Nghệ sĩ Trung Dân: Đừng nghĩ nghệ thuật đang phát triển, tất cả đang giãy trong vũng nước dơ

30/11/2017 10:01 GMT+7

Tại buổi ra mắt gameshow Ơn giời, cậu đây rồi mùa 4, nghệ sĩ Trung Dân trở lại và lần đầu tiên đảm nhận vai trò trưởng phòng. Ông đã có những tâm sự về chuyện đời và tình hình kịch nghệ hiện nay.

* Kính chào nghệ sĩ Trung Dân, thời gian qua thấy chú có vẻ yên ắng trên sóng truyền hình. Không biết vì lý do gì mà chú quyết định quay trở lại với vai trò một trong 7 trưởng phòng của gameshow hài Ơn giời, cậu đây rồi?

Xã hội bây giờ đầy “ma” rồi, khỏi nhát nữa. Tôi chỉ lo ngại một điều là thế hệ khán giả tiếp theo, thế hệ khán giả tuổi teen bây giờ, họ đã quen tiếp nhận cái kiểu giải trí như thế này thì liệu khi họ lớn thì khi nào họ định hình lại được. Mà khi họ định hình lại được rồi thì những cái tử tế, những cái chính thống nó chết ngắt hết rồi. Thì lúc đó ai là người chịu trách nhiệm!

Nghệ sĩ Trung Dân

- Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi đâu có vắng bóng (cười), tại tôi ít chơi gameshow thôi. Vì ngoài việc đi diễn tôi còn phải làm nhiều công chuyện khác, đến giờ tôi còn phải lo "mần nông" (làm ruộng - PV) mà. Gameshow thì nó nhiều lắm, mình phải lựa chọn những cái phù hợp để không gặp sự cố. Cái Ơn giời, cậu đây rồi này mấy mùa trước tôi có tham gia với tư cách khách mời và bây giờ tôi tham gia với vai trò trưởng phòng. Tôi thấy thích chương trình này vì nó mang lại những tình huống bất ngờ mà người chơi không biết trước, nếu ai lanh lẹ và thích ứng được thì sẽ rất tuyệt vời. Mùa này thì tôi cũng nói luôn là kịch bản thì chúng tôi không thiếu ý tưởng, chúng tôi có thể nghĩ ra nhiều tình huống hợp lý. Nhưng cái khó khăn của chúng tôi là những khách mời. Họ đến từ đủ thành phần: người mẫu, ca sĩ, diễn viên… thậm chí là những người làm kinh doanh có tiếng trong xã hội. Nên để hòa nhập được với các tình huống của Ơn giời, cậu đây rồi thì không phải ai cũng làm được. Do đó nếu mùa thứ 4 này mà khán giả xem chương trình thấy có nhiều cái hơi lạ, nó không như ý thì quý vị hãy thông cảm vì không phải chúng tôi cạn ý tưởng mà làm bậy mà là muốn chương trình phổ biến, gần gũi đến mọi tầng lớp khán giả nên chúng tôi mở rộng đối tượng khách mời và số lượng khách mời cũng nhiều hơn mọi năm.
Khách mời chúng tôi cũng chọn lựa dữ lắm, nhưng mà nhiều khi cũng gặp sự cố là ở ngoài họ vui vẻ, hoạt ngôn nhưng khi rơi vào các tình huống giả định trên sân khấu thì họ lại thụ động làm cho tiết mục bị lạc lõng. Nếu quý vị được ngồi xem tại trường quay sẽ thấy các biên tập chương trình họ phải cắt dựng chỉnh sửa rất tốn công sức, cái mà quý vị xem trên tivi là cả một công trình.
* Chú từng chia sẻ con cái ở nhà không cho chú tham gia gameshow vì ngại sức khỏe cũng như dễ bị điều tiếng không hay mà cát-sê lại không bao nhiêu. Vậy lần này các con có ủng hộ chú?
