hay không. Mặc dù vậy, theo ông: “Dù nghệ sĩ tự do hay làm việc cho một công ty tư nhân hay đoàn nhà nước, điều chúng tôi muốn là không bỏ lọt tài năng”.
Bình luận (0)