Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9.3.1945, lập chính phủ Trần Trọng Kim, bổ nhiệm khâm sai hai miền Nam - Bắc, tỉnh trưởng người Việt thay cho công sứ người Pháp. Các cơ quan hành chính, tư pháp đều do quan chức Nhật nắm quyền. Báo chí vẫn được xuất bản bình thường, trừ một vài thay đổi nhỏ: báo La volonté Indochinoise (Ý chí Đông Dương) của Pháp buộc phải đổi tên là L’Entente (Hòa hợp), báo Đông Pháp phải đổi tên là Đông Phát. Chỉ thị đầu tiên cho các báo là chỉ được đưa tin của Hãng thông tấn Domei (Nhật Bản) và Transocean (Đức Quốc xã) cấm đưa tin của các hãng thông tấn Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô… Kiểm duyệt chặt chẽ toàn bộ nội dung đến từng dòng, từng chữ, chỉ sơ suất một từ hoặc một ý nghi ngờ là báo bị tịch thu, đình bản, người viết bị truy tố, hoặc bị bắt.
Thời gian đó, báo Tin Mới đóng ở phố Lagisquet (nay là phố Chân Cầm). Chủ nhiệm là bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, chủ bút là nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí, quản lý báo là ông Vũ Kiên. Phóng viên Trịnh My tình cờ lấy được tin Ủy ban Thóc gạo Bắc kỳ thành lập “kho thóc Nghĩa Xương” thông báo cho các tỉnh, các chủ ruộng đóng góp vào kho thóc để cứu tế, phòng khi mất mùa, bão lụt (thực chất để nuôi quân Nhật) có định mức căn cứ vào số ruộng nhiều hay ít. Tin này được đăng để người đọc ở Hà Nội có ruộng ở quê biết.
Nạn đói tràn lan khủng khiếp. Ở nông thôn, phát xít Nhật bắt đồng bào ta nhổ lúa trồng đay. Làng mạc xơ xác tiêu điều. Hàng vạn người từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… bồng bế nhau lũ lượt rời bỏ quê hương lên các tỉnh, thành phố xin ăn. Nhiều bà mẹ gạt nước mắt cho con để khỏi chết đói. Các tổ chức từ thiện không sức nào cứu tế nổi. Hà Nội bao phủ cảnh thương tâm. Có thể nói ra khỏi nhà là gặp xác chết. Sáng sớm, xe chở rác thu nhặt xác chết như củi khô chở ra chôn ở ngoại thành.
“Bẵng đi đến đầu tháng năm, tôi nhận được giấy gọi của tòa án gửi đến tòa soạn. Viên dự thẩm căn vặn tôi: “Ý đồ tin đó nhằm mục đích gì?”. Tôi trả lời: “Để bạn đọc ở Hà Nội có ruộng ở quê biết và cũng để thể hiện phong tục tốt đẹp của nhân dân ta “lá lành đùm lá rách”. Y báo cho tôi biết sẽ bị truy tố trước tòa vì tội “tiết lộ bí mật quốc gia”.
Báo nhờ luật sư (LS) Nguyễn Mạnh Tường bào chữa. Văn phòng LS của ông hồi đó ở nhà số 2 phố Mai Xuân Thưởng (sau này LS Nguyễn Mạnh Tường hiến cho nhà nước, ngôi nhà từng nhiều năm làm trụ sở tiếp dân của Chính phủ).
“Vụ án được xử tại tòa án Hà Nội trước vài trăm người trong đó có nhiều anh em làm báo. Anh Vũ Kiên và tôi (Trịnh My) ngồi ghế bị cáo. Ai cũng lo cho chúng tôi vì đây là phiên tòa do sức ép của Nhật. Sau lời buộc tội của viên phó biện lý Nguyễn Văn Hòa, LS Nguyễn Mạnh Tường bào chữa cho chúng tôi độ 30 phút. Ông nói về trách nhiệm người làm báo đối với bạn đọc, bác lời buộc tội của viên phó biện lý là “thiếu căn cứ” và ông kết luận: “Hai thân chủ của tôi ngồi đây không có tội. Bị cáo phải là ban kiểm duyệt vì chính ban kiểm duyệt đã cho đăng tin này”.
Trước bồi thẩm đoàn, LS Nguyễn Mạnh Tường đưa ra bản dập thử (mo rát) có dấu phòng kiểm duyệt, không thấy bút chì xanh xóa bỏ tin đó. Trước bằng chứng rành rành, tòa án không có lý lẽ gì kết tội chúng tôi, song để giữ thể diện, vẫn trắng trợn tuyên chúng tôi một năm tù treo và phạt 10.000 đồng. Chúng tôi định chống án, song LS Nguyễn Mạnh Tường bảo: “Chẳng cần. Thời cuộc sắp thay đổi đến nơi. Bản án sẽ không còn giá trị”.
Quả thực không bao lâu sau sau phiên xử, khắp mọi nơi nhân dân ủng hộ mạnh mẽ Mặt trận Việt Minh. Sau ngày 19.8.1945, cách mạng thành công, tôi sung sướng tiếp tục làm báo dưới chế độ dân chủ cộng hòa độc lập và tự do. Và tôi không bao giờ quên là ngày 2.9.1945, tôi được đi cùng đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bắc Bộ phủ lên Quảng trường Ba Đình, tường thuật cuộc mít tinh lịch sử”.
***
Sau Cách mạng Tháng Tám, Trịnh My đi làm thông tin tuyên truyền kháng chiến. Theo bước chân bộ đội, ông đã xông pha nhiều trận đánh, đã vào đồn Đông Khê khi còn mịt mù khói súng để lấy tin chiến thắng (như Chiến dịch Biên giới năm 1950).
Năm 1952, mắc bệnh hiểm nghèo, nhờ có bác sĩ Tôn Thất Tùng giúp đỡ, Trịnh My trở về Hà Nội chữa trị. Khỏi bệnh, ông lại cầm bút. Hiệp định Genève được ký kết, chủ báo di cư vào Nam, nhà báo Trịnh My cùng nhà báo Hiền Nhân và anh em công nhân đã khéo léo đấu tranh để giữ máy móc, duy trì nhà in, chờ quân ta vào tiếp quản và báo lại được ra đều. Từ đó, ông được giao chuyên mục thể thao - bóng đá của báo Thời Mới với bút danh TR.M (sau này, báo Thủ đô Hà Nội và báo Thời Mới sáp nhập thành báo Hà Nội Mới).
Bình luận (0)