Trong nền điện ảnh Đài Loan, Trần Ngọc Huân không phải là một tên tuổi đạo diễn quá lớn nhưng luôn tạo được chất riêng nhờ kiểu làm phim trào phúng mang lại tiếng cười khiến người xem suy ngẫm. Bộ phim The Village of no Return (Ngôi làng hạnh phúc) của anh vừa mới ra mắt cách đây chưa lâu tại Việt Nam là một ví dụ điển hình của phong cách làm phim này. Dù không gây được quá nhiều tiếng vang và ít được chú ý bởi bị “đè bẹp” bởi hàng loạt bộ phim bom tấn, nhưng Ngôi làng hạnh phúc vẫn để lại nhiều dư vị ấn tượng và bay bổng cho những khán giả nào từng xem qua nó.
Một xã hội thu nhỏ đầy biến loạn
Ngôi làng hạnh phúc xoay quanh câu chuyện ở một ngôi làng, nơi đó có rất nhiều nhân vật với những cá tính khác nhau, nhưng hầu như tất cả đều mưu mô, xảo trá và có những toan tính cho riêng mình. Đó là vị trưởng thôn họ Vương đầy dã tâm và tham lam, là tên thầy thuốc ác nghiệt toan tính hại người, là gã Chu Bánh Phồng xấu người xấu tính vì nghe lời người ngoài nên mưu đồ hại chết cả làng, là anh chàng giỏi võ tốt bụng nhưng nhút nhát vì ám ảnh quá khứ, là cô gái Thu Dung mồ côi từ bé bị gả bán và xiềng xích trong nhà làm nô lệ từ nhỏ…
Tất cả họ đều có cuộc sống tủn mủn và tẻ nhạt cho đến một ngày nọ, có một gã pháp sư mang danh là Thiên Hồng chân nhân chu du đến làng, trong tay gã là một bảo vật có tên là “Quên sầu”, vốn có thể làm người ta quên đi những ký ức đau buồn trong quá khứ. Và thế là, mọi chuyện trở nên phức tạp, lỳ kỳ đến lạ lùng…
Cách kể chuyện, bối cảnh và nhiều nhân vật của bộ phim này khiến nhiều người dễ liên tưởng đến bộ phim Dogville của đạo diễn Lars von Trier. Lars von Trier là một tên tuổi lớn trong làng phim art-house của thế giới, từng nhiều lần được đề cử và thắng giải ở Liên hoan phim Cannes. Bộ phim Dogville ra mắt năm 2003 cũng giúp ông được đề cử tại Cannes. Bộ phim này gây chấn động bởi cách mô tả trần trụi, dữ dội, đau đớn và đầy khắc nghiệt của Lars von Trier về một ngôi làng có tên Dogville, nơi người ta luôn trông có vẻ hiền lành, giản đơn nhưng kỳ thực lại tham lam, ích kỷ, sẵn sàng ám hại nhau.
|
Trần Ngọc Huân đã có thể học hỏi bị ảnh hưởng một chút bởi Lars von Trier trong bộ phim này. Tuy nhiên, khác với cách làm phim đượm màu đen tối đến khủng khiếp của đạo diễn người Đan Mạch, Trần Ngọc Huân lại có lối kể chuyện bình thản và “cà tưng” hơn nhiều. Những nhân vật của anh xấu xí, ngô nghê và đôi lúc trẻ con đến lạ lùng, họ được đặt trong một câu chuyện đầy toan tính và tham vọng rất “người lớn”, và chính những sự lệch pha đó đã mang lại cho họ nhiều bi kịch.
Nỗi đau này nối tiếp nỗi đau khác, bi thảm này nối tiếp bi thảm khác, và dù đã được bảo bối “Quên sầu" xóa sạch đi ký ức, cuộc đời của họ cũng không hạnh phúc thêm được phần nào, cho đến khi có được nút thắt cuối cùng, lúc nhân vật Thu Dung của Thư Kỳ vùng lên và giúp đỡ họ, để rồi cố gắng tạo ra một thay đổi khác biệt, như một người hùng giữa thời loạn lạc.
Kỹ thuật làm phim ấn tượng
Ngôi làng hạnh phúc không chỉ thu hút khán giả và câu chuyện thú vị, phúc tạp, đa chiều mà còn vì kỹ thuật làm phim lành nghề của đạo diễn Trần Ngọc Huân. Thành công đầu tiên của anh chính là việc chọn được Thư Kỳ vào vai nhân vật Thu Dung. Nhân vật của cô bị chia thành hai nửa, một nửa đau đớn khổ sở ở phần đầu và một nửa sang trọng, quý phái ở phần sau. Cả hai phần đều được Thư Kỳ xử lý rất tốt và rất ngọt.
Nét diễn của Thư Kỳ tự nhiên, dung dị với nụ cười thật tươi đã làm sáng bừng cả bộ phim, thế nên, dù thỉnh thoảng đạo diễn có lạc nhịp hoặc vô tình làm bộ phim bị chậm chạp, lề mề vì một vài cảnh quay sa đà nào đó, khán giả vẫn có thể bỏ qua, bởi đó chính là lúc người ta có thêm thời gian để ngắm Thư Kỳ, một vẻ đẹp mặn mà và đang ở độ chín của cuộc đời.
|
Cách vận dụng âm nhạc theo kiểu acapella rất hài hước và cài cắm tuyến nhân vật phụ thổ phỉ cũng là một lựa chọn rất thú vị của đạo diễn. Bên cạnh bài hát, việc dàn dựng vũ đạo hay các động tác hình thể của nhân vật cũng vô cùng quan trọng và được xử lý khá trọn vẹn. Nhìn chung, Ngôi làng hạnh phúc xứng đáng có được số điểm 9/10, khi mà đạo diễn có thể làm được chỉn chu rất nhiều khía cạnh của bộ phim. Một điểm thiếu còn lại có lẽ chỉ còn phụ thuộc vào tâm lý và sở thích của người xem. Những ai vốn có tâm hồn quá thẳng thắn, đơn giản và thực tế có lẽ sẽ khó lòng cảm được tính “mộng mơ” của tác phẩm này. Nhưng không sao, bởi chẳng ai có thể làm hài lòng được 100% số đông cả.
Và cuối cùng, thì dù có thích hay không, bạn vẫn không thể phủ nhận được rằng Ngôi làng hạnh phúc là một bộ phim mang tính phản biện xã hội rất hiệu quả. Nó cho ta thấy mặt trái của nhiều người trong một cộng đồng và những hệ lụy của lòng tham, ích kỷ và sự nhu nhược để lại. Chỉ có sự dũng cảm, thật thà và tốt bụng mới có thể mang lại niềm vui thực sự cho mỗi người.
Bình luận (0)