Người chụp hạnh phúc mắc kẹt sau tường

26/11/2017 12:21 GMT+7

Sau giải thưởng ảnh báo chí thế giới với bộ ảnh chụp người đồng tính Yêu là yêu , nữ nhiếp ảnh gia Maika Elan vừa được Quỹ ảnh báo chí thế giới World Press Photo Foundation xướng tên trong chương trình Global Talent Program.

Cô sẽ trở thành một trong 6 nhiếp ảnh gia khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương được quỹ giúp đỡ để hoàn thành dự án nhiếp ảnh của mình.


Bố cũng chia sẻ bố thích con gái ổn định nhưng không bao giờ cấm sở thích của tôi, như sở thích chụp ảnh của tôi chẳng hạn. Nếu tôi vẫn thích chụp ảnh, bố vẫn ủng hộ dù có thích hay không




PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Maika Elan về dự án ảnh hikikomori (người tự giam mình). Cô vẫn vậy - chụp những lựa chọn, hạnh phúc khác nhau của xã hội, kể cả khi chúng bị mắc kẹt sau tường…
Hành trình tiếp cận những người tự giam mình
Chị sẽ chụp gì trong dự án này?
Trước mắt họ sẽ thông báo để những đề tài đã đăng ký được biết đến rộng rãi hơn, nhận được nhiều giúp đỡ hơn. Các hỗ trợ sẽ đến sau đó. Nhưng thực sự tôi muốn làm tiếp dự án ảnh về hikikomori. Đó là những người tự giam mình không chịu ra ngoài để tham gia các hoạt động đời sống xã hội và gia đình trong thời gian ít nhất 6 tháng. Có những người tự nhốt mình đến hàng chục năm.
Hikikomori chiếm khoảng 1% dân số Nhật Bản. Cũng có những trung tâm dành cho hikikomori. Người ta chỉ được ở trung tâm trong 2 năm, sau đó phải ra ngoài để tìm việc, nếu không thích nghi được thì quay lại. Có người không có ý định tìm việc và chuyển qua trung tâm khác.
Trong lần được học bổng 6 tháng vừa rồi ở Nhật, tôi đã chụp các hikikomori nhưng sau đó phải về nước và còn nhiều trường hợp không chụp được hết. Bây giờ, nếu có thể, tôi muốn theo chụp một trường hợp hikikomori từ đầu cho tới lúc họ bước ra khỏi căn phòng.
Maika Elan và nhân vật hikikomori của mình
Hiện tượng xã hội như hikikomori liệu có khả năng xảy ra ở VN không, thưa chị?
Thực ra, lúc đầu tôi định chụp về những người chọn cô đơn vì sống với động vật ở Nhật Bản. Trước đó, tôi cũng chụp dự án về người cô đơn sống với động vật ở Thái Lan. Họ đặc biệt ở chỗ do sống với động vật nên cô đơn chứ không phải vì cô đơn mà sống với động vật. Khi chọn chăm sóc động vật, họ mất dần các mối quan hệ khác, rồi trở nên cô đơn. Lúc đầu sang Nhật, tôi cũng định làm một bộ ảnh về người Nhật cô đơn sống với động vật song ở Nhật Bản, chủ đề này có vẻ không đặc sắc như ở Thái Lan. Nhưng hikikomori lại là một vấn đề rất Nhật Bản.
Những hikikomori này đều chủ động. Họ cũng không phải gặp vấn đề tâm lý hoặc không có khả năng đi làm mà là họ không muốn. Họ cũng không tiêu cực. Sau khi lựa chọn sống trong phòng một thời gian quá lâu thì điều đó như đời sống thường ngày của họ. Người Nhật cũng không coi đó là tiêu cực dù 1% dân số là lớn và họ mất đi một nguồn lao động. Họ tôn trọng sự khác biệt.
Những biểu hiện ban đầu của hikikomori ở nước nào cũng có, nhưng điều kiện để tình trạng đó tồn tại thì không. Chẳng hạn, ở VN, người bị áp lực công việc có thể nghỉ ngơi ở nhà và không phải ai cũng có phòng riêng để trốn trong đó. Chưa kể, nếu ở VN không phải ai cũng có phòng riêng, thì ở Nhật không gian riêng tư đó được tôn trọng đến mức nếu con cái đóng cửa bảo bố mẹ không được vào thì người ta cũng không vào luôn.