- Riêng cái chương trình Ơn giời, cậu đây rồi thì con tôi thích xem lắm. Tại vì nó là những tình huống bất ngờ, không có kịch bản. Trong tương lai tôi sẽ dành thời gian cho nhiều việc khác và cho gia đình nhiều hơn. Nếu ban tổ chức có làm thêm mùa thứ 5 nữa, người ta có mời nữa thì tôi sẽ tham gia tiếp luôn tại tôi thích cái chương trình này. Còn những cái khác tôi sẽ xem lại sau.
Còn cái sức khỏe thì khỏi lo, tôi mới có 50 tuổi thôi. Năm sau nữa thì 51 tuổi chứ mấy đâu, mọi người có thấy tôi già có chăng là do cái cách ăn mặc của tôi. Cái suy nghĩ của tôi cũng khác với nhiều người và chính cái lối sống đó của tôi khiến tôi ngày càng cảm thấy lạc lõng, đẩy tôi ra xa cái môi trường nghệ thuật bây giờ, tôi không thích ứng được.
Nghệ sĩ Trung Dân từ chối cộng tác dù được nhiều đoàn kịch, sân khấu ngỏ lời mời
* Có bao giờ chú nghĩ mình sẽ thay đổi suy nghĩ hay cách sống trẻ trung hơn để thích nghi với nghề nghiệp tốt hơn cũng như là hòa hợp hơn với các nghệ sĩ trẻ bây giờ?
- Tôi suy nghĩ cái đó thêm làm chi để cho nó tào lao. Tôi nghĩ đó là cái kiểu của tôi, đó là con người tôi. Còn cái chuyện trẻ hay không là cái bề ngoài thôi. Cái điều quan trọng là mình sống có trẻ hay không. Bây giờ người ta đang chạy theo cái mà mọi người dễ thấy nhất chính là cái phản ứng của mọi người với việc ông giáo sư nào đó đòi thay đổi chữ Quốc ngữ. Họ bị một cái gọi là hở tí là giãy nảy lên, khi người ta gặp một vấn đề khó chịu thì họ không chịu bỏ thời gian ra để tìm hiểu mà họ thích chửi nhau trên mạng. Tôi thì tôi chẳng bao giờ dám như thế. Nếu tôi có xuất hiện ở cái diễn đàn nào đó nói về một vấn đề nhạy cảm hay thời sự thì tôi cũng nói rất ôn hòa. Tôi sẽ nói theo cách của tôi chứ không bắt mọi người phải nghe theo tôi. Cái trẻ của tôi nó phải khác chứ còn cái trẻ bây giờ tôi không hòa nhập được. Không phải tôi không thích ứng được mà là tôi không thích như vậy. Khó là vì sao? Vì tôi không phải người dễ bị người ta xỏ mũi, khó ai mà dẫn dắt được.
* Vậy ngoài việc làm nông, chạy show thì chú có hoạt động chính ở một sân khấu kịch nào không?
- Không, tôi không có hoạt động ở cái sân khấu kịch nào cả. Dù có nhiều sân khấu mời tôi nhưng tôi không có về làm. Tại kịch bây giờ khác với hồi xưa lắm, đâu có ai coi nữa. Nói khán giả bỏ sân khấu kịch thì tôi thấy gần đúng rồi. Khán giả bỏ là quá đúng, tại vì kịch gì đâu mà ma không hà, tối ngày cứ nhát ma người ta. Rồi không ma thì kịch về giới tính, đưa những cái nhân vật đồng tính lên để chọc cười khán giả. Bây giờ xã hội đã chấp nhận thế giới thứ ba rồi và người ta cũng chấp nhận sống với cái hình hài, giới tính đó, người ta cố gắng gây dựng những điều tốt đẹp. Vậy mà đa số những hình ảnh đưa lên kịch thì rất kệch cỡm khiến người ta có cái suy nghĩ lệch lạc về giới tính đó của họ.
* Có nghĩa là chú cảm nhận cái hình ảnh của những nhân vật thuộc thế giới thứ ba được đưa lên sân khấu kịch chưa được đúng đắn?
