Người đi, dư âm để lại...

Ngọc An
Ngọc An
28/12/2019 07:11 GMT+7

Hôm qua 27.12, những người thân, những người học trò, những người yêu âm nhạc Nguyễn Văn Tý đã đến tiễn biệt ông, một tên tuổi lớn của nền âm nhạc mới Việt Nam.

“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ...”, lời ca và giai điệu ca khúc Dư âm vẫn vang lên trong đời sống âm nhạc đương đại. Dù rằng, ca khúc đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết từ cách đây gần 70 năm, cũng là khoảng thời gian đầu ông sáng tác.
“Với tôi, đây là bài hát “thật” nhất với con người Nguyễn Văn Tý, cho thấy một con người hào hoa, tình cảm, tinh tế trong âm nhạc”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói. Dư âm là ca khúc nhạc tiền chiến hiếm hoi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhưng từ ca khúc này có thể nhận thấy những nét trữ tình đặc trưng trong những sáng tác sau này của ông với dòng nhạc cách mạng.

Sự nhân văn trong âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1923 tại TP.Vinh, Nghệ An. Ông qua đời vào chiều 26.12, tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 96 tuổi. Lễ viếng nhạc sĩ đã diễn ra sáng 27.12, tại Nhà tang lễ TP.HCM. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên (Bình Dương) vào ngày 29.12.

Những sáng tác nổi bật của ông: Dư âm, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre... Ông cũng sáng tác ca khúc thiếu nhi như Màu áo chú bộ đội, Tôi là gà trống, Gà mái mơ... Ông còn được gọi là nhạc sĩ “ngành ca” với những ca khúc như Cô đi nuôi dạy trẻ, Em đi làm tín dụng, Bài ca năm tấn...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong 5 nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội Nhạc sĩ VN vào năm 1957. Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng, nhạc thiếu nhi, nhưng đỉnh cao âm nhạc, cũng là những đóng góp lớn, những giá trị nổi bật nhất với âm nhạc mới Việt Nam của ông là những ca khúc cách mạng.
“Những sáng tác mang đề tài cách mạng của Nguyễn Văn Tý không sục sôi, hùng tráng, không đi trực diện vào cuộc chiến đấu, mà khai thác những giá trị nhân văn, tình cảm giữa con người với con người, những gì rất đời. Đó cũng là điểm khác biệt của ông với những nhạc sĩ cùng thời”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.
Hình ảnh người mẹ thức đêm vá áo cho con trong Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ); mẹ ru con trong Mẹ yêu con (Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời/Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi/Ôm con ra mái hiên nhìn đàn chim rộn ràng hót/Giữa mùa xuân mừng con sẽ góp phần/Tương lai con đẹp lắm/Mẹ hát muôn lần/À ru hời ơ hời ru); hình ảnh của anh và em, người nơi tiền tuyến - người ở hậu phương trong Tiễn anh lên đường (Yên tâm vững bước mà đi hỡi người mà em yêu/Việc nhà việc nước dẫu có bao nhiêu/Em sẽ làm tròn, anh cứ yên tâm, vững bước anh lên đường)... không chỉ là những hình ảnh đẹp, nhân văn, lay động lòng người mà còn có hiệu quả không kém những ca khúc có đề tài phản ánh chiến tranh một cách trực diện.
Cho đến thời kỳ xây dựng đất nước, Nguyễn Văn Tý vẫn tiếp mạch sáng tác trữ tình, không lên gân, hô hào, cường điệu, mà vẫn truyền lửa đến người nghe. Người đi xây hồ Kẻ Gỗ là một trong những sáng tác như thế, trong đó, có thể thấy niềm tin yêu phơi phới, tình yêu quê hương, đất nước của lớp thanh niên đầy nhiệt huyết.

Tình yêu lớn với đất nước

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có biệt tài đưa âm hưởng âm nhạc dân gian vào trong những sáng tác của mình một cách tài tình. Có lẽ, một phần cũng bởi âm nhạc dân gian đã ngấm vào ông từ khi còn nhỏ. Bố ông vốn là “trùm phường bát âm” ở Vĩnh Phú, nên Nguyễn Văn Tý đã được nghe hát văn, hát chèo, hát ả đào... từ tấm bé. Âm hưởng âm nhạc dân gian được ông đưa vào nhiều ca khúc như Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... Trong đó, cái tài của Nguyễn Văn Tý là khiến người nghe thấy như cả nét giai điệu, ngôn ngữ địa phương trong bài hát, từ đó đi vào lòng người.
Nhiều người cho rằng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có tài viết những ca khúc về các tỉnh thành, địa phương. Còn theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, âm nhạc của Nguyễn Văn Tý cho thấy tình cảm sâu nặng của ông với quê hương, đất nước. Trong một bài viết chia sẻ về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ca sĩ Ánh Tuyết cũng đã viết: “Điều không thể phủ nhận, là khi nghe nhạc của ông, sẽ thấy tấm lòng ông dành cho quê hương đất nước mình lớn lắm!”.
Những ngày tháng cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống giản dị, có phần khiêm tốn so với một tên tuổi lớn của nền âm nhạc nước nhà. Nhưng như lời con gái ông đã chia sẻ, nhạc sĩ ra đi một cách thanh thản. Có lẽ, ông giờ đã nhẹ nhàng “thành mây nương nhờ làn gió... tới cõi mơ hồ nào đây”, nhưng âm nhạc Nguyễn Văn Tý sẽ là những dư âm còn lại mãi với đời, với người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.