Người dạy phụ nữ khởi nghiệp từ đầu thế kỷ 20

Ngọc An
Ngọc An
02/03/2018 07:15 GMT+7

Những năm đầu thế kỷ 20, Đạm Phương nữ sử là người đã đưa ra nhiều tư tưởng mới đi trước thời đại, trong đó có việc dạy chị em phụ nữ khởi nghiệp.

Buổi tọa đàm Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta, nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên do NXB Phụ nữ ấn hành, vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).
Đạm Phương là nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, nhà báo, nhà trí thức lớn trong thế hệ các nhà trí thức của VN đầu thế kỷ 20. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết, “nữ sử” là từ được học giả Phạm Quỳnh chọn để tôn xưng bà, xuất hiện lần đầu tiên trên Tạp chí Nam Phong số 10 (ra tháng 4.1918). Dù có dòng dõi hoàng tộc, nhưng những tư tưởng, suy nghĩ của bà đều hướng đến những phụ nữ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Đạm Phương nữ sử Ảnh tư liệu
Thúc đẩy nữ quyền
Theo nhìn nhận của nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học VN), đóng góp lớn nhất của Đạm Phương nữ sử là thúc đẩy quyền của người phụ nữ, sự phát triển cho phụ nữ, trong đó, nổi trội là vấn đề giáo dục. Quan điểm của Đạm Phương nữ sử là phụ nữ không chỉ cần học nữ công gia chánh, đạo đức, mà cần học cả tri thức. Những nhìn nhận của bà đã được chia sẻ trên tờ Trung Bắc tân văn (3.1924): “Sự sinh trưởng của loài cây cỏ có đạo lý của loài cây cỏ, sự sinh trưởng của loài người có đạo lý của loài người. Đã cùng một chủng tộc, một quốc gia, một thời đại sinh trưởng, thời cái cảm giác tư tưởng thế nào, hẳn cũng tương quan với nhau. Bởi vậy mà sự giáo dục học thức con trai làm sao, thời của con gái cũng phải có làm vậy”.
Vào thời kỳ đó, Đạm Phương đã “phá” nếp nghĩ cũ khi cho rằng phụ nữ cần phải có việc làm, bởi “thói ỷ lại là nguồn gốc của sự nô lệ”. Bà lý giải: “Trên thế giới mấy trăm vạn ức loài động vật, chỉ có đàn bà là hay theo đàn ông mà ăn nhờ, bởi vậy đàn bà trong loài người phải kiếm được người chồng tử tế mới có cái sinh kế của mình, thành ra loài người lại không được hưởng cái thú sinh hoạt tự do bằng loài động vật; cái nguyên nhân ác ấy là tại đàn bà, không có nghề nghiệp nhất định, không mưu độc lập được về đường kinh tế”. Theo TS Bùi Trân Phượng - nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ VN, tư tưởng này của Đạm Phương nữ sử là điều mà ít phụ nữ trong thời kỳ đó dám nghĩ đến.
Đạm Phương nữ sử còn sáng lập và là Hội trưởng Hội Nữ công học hội, trong đó dạy nghề, hướng nghiệp cho các chị em phụ nữ như dạy làm bánh, làm mứt, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải... Bà cho thấy tầm nhìn trong việc phát triển kinh tế. Chẳng hạn, bà không chỉ quan tâm đến việc dạy nghề cho chị em mà còn nghĩ đến việc liên kết giao thương không chỉ giữa vùng này với vùng khác, mà còn ra cả nước ngoài. Bà cổ vũ chị em đứng lên lập hiệu buôn bán, tự mình làm chủ... Nói cách khác, Đạm Phương nữ sử được nhìn nhận là người đã chỉ dạy chị em phụ nữ khởi nghiệp từ 100 năm trước.
Những tư tưởng mới
TS Bùi Trân Phượng đánh giá cao những tư tưởng mới của Đạm Phương nữ sử, trong đó có việc nhìn nhận sự bình đẳng giữa người nam và người nữ. Chẳng hạn, Đạm Phương đã có những bài viết bàn đến trinh tiết của phụ nữ. Trên tờ Hữu Thanh ra ngày 1.4.1922, bà có viết: “Người đàn bà mà phải giữ có chữ trinh, là cũng như người đàn ông phải giữ có chữ trung vậy. Trung trinh hai chữ ngang nhau”. Hay khi bàn về đạo vợ chồng, Đạm Phương nữ sử không chỉ nhắc đến bổn phận của người vợ mà còn nói đến bổn phận của người chồng: “Vậy cho nên, đạo vợ chồng, trong khi kết hợp rồi, thời lại cần trao dồi đức hạnh hơn nữa, dù đàn ông, dù đàn bà, khi nào cũng giữ bổn phận của mình rất chính đáng, chớ cho ra ngoài phạm vi, mà cùng nhau chung hưởng cái hạnh phúc gia đình, là một phần thưởng lớn, tốt đẹp vô cùng, của ông Tạo hóa đã để dành cho”.
Đạm Phương nữ sử quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục nhi đồng, trong những bài viết của mình, bà đưa ra các kiến thức dạy con mà bà học hỏi được hay từ kinh nghiệm của chính bản thân mình như cho con ngủ, ngăn ngừa thói xấu của trẻ, sự thưởng phạt… Nhiều người có thể sẽ bất ngờ khi thấy cách dạy con được chia sẻ từ một thế kỷ trước có tư tưởng khá tân tiến: “Cái tục đánh con, xã hội ta cũng bớt đi rồi, chúng ta cũng không bàn luận làm chi nữa. Nhưng than ôi! Lệ thường thiên hạ thường trừng phạt con trẻ một cách rất vô lý, làm nhiều điều rất hại cho tinh thần con cái, hơn là một trận đòn nữa, nghĩa là thường hay rầy la con cái và ra bộ giận dữ luôn, thật là làm mất cả cảm tình của con và cái oai quyền của cha mẹ quá ư nghiêm khắc lắm”.
Đạm Phương nữ sử (1881 - 1947) tên thật là Tôn Nữ Đồng Canh. Thân phụ của bà là Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cháu nội của Đạm Phương nữ sử, chia sẻ: “Trong gia đình, bà là hiện tượng kỳ lạ. Đến giờ, chúng tôi vẫn không sao lý giải được phụ nữ lấy chồng từ năm 16 tuổi, nuôi 6 đứa con của mình cùng với 5 người con của người vợ lẽ của chồng, lại có thể làm được những điều như vậy. Mặc dù là tiểu thư khuê các nhưng bà có cuộc sống rất vất vả, bà làm chủ gia đình, tự làm nghề, bươn chải nuôi gia đình. Tôi cho rằng, những điều bà làm cho phụ nữ cũng là bởi bà muốn những người phụ nữ bớt khổ. Bởi cuộc sống của bà cũng đã khổ rồi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.