Nguyễn Mạnh Tường - Người luật sư yêu nước: Cứu một phụ nữ thoát án tử hình

29/08/2018 08:19 GMT+7

Nhà giáo Nguyễn Lâm (sinh năm 1932), quê xã Viên Nội, H.Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), từng là giáo viên cấp 3 tại TX.Bắc Kạn, rồi trường trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An - Hà Nội, lưu giữ trong ký ức của ông những kỷ niệm đẹp về một vùng quê và một con người - người trí thức huyền thoại - luật sư Nguyễn Mạnh Tường .

Thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, H.Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội). Một làng quê trù phú, thanh bình, đứng soi mình bên dòng sông Đáy thơ mộng với tên nôm rất hóm: làng Sêu. Làng có chợ Sêu ở giữa làng, mỗi tháng họp sáu phiên. Làng nằm trên dải bậc thềm phù sa cổ, nhiều truyền thuyết.
Theo các cụ già của làng thì từ Sêu bắt nguồn từ chữ Bối Lang, là tên cổ nhất của làng. Sau này làng còn có tên Trinh Tiết từ một xuất xứ thật đẹp. Đó là câu chuyện về người con gái xinh đẹp của làng có người yêu đi đánh giặc, phò vua. Nặng lời ước hẹn, cô gái đã một lòng thủy chung chờ đợi vị hôn phu. Còn chàng trai ra đi đánh trận, đi mãi không về. Cô gái mòn mỏi đợi chờ nên tuổi xuân qua đi lúc nào không hay. Rồi nàng mất đi trong sự cảm thông, thương tiếc của dân làng. Về sau, có một vị vua đi qua làng đã được nghe câu chuyện cảm động trên. Cảm phục và tiếc thương, vua đã lấy tấm tình của cô gái thành tên gọi của làng. Cái tên Trinh Tiết được ra đời từ đấy.
Làng Sêu đẹp và thơ mộng với những ngôi đình, chùa cổ kính khắc dấu ấn thời gian lên từng mạch gỗ. Đường làng lát vỉa, sạch sẽ sau mỗi cơn mưa. Những ngõ xóm hẹp ẩn hiện những ngôi nhà nhỏ sau lớp rào râm bụt hoặc duối được cắt tỉa vồng lên thành những cái cổng xinh xắn.
Hàng cau, bể nước, sân gạch, những nong tằm nhả tơ vàng óng, tiếng khung cửi lách cách đêm khuya… Đẹp nhất vẫn là dòng sông Đáy chảy lững lờ bên làng. Bãi dâu xanh ngát trải dài ven sông… Có chợ, có trường, có đường, có bến sông. Buổi chiều về, những cánh buồm đủ kiểu no gió đưa những con thuyền lướt trên sông nước khi ẩn khi hiện trong màn sương buông xuống mờ đục.
Trong kháng chiến chống Pháp, Sêu là một trong những thị trấn sầm uất của Liên khu III. Cuộc sống thanh bình, thơ mộng khi đó vẫn diễn ra bất chấp chiến tranh khốc liệt.
Cách xa Hà Nội khoảng 50 cây số, có dáng dấp một thị trấn hậu cứ, thấp thoáng những con người của thị thành, làng Sêu lúc đó thật là lý tưởng để tụ hội và giao lưu những mạch chảy của bộ máy kháng chiến chống Pháp. Sêu là điểm dừng chân xuôi ngược trên đường lên Việt Bắc hoặc vào khu Tư… Nhiều nhân vật có tên tuổi trong kháng chiến đã qua đây.
Cũng nơi đây, dưới mái đình làng, Trường trung học Nguyễn Huệ trong kháng chiến đã ra đời theo phương pháp giáo dục Hoàng Xuân Hãn. Trường làng Sêu hồi đó hay tổ chức xử án, có luật sư (LS) Nguyễn Mạnh Tường nổi tiếng, bào chữa cho các bị cáo rất hùng biện, hấp dẫn quần chúng. Các phiên tòa được diễn ra vào ban đêm, ngoài giờ học nên đã lôi cuốn nhiều bà con và các em học sinh tới dự không chỉ vì tò mò hay giải trí mà muốn nghe tài biện hộ của LS.
Nhà giáo Nguyễn Lâm nhớ mãi phiên tòa của tòa án quân sự đặc biệt Liên khu III được mở để xét xử bị can là vợ của một lãnh tụ Quốc dân đảng ở Vĩnh Yên, sào huyệt của tổ chức phản động này, hồi đó đã được tổ chức dưới ánh đèn măng sông. Chánh án là LS Lê Văn Chất. LS Nguyễn Mạnh Tường khoác chiếc áo thụng đen, tay áo rộng đã vung vẫy đôi tay “biểu diễn” những lời bào chữa dành cho thân chủ của mình: “Đối với nhân thân người phụ nữ này, tôi cho rằng đó là một người phụ nữ có nhan sắc, nói năng lưu loát và sắc sảo, đã có một đời chồng là thợ may, sau này làm vợ của một tên tướng Quốc dân đảng, bà ta còn đảm nhiệm việc cung cấp lương thực cho đội quân của chồng. Tuy là người có tội vì phục vụ cho bọn Việt gian phản động, với mức án dự kiến là tử hình, nhưng xét về khía cạnh nào đó, bà ta là một người có tài mà không dễ gì một phụ nữ có thể đảm đương được.”
LS Nguyễn Mạnh Tường cho là người thợ may làm sao xứng đáng làm chồng của người vợ này. Vì vậy bà ta đã có đời chồng thứ hai là tướng của Quốc dân đảng. Lấy chồng thì phải theo chồng kể cả phải đảm nhiệm là người tổ chức hậu cần cung cấp lương thực cho đội quân của chồng là điều có thể hiểu được.
“Về mặt luật pháp đúng là người đàn bà này có tội nhưng xét về mặt nhân đạo có nên áp đặt án tử hình cho người phụ nữ này không? Nhất là trong khi đó ở nước ta chưa có tiền lệ áp dụng tử hình cho một người phụ nữ nào cả”.
Chánh án Lê Văn Chất, liền viện dẫn ở Pháp đã có trường hợp một phụ nữ bị án tử hình, ông còn nêu tên tuổi của người đó. LS Nguyễn Mạnh Tường liền đáp một cách nhanh nhẹn: “Thưa ông Chánh án, làm sao chúng ta lại bắt chước thực dân Pháp, chính thể của chúng ta là chế độ Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra chúng ta còn đang chiến đấu chống lại thực dân Pháp để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ. Vì vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng án tử hình cho người phụ nữ này”.
Sau thời gian nghị án một cách chóng vánh, phiên tòa được kết thúc với mức án tuyên không phải là án tử hình và tính mạng của người phụ nữ này đã được bảo toàn nhờ tài năng của LS Nguyễn Mạnh Tường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.