Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - người mẹ của sân khấu miền Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/10/2020 06:24 GMT+7

Sáng 15.10 tại số 5B Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), Ban Lý luận Phê bình (Hội Sân khấu TP.HCM) đã khai mạc triển lãm ảnh và tổ chức chuyên đề Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - người mẹ trên sân khấu kịch miền Nam.

Tham dự chương trình có Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Kim Cương (con gái má Bảy Nam), NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSND Kim Xuân, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Hội, đạo diễn Ái Như, Hồng Dung, Thanh Hằng, Mỹ Phượng, Chánh Trực, Hồ Ngọc Xum, Hữu Luân, nghệ sĩ hài Mỹ Chi, các diễn viên CLB Sân khấu Lạc Long Quân… Tất cả cùng hồi tưởng những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề, từng gắn bó với một tên tuổi lớn chuyên đóng vai người mẹ trên sân khấu kịch và điện ảnh là NSND Bảy Nam.
Triển lãm giới thiệu gần 100 bức ảnh quý và tư liệu báo chí về NSND Bảy Nam, trong đó có nhiều bức ảnh làm người xem rưng rưng khi nhìn thấy NSND Bảy Nam, dù ở tuổi 89 vẫn ngồi tỉ mỉ trang điểm, hóa trang cho vai diễn để đời bà Tư trong Lá sầu riêng, cùng nhiều bức ảnh đen trắng các vai diễn của NSND Bảy Nam trên sân khấu cải lương (Ngọc kỳ lân), phim đen trắng (Ngọn cỏ gió đùa)…
Được biết, NSND Bảy Nam sinh ra tại Tiền Giang. Bà là em ruột của nghệ sĩ Năm Phỉ, trong một gia đình có tới 11 anh chị em. Đến với con đường nghệ thuật từ năm mới 14 tuổi, chỉ 5 năm sau, bà đã trở thành bầu với gánh hát Nam Hưng - cũng là nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương. Suốt cuộc đời hơn 70 năm đứng trên sân khấu, NSND Bảy Nam không chỉ là diễn viên mà còn là nhà quản lý, trưởng đoàn, tác giả kịch bản, đóng hàng chục phim truyện. Hai vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà, đó là vở Lá sầu riêng và Bông hồng cài áo, làm rung động biết bao trái tim khán giả. Nghệ sĩ Bảy Nam còn là nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với các kịch bản để đời: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng...
Nhắc về những kỷ niệm với người mẹ yêu quý của mình, nhiều lần NSND Kim Cương phải ngưng lại để lau nước mắt: “Cả cuộc đời, tôi chưa từng bao giờ nghe má nói mua chiếc cà rá hay cẩm thạch gì đắt tiền mà nhiều đêm khuya trằn trọc, ngồi bật dậy má luôn hỏi, rằng khi nào thì mới có kịch bản viết về người điên cho má diễn... Một tháng sau khi má mất, trong lúc sắp xếp đồ đạc, tôi chợt tìm thấy nhiều biên lai đóng góp tiền từ thiện của má nhưng lại không ghi tên Bảy Nam mà toàn là tên những vai diễn, điều đó càng khiến tôi vô cùng khâm phục tấm lòng của má tôi, làm từ thiện nhưng không bao giờ để người ta biết điều mình làm…”.
Nhớ NSND Bảy Nam là NSƯT Thành Lộc lại gắn với những câu chuyện trong bữa ăn trưa “truyền thống” của gia đình. Ở đó, nhiều “chuyện đời, chuyện nghề” cha răn dạy anh từ nguyên mẫu của má Bảy. Nghệ sĩ Bạch Lê dù qua Pháp sinh sống vẫn mang theo chiếc áo má từng mặc để diễn trong vở Điều Tam Xuân như chiếc “bùa hộ mạng” mà má Bảy đã từng yêu quý mang ra tặng. Còn nghệ sĩ Hữu Châu thì không quên câu chuyện về đôi bông mù u bị đánh rơi trước đêm diễn: “Hồi đó, mua đôi bông này khó khăn lắm, tôi bị ngoại Bảy rầy cho một trận: Đạo cụ giúp cho mình diễn hay hơn, là cần câu kiếm cơm, quần áo con mặc, thuốc con uống… sao con lại để mất. Sau khi nguôi ngoai giận, ngoại mở tủ lấy ra một bịch… bông tai mù u ra đưa cho tôi làm tôi mừng quá”.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh vô cùng cảm phục sự cẩn trọng của má Bảy Nam trong nghề, đặc biệt là lời dặn dò với các nghệ sĩ trẻ. Bà Nguyễn Thế Thanh khẳng định: “Với tôi, má Bảy Nam không chỉ là một nghệ sĩ lớn mà còn là nhà văn hóa, bà đã làm ra những giá trị văn hóa và truyền giá trị ấy cho đời sau…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.