Là ca sĩ được gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từ 1978, khi Đoàn ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng mời ông về để sáng tác bài hát cho tỉnh, cũng như sau đó là những dịp tái ngộ trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, rồi gần đây là những lần đến thăm ông, ca sĩ Ánh Tuyết cho biết: “Ở tuổi 95 của ông, lại nhiều bệnh trong người những năm qua, thì không thể tránh khỏi luật sinh tử. Dù vậy, tôi, và có lẽ những người đồng nghiệp, văn nghệ sĩ yêu mến ông, người mộ điệu nghe tin ông không còn nữa… cũng không khỏi tiếc thương”.
|
Nữ ca sĩ quê Quảng Nam kể lại, lúc gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hơn 40 năm trước, cảm nhận đầu tiên về ông là “người oai phong lẫm liệt, hoạt ngôn, rất duyên và hóm hỉnh. Ông nói chuyện thu hút lắm, đặc biệt là khi nói về âm nhạc. Ngay cả những chuyện về đời sống, ông cũng rất thấu hiểu, tinh tường”.
“Dịp ông về quê chúng tôi, còn có nhiều nhạc sĩ khác cùng được mời về để sáng tác. Bên cạnh tài năng của một nhạc sĩ có biệt hiệu “tỉnh ca”, ông còn nói chuyện quá hay và thu hút nên mọi người đặc biệt thiện cảm và quan tâm nhiều hơn sáng tác của ông dành cho tỉnh: Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình. Ca khúc này nhanh chóng được công chúng đón nhận, lúc bấy giờ, phải dùng từ rần rần trên nhiều phương tiện, từ các đài phát thanh, truyền hình đến các đoàn ca múa, được biểu diễn thường xuyên”, Ánh Tuyết nhớ lại.
Chị cho biết sau dịp đó, mãi đến năm 1992 gặp lại ông, thì ông đã khác đi nhiều. Tuy không nói chuyện nhiều với ông, nhưng ông vui vì gặp lại và nhớ ra con bé ở Đoàn ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng năm nào.
“Lần thứ 3 gặp ông, là dịp tôi có một buổi biểu diễn ca khúc Mẹ yêu con ở Cung Văn hóa Lao động, TP.HCM, có ông tham dự. Đến khi giang tấu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bất ngờ lên sân khấu cầm lấy micro của tôi và nói, ông xúc động khi nghe tôi hát ru con này, rồi khen “Ánh Tuyết hát Mẹ yêu con thấm và hay quá”.
Tấm lòng ông dành cho quê hương đất nước lớn lắm
"Những năm gần đây, tôi hay cùng bạn bè đến thăm ông, thấy ông tiều tụy đi nhiều. Điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi đến thăm ông là cảm giác mong chờ người thân và bạn bè đến nhà ông, trò chuyện với ông. Niềm vui trong những năm cuối đời của ông, có lẽ là khi được nghe tiếng chuông điện thoại reo xem hôm nay có ai đến thăm mình. Tôi cảm được điều đó khi mỗi lần sang thăm ông, ông mừng lắm, nói chuyện suốt buổi, kể biết bao nhiêu kỷ niệm thời ông hoạt động văn nghệ ngang dọc lẫy lừng. Để rồi khi mình về, là ánh mắt đượm buồn nhìn theo. Ánh mắt ông, có thể nói, không chỉ biết cười hay biết nói, mà như biết cả sai biểu một cách ngọt ngào, nên chỉ cần ai từng nhìn vào mắt ông khi tạm biệt, khó lòng không trở lại thăm ông", ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ.
|
Ánh Tuyết thổ lộ, chị luôn cảm thấy nao lòng khi nhớ hình ảnh ông ngồi bên cửa sổ ngóng trông người đến thăm mình, ánh nhìn buồn hiu hắt. “Một người tung hoành, đẹp người đẹp tướng, hoạt ngôn, đi đâu cũng được đón đưa tới đó… Nay ngồi một chỗ như vậy… Như là 2 thái cực. Chỉ nghĩ vậy thôi đã có thể cảm nhận được trạng thái tâm lý ông sẽ như thế nào”, giọng ca người Hội An chia sẻ.
Sau đó chị có viết một bài báo về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Dư âm một thuở ngậm ngùi. “Tôi viết, với mong muốn mọi người quan tâm đến ông, một người nhạc sĩ có những cống hiến rất lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Tôi đã viết về ông, viết cho ông, vì ông, cho những người yêu mến ông, chứ chưa nói đến tình nghệ sĩ với nhau, hay sự cống hiến của ông cho âm nhạc Việt Nam. Tài sản đó không chỉ bằng số ca khúc để lại, mà chính là tài sản tinh thần, hay không quá lời khi gọi đó là di sản tinh thần cho các thế hệ người nghe mai sau. Điều không thể phủ nhận, là khi nghe nhạc của ông, sẽ thấy tấm lòng ông dành cho quê hương đất nước mình lớn lắm!”, chị nói.
Bình luận (0)