Việc chụp hikikomori của chị đã diễn ra như thế nào?
Tôi có 4 tháng ở Nhật để thuyết phục và chụp các hikikomori. Đầu tiên, tôi phải xin phép bố mẹ các hikikomori, sau đó gửi CV, ảnh cho họ. Rồi tôi tới nhà ngồi chờ, vài lần ngồi chờ sẽ được vào phòng khách ngồi chơi. Xong độ 3 - 4 lần thì mình sẽ xin phép chụp ảnh, lúc đó, người đồng ý người không.
Nhưng người ta đồng ý không có nghĩa là mình chụp luôn. Có người bảo “OK nhưng sau 7 lần nữa nhé”, hoặc “sau 2 tháng nữa nhé”. Có nhân vật tôi đi 3 - 4 lần, rồi đến lúc tôi phải về VN, nên bị lỡ nhiều nhân vật. Toàn là những nhân vật đã nói: “Ừ, 2 tháng nữa nhé tao sẽ cho mày chụp”.
Tôi cũng chụp được một nhân vật khi người đó bước ra, rời khỏi phòng để đi chùa. Đó là một bạn thần đồng. Bạn đã từng đi tàu biển vòng quanh thế giới trong 1 năm. Tuy nhiên, sau cuộc đi vòng quanh thế giới đó, bạn ấy lại sinh ra thất vọng với thế giới. Bạn đã giam mình 7 năm rồi. Sau đó, bạn làm tình nguyện viên để giúp các hikikomori khác. Bạn cũng đã sang VN để nói chuyện về thế giới của mình.
Có một bạn khác lại thích làm ca sĩ opera nhưng bố mẹ không muốn. Bạn ấy đi làm 2 năm, sau đó nghỉ việc vì đau dạ dày do áp lực công việc. Gia đình giục cậu đi làm nhiều lần khiến cậu stress và phản ứng cả với họ rồi giam mình trong phòng. Bố mẹ bạn ấy chán quá nên chuyển đi, để lại tên một trung tâm chăm sóc hikikomori cho bạn ấy. Khi tôi gặp, bạn đã ở đó trong 2 năm, không hề liên lạc với gia đình. Các trung tâm cũng không khuyến khích liên lạc để tạo sự tự lập. Thực ra, gia đình vẫn phải chăm sóc vì họ vẫn phải đóng tiền mà. Khoản tiền khoảng 3.000 USD/tháng cũng không phải là nhỏ.
Là một vấn đề xã hội, hẳn các hikikomori cũng từng phải đối diện với những thành kiến?
Trước đây, những gia đình có hikikomori cũng không cho người khác biết vì sĩ diện. Họ sợ mang tiếng thất bại trong giáo dục con cái, hay mang tiếng đã làm gì để con cái như vậy. Họ sẽ không tìm giúp đỡ bên ngoài. Tuy nhiên, bây giờ họ chấp nhận những hikikomori. Họ hiểu rằng đẩy thêm áp lực vào các hikikomori sẽ có chuyện. Các trung tâm cho họ được thành lập chỉ để các hikikomori thấy mình sống có ích hơn.
Khi tôi nói chuyện với bố mẹ của nhiều hikikomori, họ dùng một từ rất hay, họ gọi đó là những “dòng chảy tự nhiên”. Người Nhật tôn trọng sự khác biệt, cá nhân như thế.
Maika Elan trong một buổi chụp với nhân vật hikikomoria
Dấu mốc cuộc đời
Chọn tình yêu và sự đa dạng
Trong các tác phẩm của mình, Maika luôn đề cao tình yêu và sự đa dạng của lựa chọn. Điều này, theo cô, có bắt nguồn từ chính cách cha của cô đã sống. Mẹ mất sớm, Maika ở với bố, được ông nuôi dạy theo cách rất tôn trọng lựa chọn của mọi người.
