Nghiên cứu thêm nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
23/01/2018 06:51 GMT+7

Sáng 22.1, UBND TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa và tọa đàm về địa điểm nghi từng là nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du tại Huế.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng đại diện UBND TP.Huế, Sở VH-TT, Bảo tàng Lịch sử tỉnh... đã đi khảo sát thực địa tại địa điểm Bàu Thôn (còn gọi là Thạch Bàu, thuộc Hậu thôn, làng Kim Long, nay là tổ 2, P.Kim Long, TP.Huế). Nơi đây, 2 nhà nghiên cứu Dương Phước Thu và Trần Viết Điền, những người đã nhiều năm tìm kiếm dấu vết nơi nguyên táng đại thi hào, cho rằng có dấu tích của mộ phần Nguyễn Du từ khoảng tháng 9.1820 đến năm 1824 (sau đó mộ phần được cải táng đưa về quê Hà Tĩnh). Trong chuyến khảo sát, các nhà nghiên cứu ghi nhận một số dấu tích gạch, đá, mô đất...
Theo chính sử triều Nguyễn, ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (nhằm ngày 3.2.1820), vua Gia Long mất; tháng 4 năm ấy Minh Mạng lên ngôi, khi đó đại thi hào Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang. Công việc đang chuẩn bị, chưa kịp lên đường thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16.9.1820), Nguyễn Du ốm nặng rồi mất, thọ 56 tuổi. Gia đình, thân hữu đưa thi hài cụ đến an táng ở cánh đồng Bàu Đá (Thạch Bàu), thuộc Hậu thôn làng Kim Long, tổng Kim Long, H.Hương Trà. Sách Đại Nam thực lục chính biên có đề cập đến cái chết của Nguyễn Du: “Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 (1820), mùa thu... Hữu tham tri bộ Lễ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An học rộng, giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì... Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa kịp đi thì chết. Vua (Minh Mạng) thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền”.
Ghi chép trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho hay, năm 1824, con trai của đại thi hào Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ và cháu là Nguyễn Thắng đã vào kinh đô Huế làm đơn xin cải táng mộ thân phụ từ cánh đồng Bàu Đá dời về quê ở Tiên Điền, Hà Tĩnh (trước năm 1831 thuộc trấn Nghệ An).
Tạm chấp nhận 50% giả thuyết
Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu trình bày một số nội dung vắn tắt về kết quả nghiên cứu của mình, đồng thời đề xuất hướng bảo tồn phát huy giá trị lịch sử đối với địa điểm nghi vấn này. Ông Mai Khắc Chính, đại diện dòng họ Mai Khắc (một dòng họ lớn và định cư lâu đời tại Kim Long), một nhân chứng địa phương, cũng cho biết đã từng nghe các bô lão xưa truyền khẩu về nơi chôn cất của ngài Du Đức hầu, tước vị gọi tắt của Nguyễn Du. Đó chính là gò đất ở Bàu Thôn, nơi mà hai nhà nghiên cứu Dương Phước Thu và Trần Viết Điền cho rằng là nơi nguyên táng của đại thi hào.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, những kết quả nghiên cứu và cứ liệu đưa ra "chỉ mới có thể tạm chấp nhận 50%", cho nên để khẳng định chính xác, khoa học về nơi từng nguyên táng Nguyễn Du cần phải thận trọng và tiếp tục nghiên cứu thêm. Ông Vinh đề nghị cần đối chiếu với địa bạ Thừa Thiên-Huế thời Gia Long để làm rõ thêm về địa danh Bàu Đá, nơi sử sách ghi là nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đánh giá kết quả nghiên cứu và đề xuất của các nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Trần Viết Điền rất đáng quý, là vấn đề lịch sử thú vị, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề còn chưa thuyết phục. Ông Hoa đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có chương trình nghiên cứu về danh nhân lịch sử tại TP.Huế để làm nổi bật thêm vị trí của vùng đất lịch sử cố đô và đề xuất phải có hồ sơ khoa học về dấu tích đại thi hào Nguyễn Du tại Huế.
Đồng thuận ý kiến phản biện của 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh, PGS-TS Đỗ Bang (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế) đề nghị trước hết cần phải có một bộ hồ sơ khoa học, sau đó có thể tiến tới thám sát, khảo cổ học... Từ đó, mới có thể kết luận và đề xuất hướng xử lý tiếp theo.
Kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó chủ tịch UBND TP.Huế, cho rằng cần mở hội thảo khoa học, mời các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du ở VN và nước ngoài tham gia để có thêm những cứ liệu, làm sáng tỏ thêm vấn đề. Chính quyền TP.Huế sẽ đề nghị Sở VH-TT, Bảo tàng Lịch sử tỉnh phối hợp thực hiện hồ sơ, thám sát, khảo cổ học để tìm và xác định nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. Trong khi chờ đợi tiếp tục làm sáng tỏ thêm, đề nghị chính quyền P.Kim Long cố gắng gìn giữ, bảo vệ nơi nghi vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.