Bà Nguyễn Dung Nghi, người con gái thứ hai của cụ, kể: “Ông sang Pháp một mình, cũng tội nghiệp ông, tuổi già phải tự mang va li nặng toàn quần áo rét. Khi ông xuống sân bay Orly vào một chiều tháng mười, học trò ra đón, trong đó có anh ruột của mẹ tôi là dược sĩ Tống Lịch Cường. Danh chính ngôn thuận là bác Cường viết thư mời ông sang chơi nhưng bác cũng nghèo, không có đủ tiền. Học trò của ông bên đó mong được gặp thầy nên đã cùng nhau góp tiền lại, giúp bác…”.
Vừa lần lại những tấm ảnh trở thành kỷ vật của gia đình, bà Nguyễn Dung Nghi vừa kể với một niềm xúc động: “Tại Paris ông đến ở với gia đình ông Nguyễn Văn Lung, em vợ bác Hoàng Xuân Hãn vì nhà bác Hãn không có người phục vụ. Hai bác Hãn không có con cho nên rất là quý em trai của vợ. Ông Hãn hay mời ông đến nhà chơi”.
Để tôi biết rõ hơn, bà đọc một đoạn hồi ký của cha - luật sư (LS) Nguyễn Mạnh Tường viết về thời gian này: “Các bạn bè Việt - Pháp ở đây đã dành cho tôi một sự tiếp đón thật xúc động. Sau 60 năm xa cách, tôi mới được thấy lại đất nước mà tôi đã được sống và học tập trong nhiều năm, đồng thời nhận được sự tiếp đón tế nhị và ân cần chăm chút của những trái tim vàng. Cái ước nguyện ôm ấp từ nhiều năm nay bây giờ mới được thực hiện. Thế là mãn nguyện.
Sau mười ngày tôi lại bắt đầu tiếp xúc với các bạn bè và tiếp tục hoạt động của tôi. Tôi là đối tượng của một cuộc phỏng vấn trên vô tuyến truyền hình ở hệ thống TF1. Tôi có hai buổi diễn thuyết, một ở Clermont l'Hérault gần Montpellier. Ở đây tôi cũng lại đi sưu tầm tư liệu về Jules Boissière là đề tài bổ sung bản luận án tiến sĩ văn chương quốc gia và cuộc thứ hai ở Sorbonne thuộc Paris VII.
Sự kiện bất ngờ, không thể biết trước đã cuốn hút tôi và làm tôi xáo trộn cả đầu óc là các cuộc nổi dậy của quần chúng trong các nước Đông Âu. Nhiều nhà báo đến hỏi ý kiến của tôi về hậu quả của nó có thể xảy ra ở VN…”.
Về nước sau chuyến du lịch thăm lại Paris, nhận lời mời của nhà ngoại giao Hoàng Nguyên (1924 - 2007), vốn là học trò cũ Trường Bưởi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thời sự - khoa học (53 Nguyễn Du, Hà Nội) dành cho các nhà trí thức; LS Nguyễn Mạnh Tường đã tới nói chuyện tại đây trong suốt 2 tiếng đồng hồ. Cụ đã dành thời gian kể lại cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Le Monde - một tờ nhật báo lớn của Pháp. Nhà báo tập trung vào vấn đề chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và gắn với tình hình VN.
Có một câu phóng viên tờ Le Monde hỏi: “Ngài thấy thế nào về cuộc khủng hoảng ở Đông Âu?”. LS Nguyễn Mạnh Tường trả lời: “Tôi là một luật sư, quen bào chữa, chứ không phải một công tố viên, quen lên án. Hơn nữa, ngụ ngôn Pháp có câu: Cú đá của con lừa (le coup de pied de l’âne) để nói về những kẻ hèn hạ thừa cơ người khác gặp khó khăn mà lợi dụng. Các ông đừng ép tôi làm con lừa ngu ngốc ấy”. Câu trả lời khiến người nghe nổ những tràng pháo tay không ngớt.
***
Trở lại thủ đô ánh sáng, hơn nửa thế kỷ đã qua từ ngày tranh khôi đoạt giáp với 2 bằng tiến sĩ quốc gia ở tuổi 22 (1932), báo chí Pháp vẫn không ngớt lời tụng ca “thiên tài sinh nhầm thế kỷ”. Về cuộc đời của mình, LS Nguyễn Mạnh Tường đã tự đánh giá: “Con người có những thăng trầm. Tôi không thoát khỏi định luật chung đó. Ba mươi năm dài tôi đã sống và đau khổ. Cuộc đời có lúc mình cảm thấy thất vọng muốn điên lên được. Tôi đã thấy những giờ phút đó.
Bằng cách dốc toàn lực vào nghiên cứu, vào việc thực hiện những ý tưởng của mình, tôi đã hoàn toàn thỏa mãn về cuộc đời, vì mọi ước mơ của tôi đều đã thành đạt. Tôi mơ làm giáo sư văn chương Tây thì tôi đã là giáo sư. Tôi mơ trở thành trạng sư cãi những vụ nổi tiếng, tôi đã là trạng sư. Tôi mơ một cuộc sống thật gần gũi người dân, nghề giáo và trạng sư đã giúp tôi cảm thông và sống được những nỗi niềm của người dân bình dị. Tôi mong được nhiều người thương thì đâu đâu cũng gặp tình cảm thân thương. Việc tôi sang đây chứng tỏ hùng hồn tình cảm và sự giúp đỡ to lớn của các bạn trí thức dành cho tôi.
Cuối cùng, tôi muốn đóng góp chút gì ích quốc lợi dân, thì tôi đã hoàn thành những tác phẩm mong muốn.
Sang đây gặp gỡ nhiều bạn trẻ, thấy ai cũng thao thức về quê hương, đất nước, tôi mừng và an tâm. Thế hệ chúng tôi được lòng yêu nước thôi thúc. Thế hệ ngày nay cũng được lòng yêu nước nuôi dưỡng. Chúng ta gặp gỡ trong tâm tình. Tôi chỉ xin cầu chúc các bạn:
Hãy luôn sống đúng danh dự của người trí thức.
Hãy vun trồng không nguôi lòng yêu nước và luôn nuôi dưỡng việc nghiên cứu và hướng nó về quê hương.
Khi qua thăm nước Pháp, một số học trò bên đó mời tôi ở lại vì thấy tôi đến già vẫn sống đạm bạc. Nhưng tôi từ chối: “Tôi là người trí thức VN, tôi có lòng tự trọng của mình. Tôi không thể vì miếng cơm, manh áo mà bỏ đất nước nghèo mà ra đi”.
Bình luận (0)