Khi thực hiện bộ ảnh Yêu là yêu, cô đã đối mặt nhiều lần với sự áp đặt. Chẳng hạn, khi bộ ảnh được công bố, cô nhận được thư của chị gái của nhân vật trong tác phẩm. Bức thư cho biết, cả gia đình đều đang choáng váng và giận dữ vì sự xuất hiện của nhân vật trong ảnh. Người chị gái cũng cho biết, đã giấu bệnh của em mình nhiều năm. Cùng với đó, người này yêu cầu Maika gỡ bỏ ảnh liên quan đến em mình trên mạng xuống. “Tôi trả lời thư với một loạt đường dẫn tới các trang có nội dung khoa học về đồng tính. Không hiểu sao người chị biết bệnh của em đã mấy năm mà không hề tìm hiểu, để biết rằng đồng tính không phải một bệnh. Đương nhiên, tôi không gỡ bỏ ảnh”, Maika nhớ lại. Cũng theo Maika, tôn trọng lựa chọn của người đồng tính cũng có nghĩa là sẽ tránh được những đám cưới chỉ để che giấu giới tính thật của mình. Những đám cưới đó cũng tước đi cơ hội hạnh phúc của người dị tính.
Sau này, với các bộ ảnh của mình, Maika đều có những câu chuyện tôn trọng lựa chọn tương tự.
Bây giờ, sau khi được giải ảnh báo chí thế giới, lại làm biên tập viên ảnh cho một tạp chí, chị đã coi đó là nghề nghiệp rồi. Trước đó, từ khi nào chị xác định chụp ảnh là nghề nghiệp chính?
Mọi chuyện bắt đầu rất tự nhiên. Năm thứ hai đại học tôi đã bắt đầu chụp ảnh nhưng vẫn xác định sẽ theo công việc mình học thôi (Maika học xã hội học). Sau đó, từ 2008 - 2010 tôi chụp ảnh thời gian. Sau 2010 chuyển sang chụp ảnh tư liệu, từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến việc đi học bài bản, và xác định đó là nghề nghiệp lâu dài. Từ năm 2010, tôi bắt đầu chụp các bộ ảnh cá nhân. Tôi còn nhớ đề tài đầu tiên của mình khi đó là bộ ảnh chụp về tuồng.
Bộ ảnh chụp người đồng tính Yêu là yêu là một mốc lớn của chị. Sau đó chị có bộ ảnh nào ưng ý nữa không?
Có, đó là bộ ảnh chụp bố tôi. Đó cũng là bộ ảnh chụp cho khóa học ảnh ở Amsterdam, Hà Lan.
Việc học xã hội học có phải là một lợi thế của chị không?
Mặc dù không trực tiếp nhưng các dự án của tôi cũng đều liên quan đến các vấn đề xã hội học.
Khi chụp hai bộ ảnh Yêu là yêu và Hikikomori, chị gặp khó khăn nhất ở điểm gì?
Thực ra khó nhất vẫn là tiếp cận. Hikikomori thì khó hơn vì bản thân đặc thù của những người này là không thích giao tiếp. Việc chụp cũng diễn ra ở nước ngoài, bất đồng ngôn ngữ, thời gian lại có hạn. Nhưng khi đó tôi cũng đã có kinh nghiệm rồi, đã biết từ đầu mình muốn cái gì rồi. Còn với bộ ảnh The Pink choice (Yêu là yêu) thì tôi lại ít kinh nghiệm.
Khi làm Yêu là yêu, tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm lâu đến thế. Nhưng tôi cứ xác định làm đến khi xong là xong thôi. Hikikomori cũng thế, tôi chỉ ở Nhật được từng đó thời gian thôi. Tôi xác định là làm được đến đâu thì làm.
Vì sao chị không tiếp tục chụp các dự án ảnh ở VN mà lại chuyển sang chụp đề tài ở nước ngoài?
Vì tôi có những chương trình ở Nhật nên mới chụp bộ Hikikomori. Hiện tại tôi cũng chưa có thời gian để làm các dự án cá nhân tại VN vì còn đi làm. Tuy nhiên, công việc biên tập ảnh của tôi hiện cũng cho tôi va chạm khá đa dạng. Việc chụp chủ yếu là chân dung, cũng khá hợp với sở thích của tôi. Tuy nhiên, là một công việc liên quan đến kinh tế, thì đề tài của tôi cũng đa dạng hơn trước đây.
