Người trợ lý tri kỷ của Tổng bí thư Lê Duẩn

07/07/2020 06:15 GMT+7

Đó là ông Đống Ngạc (1925 - 2010), người đã có 1/4 thế kỷ gắn bó với Tổng bí thư Lê Duẩn , từ năm 1962 - 1986.

Trong cuốn sách Tâm sự với tim (về ba tôi - Đống Ngạc) do NXB Hội Nhà văn vừa phát hành (2020), ông Đống Hoài Nam, tác giả cuốn sách chia sẻ: “Tôi nhớ ba tôi kể rằng, năm 1972 (sau 10 năm làm cho bác Duẩn), ba tôi xin phép cho chuyển công tác khác. Bác Duẩn có nói (đại ý): “Chú đừng đi đâu. Tôi với chú tri kỷ”. Thế là ba tôi ở lại làm cho đến ngày Tổng bí thư mất (1986)”.
Ông Đống Ngạc sinh tại xã Tam Đàn, H.Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ông từng tham gia đoàn quân Nam tiến, bị thương, xuất ngũ, về quê, hoạt động dân quân xã. Từ xã, ông trưởng thành trong phong trào thanh niên, lên huyện, tỉnh, khu và T.Ư. Trước khi về Văn phòng Tổng bí thư, ông Đống Ngạc là Ủy viên Thường vụ BCH T.Ư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
Trong sách, ông Đống Hoài Nam cũng nêu câu hỏi: “Trước ba tôi có nhiều người làm thư ký cho Tổng bí thư, nhưng không ai làm quá 10 năm. Có thể nói ba tôi là người làm lâu nhất. Liệu ông đã là “tri kỷ” của Tổng bí thư chưa?”. Biên soạn cuốn sách bằng nỗ lực của mình, ông Nam cố gắng đưa cha mình đến gần để mọi người nhìn rõ hơn.
Đó là Đống Ngạc - người có 25 năm làm trợ lý Tổng bí thư Lê Duẩn. Tính 25 năm là từ khi có quyết định điều động ông về làm thư ký riêng cho Tổng bí thư (4.1962) đến tháng 5.1987 khi có quyết định cử ông về làm Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật). Thực tế, thời gian giúp việc Tổng bí thư Lê Duẩn là 24 năm 3 tháng. Sau khi ông Lê Duẩn qua đời (10.7.1986), ông Đống Ngạc còn sắp xếp lại các tài liệu rồi mới rời cương vị “trợ lý Tổng bí thư”. Sẽ có nhiều người muốn biết, suốt 1/4 thế kỷ bên cạnh Tổng bí thư, ông Đống Ngạc có vai trò như thế nào, đã làm những công việc gì? Một trong những nhiệm vụ được ông ghi lại trong sơ yếu lý lịch đó là “góp phần giữ gìn quan hệ thân thiết và tình đoàn kết giữa Tổng bí thư với các thành viên khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và T.Ư Quân ủy, giữa Tổng bí thư và các cơ quan chức năng của Đảng và Chính phủ trong quá trình lãnh đạo, điều hành công việc chung giữa Đảng, Nhà nước và Quân đội”.
Đó là Đống Ngạc - người khởi thảo Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969). Các tài liệu liên quan đến bản điếu văn được gia đình lưu trong một tủ nhỏ trang trọng. Từ năm 1995, ông Đống Ngạc đến Cục Lưu trữ của Văn phòng T.Ư Đảng sưu tầm lại toàn bộ bản thảo điếu văn qua các lần sửa chữa cho đến bản hoàn thiện. Và cũng chính ông Đống Ngạc đã viết chú giải cho các bản thảo điếu văn: ai sửa, thời gian sửa, nội dung sửa... để đi đến bản điếu văn cuối cùng. Công việc này có lẽ chỉ một mình ông làm được.
Đó là Đống Ngạc - người có tâm hồn thơ. Khoảng 30 bài thơ (gồm cả sáng tác, họa thơ và dịch thơ) của ông Đống Ngạc trong cuốn sách còn cho thấy một người cộng sản trăn trở về cuộc đời, về con người trong những đổi thay thế sự, đặc biệt là trước mỗi khúc cua lịch sử như “Tâm sự với tim”.
Bạn đọc sẽ không tìm được những chuyện thâm cung bí sử song lại hiểu thêm về một người trợ lý đặc biệt của Tổng bí thư Lê Duẩn, cả về đời riêng, tâm hồn và cốt cách như chia sẻ của tác giả Đống Hoài Nam: “Tôi nghĩ việc hiểu được tâm hồn, cốt cách của một con người có ý nghĩa, có giá trị hơn việc kể lể công trạng, sự nghiệp của người đó. Chí ít điều này đúng với ba tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.