- Đúng! Tôi thấy nó lệch lạc lắm. Tôi thấy cái cười đó là cười sinh lý chứ không phải cười tâm lý nữa rồi. Cái sự dễ dãi của nhà sản xuất và một số bộ phận khán giả đã đẩy sân khấu kịch đi xuống. Tôi suy nghĩ như vậy thì có già không (cười).
Nghệ sĩ Trung Dân: "Sự dễ dãi của nhà sản xuất và một số bộ phận khán giả đã đẩy sân khấu kịch đi xuống"
Nghề này nó nghèo lắm à. Còn những người giàu là họ mượn danh nghề để họ làm chuyện khác nên mới giàu. Chứ sống nghề này mà ăn cơm tổ không thì nghèo lắm. Mà nghèo thì khán giả họ khinh mình, tôi từng bị rồi
Nghệ sĩ Trung Dân
* Chú có bao giờ có ý tưởng hay suy nghĩ nào với tư cách một người làm nghề lâu năm nhằm mong muốn hồi sinh thời hoàng kim của kịch nghệ?
- Chuyện đó là chuyện vĩ mô, là chuyện của các nhà quản lý nghệ thuật, các cấp trung ương họ chịu trách nhiệm chứ tôi không phải là một nhà hoạch định về chính sách để đủ khả năng đưa ra một mô hình. Nói giờ mà không khéo lại bị chửi như ông đòi chỉnh sửa tiếng Việt bây giờ (cười).
Chúng ta cứ ngồi một chỗ mà hô hào thì được cái gì đâu, chúng ta cứ để mọi thứ nó phát triển tự nhiên, mà tự nhiên ở nước ta là có sự kiểm soát của nhà nước. Nhưng nếu chịu sự kiểm soát rồi thì đâu có còn tự nhiên nữa. Những cái điều mà nó không nói đến những vấn đề gai góc của xã hội thì chúng ta cho diễn. Còn những điều gai góc cần để nắn gân, chỉnh đốn cho xã hội tốt đẹp hơn thì gần như sân khấu kịch bây giờ không có thì coi cái gì? Còn tính giải trí hả, bây giờ người ta mượn nhiều lý do để gán ghép cho nó lắm: “Ôi giải trí mà, cần gì đao to búa lớn”. Nhưng không phải, nghệ thuật bây giờ mất đi rất nhiều chức năng của nó. Chức năng giáo dục gần như mất rồi đó, chức năng thẩm mỹ cũng vậy luôn đó thì còn gì đâu mà nói. Cứ suốt ngày nhát ma và đầy vấn đề giới tính. Xã hội bây giờ đầy “ma” rồi, khỏi nhát nữa. Tôi chỉ lo ngại một điều là thế hệ khán giả tiếp theo, thế hệ khán giả tuổi teen bây giờ, họ đã quen tiếp nhận cái kiểu giải trí như thế này thì liệu khi họ lớn thì khi nào họ định hình lại được. Mà khi họ định hình lại được rồi thì những cái tử tế, những cái chính thống nó chết ngắt hết rồi. Thì lúc đó ai là người chịu trách nhiệm.
* Có ý kiến cho rằng nên cấp giấy phép hành nghề theo tiêu chuẩn cho các nghệ sĩ đã qua trường lớp và có khả năng thực thụ để chức danh, nghề nghiệp của người làm nghệ thuật được chính thống hơn, dễ quản lý hơn. Chú nghĩ sao về đề xuất này?