Chị có cảm thấy sức ép trước thế hệ phóng viên ảnh sau này không, khi các bạn được học rất bài bản từ sớm?
Các bạn bây giờ được học bài bản từ sớm, càng có nhiều thời gian thử nghiệm. Nhưng tôi không thấy áp lực gì. Lợi thế của tôi là bắt đầu khi mình trẻ, và toàn bộ thời gian tuổi trẻ tôi dành cho nhiếp ảnh. Khi chưa có gia đình, chưa con cái, tôi đã thực sự chăm chỉ và làm việc hết mình.
Thực ra, ở VN, về chuyên môn, các nhiếp ảnh gia cũng không thua kém gì ở nước ngoài cả. Có thua nhau là ở tính thời điểm của đề tài thời sự nóng. Mình không có nhiều cái đó để các bạn lăn xả vào. Chứ còn về nghề, kỹ năng thì phóng viên ảnh của ta cũng không kém. Chỉ là mình chưa ở đúng nơi các vấn đề sôi động diễn ra thôi.
Người ảnh hưởng lớn nhất tới tính cách của chị là ai?
Là bố tôi. Bố tôi luôn đặt sự lựa chọn của tôi lên trên, không bao giờ gây ra ép buộc từ bên ngoài. Khi tôi học xã hội học, bố cũng thích tôi làm nhà nước, nhưng tôi cứ thích làm ở bên ngoài. Bố cũng chia sẻ bố thích con gái ổn định nhưng không bao giờ cấm sở thích của tôi, như sở thích chụp ảnh của tôi chẳng hạn. Nếu tôi vẫn thích chụp ảnh, bố vẫn ủng hộ dù có thích hay không.
Maika Elan tên thật là Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1986. Cô tốt nghiệp ngành xã hội học của ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, Maika cộng tác với các tạp chí, chụp ảnh thời trang. Sau đó, cô chính thức chọn con đường nhiếp ảnh để lập nghiệp.

Năm 2013, Maika đoạt giải nhất ảnh báo chí thế giới ở thể loại phóng sự, hạng mục Vấn đề đương đại với bộ ảnh The Pink Choice (Yêu là yêu). Bộ ảnh này chụp cuộc sống riêng tư cũng như tâm tình và cảm xúc của người đồng tính tại VN.
Maika Elan lập gia đình cùng Hải Thanh, một nhiếp ảnh gia độc lập tài năng. Cũng như vợ, Hải Thanh theo đuổi các dự án ảnh tư liệu đương đại và mới đây có triển lãm ảnh chụp bằng điện thoại thông minh. Hai anh chị đã có một cậu con trai.
Một người vô cùng nỗ lực
Maika Elan là người có năng lực và thể hiện năng lực đó từ rất sớm. Bạn ấy có cách nhìn vấn đề rất nữ tính, tình cảm và đặc biệt giỏi về ánh sáng. Ngay từ trước khi được giải ảnh báo chí điều này cũng đã thể hiện rất rõ. Bây giờ, khi tiếp xúc với nhiếp ảnh thế giới nhiều hơn, Maika càng vượt qua ngưỡng của những tác phẩm ảnh báo chí bình thường.
Khi đạt tới trình độ chuyên nghiệp, kỹ thuật chụp của các nhiếp ảnh gia thường không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, lao động thế nào lại là câu chuyện khác. Sự lao động sẽ quyết định kết quả của công việc. Từ góc độ đó, Maika thực sự là một người vô cùng nỗ lực.
Nhà báo Nguyễn Việt Thanh (Giải vàng cuộc thi Nhiếp ảnh báo chí châu Á 2007)
Cách nhìn nhân văn
Với Yêu là yêu, tôi nghĩ Maika có cách chọn đề tài thức thời. Việc theo đuổi câu chuyện cũng được thực hiện bền bỉ. Cách nhìn vấn đề của Maika cũng rất nhân văn. Chính vì thế, cái nhìn của bạn cũng cởi mở hơn, trên nền quan điểm xã hội cũng cởi mở hơn về vấn đề đó. Việc tiếp cận từ góc độ nhân văn của Maika khiến vấn đề trở nên dễ được chấp nhận hơn.
Nhiếp ảnh gia Đoàn Kỳ Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.