Tập hồi ký lưu giữ rất nhiều kỷ niệm thân thương giữa anh em hai nhà thơ gắn với làng quê và những lễ hội mùa xuân - nguồn cảm hứng cho không ít tác phẩm của Nguyễn Bính. Thanh Niên trân trọng giới thiệu một số đoạn trích trong hồi ký trên.
Mồng 6 tháng ba năm Quý Dậu (1933), Bính từ xóm Trạm xuống hội Phủ Giầy, vào nhà cô ruột (lấy chồng ở đó) ăn bữa cơm trưa. Buổi chiều, lấy vé ô tô đi Hà Nội. Sau này, theo Bính kể lại, cái cớ “bắt đầu những chuyến giang hồ qua quýt” ấy là:
- Hôm ấy, trong xóm có đám tổ tôm, thói thường ngày xưa, khi đánh tổ tôm, người chơi bài có một khoản tiền “hồ”. Hồ là tiền để nhà chủ dùng vào các việc như nước nôi, cơm cháo, dầu đèn hoặc chỉ cho những người chia bài cho một “Hội” - Hội là danh từ một cuộc chơi bài. Ví dụ, vào đầu Hội, mỗi người đóng góp 10 đồng (tổ tôm có năm chân bài - năm người vị chi là 50 đồng). Hội trích ra một khoản nào đó làm tiền “hồ”. Còn lại chi cho những ván bài “ù”. Trong số chơi bài sáng hôm ấy, có người ù nhiều, được lắm tiền, bỗng thèm ăn kẹo sìu và bánh đỗ xanh Hanh Tụ của thành phố Nam Định, lúc này đang thời hội Phủ Giầy, nên có mang về bán tại Tiên Hương, địa điểm chính của hội Phủ Giầy…
Năm ấy, Bính mười lăm, mười sáu tuổi, uất ức vì nỗi “Trọc phú ti toe bàn thế sự - Điếm già tấp tểnh nói văn chương” như thơ Bính sau này từng viết. Do đó, Bính xuống Phủ Giầy rồi đi luôn Hà Nội. Tới Hà Nội, Bính tìm tới Hàng Bồ xin việc bán báo lẻ để kiếm sống. Nhưng, một chú bé lớ ngớ mới ở tỉnh lẻ lên Hà Nội thì không thể nào cạnh tranh nổi với những “thổ công Hà thành” bấy giờ. Bính tìm vào nơi anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác. Lúc này Mạnh Phác đang dạy học ở trường tư thục Hà Văn trong thị xã Hà Đông. Song, Phác cũng chỉ mới chân ướt chân ráo tới Hà Đông được ít lâu, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bính tìm lên Thái Nguyên, vào huyện Đồng Hỷ dạy học trong các trại ấp. Ít lâu sau, vừa phần cảnh rừng núi hiu quạnh, vừa phần cái máu sông hồ đang sôi nổi… lúc này Bính đã làm được một số bài thơ, nhưng chưa đăng ở đâu.
Lại về Hà Nội ở với anh ruột. Nguyễn Mạnh Phác đã thôi dạy ở Hà Đông, ra Hà Nội làm thuê cho một hiệu thuốc đông y bào chế kiêm nhà in. Thơ Bính dần dần được đăng báo, được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Và tới Lỡ bước sang ngang đăng liền mấy số trên Tiểu thuyết thứ năm thì nổi tiếng... Dạo đó, hầu như ở đâu cũng có người đọc Lỡ bước sang ngang.
Bài thơ của Bính được đăng báo đầu tiên là bài Cô hái mơ và Tiểu thuyết thứ năm là tờ báo đăng thơ Bính nhiều nhất.
|
Thời kỳ này kinh tế khó khăn, cảnh nhà sa sút, nên từ khoảng những năm 1934 - 1935 trở đi, tôi cũng đi học một số nghề lặt vặt, chụp ảnh hoặc sửa bản in thuê…, nhưng cũng chả có gì ổn định cho lắm. Do đó, tôi cũng có lúc ở Nam Định, Hà Nội và có lúc ở Sài Gòn (nay là TP.HCM)… Chuyến chia tay dài giữa Bính và tôi khoảng cuối năm 1941 (cho tới cuối 1954 mới gặp nhau bên hồ Gươm).
Dạo ấy, Trúc Đường (anh ruột Bính) có thuê một gian buồng nhà lá ở cuối phố Chợ Đuổi - nay là vào khoảng phố Tuệ Tĩnh giáp phố Bùi Thị Xuân. Có những kỳ mưa liền mấy hôm, bữa trưa chỉ mua vài hào khoai lang luộc ăn trừ bữa và dành mấy xu mua vé xe điện buổi chiều (Trúc Đường có vé tháng). Ở căn buồng nhỏ này thường có treo một bài thơ của Bính. Ở đây Bính và tôi đã gặp những cô gái Huế mang tên hoa mùa thu rất xinh đẹp và tất nhiên là mê thơ Bính…
Trước khi Bính “giang hồ qua quýt” vào Thanh Hóa, một tối, anh em Bính cùng tôi lên chỗ chú Cả Biền (chồng cô ruột tôi). Chú Cả Biền cùng vợ kế và bốn con nhỏ đều dọn lên Hà Nội và mở một quán bán bánh cuốn nhỏ ở phố Ngọc Hà. Vì vậy trong bài thơ ở Huế, Bính có viết: “Gia đình thiên cả lên Hà Nội”.
Khoảng mười giờ rưỡi khuya, ba chúng tôi “cuốc bộ” từ Ngọc Hà về Chợ Đuổi. Đường đi qua vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa công viên Lênin - đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội) ngạt ngào hương cúc tháng chín. Trăng khuya trời lạnh, nhắc lại chuyện gặp gỡ những cô gái Huế mang tên hoa, Bính bảo tôi:
- Đi Huế chuyến này và gặp lại Cúc thì tuyệt. (Còn tiếp)
Bình luận (0)