- Tôi nghĩ điều này là không cần thiết. Tôi nghĩ nghệ thuật như một khu rừng mà nghệ sĩ là cây trong rừng. Có cây đại thụ và cũng có cây tán rộng, cây lá kim… và thậm chí có cỏ thì cứ để cho nó phát triển đi. Như tôi ngày xưa học trường lớp đàng hoàng chính thống nhưng bây giờ thi thoảng tôi vẫn nói với con mình là con đi học còn được cái thẻ học sinh chứ ba thì chỉ có mỗi cái thẻ chứng minh nhân dân thôi chứ chẳng có tờ giấy nghệ sĩ nào. Tôi không có thẻ hội viên của Hội điện ảnh hay sân khấu. Mà nghe đâu sắp tới người ta dẹp cái vụ sổ hộ khẩu với các thứ giấy tờ tùy thân qua một bên thay bằng cái mã số gì đó rồi nên chắc là tôi cũng không còn thẻ gì nốt nên cũng chả sao. Nên tôi nghĩ cái vụ đòi cấp giấy là một sự phân biệt, nó làm tốn thời gian và tiền của chứ chẳng ích lợi gì. Nói ra chi cho những kẻ cơ hội vẽ vời ra thêm để tốn thêm tiền mọi người. Tôi thấy vấn đề đó không cần thiết mà còn thấy có hơi hướng mang tư tưởng chủ nghĩa cá nhân nữa, vậy là ích kỷ lắm.
Nghệ sĩ Trung Dân cho rằng không cần thiết phải ra quy định cấp giấy phép hành nghề cho ca sĩ
* Nếu con cái có ý định theo nghiệp cha, chú có đồng ý?
- Nó thích thì tôi ủng hộ nhưng sẽ nói trước là cái nghề này nó nghèo lắm à. Còn những người giàu là họ mượn danh nghề để họ làm chuyện khác nên mới giàu. Chứ sống nghề này mà ăn cơm tổ không thì nghèo lắm. Mà nghèo thì khán giả họ khinh mình, tôi từng bị rồi. Như cái hồi Thu Trang mở cái lớp dạy kịch có kêu tôi qua dạy phụ. Ngày đầu tiên đi dạy, tôi chạy chiếc xe Cub cũ tới cái phụ huynh họ dắt con ra họ thấy vậy họ không cho học, họ kêu nghệ sĩ gì mà thấy ghê, chạy xe cà tàng. Hồi đầu tôi nghe tôi mắc cười mà lúc sau tôi có chút chạnh lòng. Tôi nói không phải quơ đũa cả nắm, chứ bây giờ gần như là số đông nó vậy rồi. Làm chơi cái chương trình Ơn giời, cậu đây rồi là vì có Hoài Linh với Trấn Thành. Mấy anh em làm ủng hộ nhau chứ tôi có còn ham cái gì, sắp tới thì tôi cũng trở lại với công việc canh nông của mình. Rảnh rỗi thì tôi chỉnh sửa, viết lách này kia vậy thôi. Chứ tôi nhìn thấy tương lai của nghệ thuật rồi. Đừng thấy như thế này mà gọi là sự phát triển, tất cả đang giãy trong một vũng nước dơ. Nếu không khéo mà những người có trách nhiệm người ta quên đi nhiệm vụ của mình mà khán giả thì dễ dãi quá thì tất cả chúng ta sẽ chìm hết trong những vũng nước dơ đó và mất hết.
Như gần đây tôi thấy việc người ta phản hồi về cái việc chỉnh sửa lại bảng chữ cái tiếng Việt mà tôi giật mình, không còn gì để nói. Tôi có nghe một số người trí thức họ phản hồi trên sóng quốc gia, người ta phản bác lại ý kiến tiêu cực trên mạng khá gay gắt và nặng lời. Người Việt Nam không bao giờ đoàn kết và chính những ý kiến này là phép thử cho chúng ta nhìn thấy. Chúng ta đang hô hào sống trong một xã hội tôn trọng tập thể nhưng chủ nghĩa cá nhân đang phát triển “vũ bão”. Có những cái chúng ta cần sửa hơn là chữ viết, cái đó là cái tâm cái tính con người.
* Nghệ sĩ Trung Dân nhận show vì kịch bản phù hợp thôi hay có yêu cầu cát-sê phải xứng đáng với tên tuổi, công sức?
- Chương trình phù hợp thì tham gia thôi chứ tôi có tên tuổi gì đâu mà đòi hỏi. Nói có bóng đèn ở đây, chứ tôi nào giờ chưa bao giờ nhận mình là người có tên tuổi. Ngay cả cách tôi ăn mặc mà người ta còn không thích mà lấy chi dám phát biểu kiểu đó.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của chú!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.