Nghiên cứu phục hồi 2 hầm ngầm ở Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/11/2018 05:58 GMT+7

Sáng 8.11, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về 2 hầm ngầm số 59 và 66 tại khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Đây là 2 hầm được xây dựng ở phía bắc nền điện Kính Thiên. Các nghiên cứu, sưu tập tư liệu được thực hiện hướng tới việc có thể tu bổ hầm, giới thiệu với công chúng trong thời gian tới.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho biết qua khảo sát, những căn hầm này có 4 giá trị nổi bật. Hầm là đối tượng di tích quan trọng, bằng chứng lịch sử. Hầm cũng chứa nhiều thông tin giá trị của di sản ký ức, di sản phi vật thể. Chính vì thế, nên nghiên cứu tổ chức trưng bày, kết nối giữa 2 căn hầm này với các di tích cách mạng khác, từ đó xây dựng chương trình giáo dục khám phá cho học sinh.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử đã cung cấp các tư liệu liên quan 2 căn hầm này. Nguyên cán bộ Cục Cơ yếu Trần Thị Mai cho biết về việc dịch các mệnh lệnh, chỉ thị của Bác Hồ và của các ông: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp gửi vào chiến trường miền Nam trong chiến dịch Mậu Thân, chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. Đại tá Bùi Mạnh Hồng, nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc, cung cấp cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động để đảm bảo thông tin vô tuyến điện tại tổng trạm của Bộ Quốc phòng trong những năm chống Mỹ…
TS Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết các di tích cách mạng là một trong những tiêu chí góp phần đưa Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 2010. Vì thế, các hoạt động nghiên cứu sẽ hướng tới việc đề xuất định hướng, kế hoạch hành động để nâng cao giá trị nhiều mặt của hoàng thành, vừa bảo tồn phát huy di tích cách mạng kháng chiến một cách hài hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.