Nguyễn Bính và hội xuân: Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi

11/02/2020 06:35 GMT+7

Khi nói tới thơ Nguyễn Bính , nhiều người thường lấy bài Cô hái mơ làm điểm xuất phát. Lý do cũng dễ hiểu: Một là bài thơ nổi tiếng đầu tiên, hai là chất dân tộc cũng khá đậm đà.

Thôn vân có biếc có hồng

Từ Hà Nội, Trúc Đường gửi thư cho tôi, trong có kèm bài Thôn Vân. Ngay từ dạo ấy, nhiều người trong gia đình ở thôn Vân và xóm Trạm đã thuộc lòng. Nhất là những câu: “Thôn Vân có biếc có hồng/Biếc trong nắng sớm hồng trong vườn chiều/Đê cao có đất thả diều/Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay”.
Sau khi nhận được bài Anh về quê cũ, tôi có viết một bài thơ gửi Bính, trong đó có mấy câu như: “Ba năm cát bụi kinh thành/Ngoài hai mươi tuổi chưa đành học buôn/Tranh đời chấm phá vàng son/Mưa bay quán khách hoàng hôn quê nhà”.
Hoặc: “Nửa đời làm khách người ta/Mùa xuân này nữa vẫn là tha hương”.
Ít lâu sau, Bính gửi cho tôi một tờ tạp chí (tôi nhớ mang máng là bìa màu vàng nhạt), trong đó có in bài thơ Con nhà Nho cũ.
Con nhà Nho cũ cùng là cái tên một cuốn sách được quảng cáo trên một tờ báo xuất bản nhân dịp Tết Ất Dậu, gồm bài thơ Con nhà Nho cũ và những bài thơ về thôn Vân của Bính, ngoài ra còn có bài và thơ của Trúc Đường và tôi nữa. Nhưng sau không có điều kiện in.
Trong bài thơ Con nhà Nho cũ, Bính có nhắc tới: “Đống Lương anh Duận, Lúa Đò anh Ban”. Lúa Đò chỉ cách thôn Vân có một quãng đường đồng không rộng, Đống Lương cũng nằm bên con đê Ất Hợi như thôn Vân, cách xa nhau chừng 4 km. Cả hai làng đều thuộc huyện Vụ Bản. Đinh Văn Duận (tổ tiên là họ Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, Ninh Bình) và Nguyễn Đức Ban là học trò ông Bùi Trình Khiêm (*). Hai anh này cùng học ở thôn Vân với Bính trong những năm cuối thập niên hai mươi.
Sau những buổi nghe giảng bài xong, Bính cùng Duận, Ban và bọn tôi thường đánh cờ, hoặc câu cá... Có hôm mát trời, rủ nhau bơi thuyền nan vượt sông Chân Ninh sang dãy núi Suối, lên tháp Chương xây từ thời nhà Lý, hoặc cũng có lúc cùng mấy cô gái thôn Vân rủ nhau đi chơi hội Phủ Giầy, hội Chùa Hương...
“Bầu giời cảnh Bụt/Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay/Kìa non non nước nước mây mây/Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải”.
Trên đây là mấy câu hát về chùa Hương, nơi hiện nay có năm chữ Hán “Nam Thiên Đệ Nhất Động” rất to đề trên đó cách đây gần ba thế kỷ - và chùa Hương cũng là nơi giúp cho Nguyễn Bính có bài thơ nổi tiếng Cô hái mơ.

Cô hái mơ giữa hội chùa Hương

Bính viết Cô hái mơ lần đầu đăng ở Ngày Nay, rồi được phổ nhạc, gây tiếng vang thời ấy. Đoạn cuối bài thơ có những câu:
“Cô hái mơ ơi! Chả giả lời nhau lấy một lời/Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng/Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi”.
Về chùa Hương, Nguyễn Bính có viết mấy bài nữa như Chùa Hương xa lắm. Trong đó có câu:
Chùa Hương xa lắm em ơi.
Hoặc bài Trên bến Đục, với những câu: “Gặp nhau trên bến Đục/Rồi kẻ ngược người xuôi/Cuộc tình duyên ngắn ngủi/Không đầy nửa buổi thôi”...
Có thể nói rằng Cô hái mơ, bài thơ thứ nhất Bính viết về chùa Hương là hay hơn cả.
Tháng Ba năm Tý (1936) Nguyễn Bính cùng một số anh em, bạn bè “trẩy” hội chùa Hương. Trong một chuyến đò dọc từ Phủ Lý tới bến Đục (Đốc Tín, Hà Đông cũ) đông tới bốn năm chục người. Khoảng chín mười giờ đêm, thuyền đi trên sông Đáy, trăng non lơ lửng trên các dãy núi. Trời còn lành lạnh. Khách đò ngồi gần với nhau cho ấm áp, mấy bà già vẫn thành kính, lim dim đôi mắt, tay lần tràng hạt đọc Kinh Chúa Ba... Bính vốn là người hay kể chuyện, khuya khuya có mấy cô gái cũng nhích gần nghe vui.
Hôm sau, một số người ấy lại gặp nhau ở thung Mơ Hinh Bồng. Họ đã rủ nhau đi mua những khúc “lão mai” (gỗ mơ già màu đo đỏ) mang về nấu nước uống cho bớt mùi “tục lụy”... Họ tới gần những cô hái mơ.
Chiều rồi chia tay, Bính đọc vui mấy câu, trong đó tôi nhớ được hai câu: “Sang năm biết đến bao giờ/Đôi ta cùng hái cành mơ Hinh Bồng...”
Ít lâu sau, Bính viết bài thơ Cô hái mơ rồi đăng báo ở Hà Nội. Bài thơ đã được tặng giải của Tự Lực Văn Đoàn những năm cuối thập niên 1930, Phạm Duy đã phổ nhạc...
Khi nói tới thơ Nguyễn Bính, nhiều người thường lấy bài Cô hái mơ làm điểm xuất phát. Lý do cũng dễ hiểu: Một là bài thơ nổi tiếng đầu tiên, hai là chất dân tộc cũng khá đậm đà. Nếu bạn đã có một lần trèo qua những thung mơ Hương Tích... “Hỡi cô con gái hái mơ già/Cô chửa về ư đường thì xa”.
Và nhất là mấy câu cuối: “Cô hái mơ ơi/Chả giả lời nhau lấy một lời”.
(còn tiếp) 
(*) Cha của Bùi Hạnh Cẩn, vừa là bác vừa là thầy học của Nguyễn Bính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.