Nguyễn Quang Thiều và ‘Mười một khúc cảm’

10/02/2021 12:00 GMT+7

Mười một khúc cảm - bài thơ dài trong tập Dưới trăng và một bậc cửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (NXB Hội Nhà văn, 2020) là những khúc cảm ma mị của quyền lực chữ.

Trong bài Thay lời tựa tập thơ dài và trường ca có tên Dưới trăng và một bậc cửa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có những dòng viết về thơ và công việc làm thơ đáng để đọc, suy ngẫm.
Câu chuyện anh tự sự thay lời tâm sự với người yêu thơ như sau: “Năm 1995, tại một lớp tiếng Anh cuối cùng của Đại học Huế tôi cùng hai nhà thơ Mỹ đã dự lớp học này. Một sinh viên hỏi tôi thơ xuất hiện khi nào? Tôi đã lấy một ví dụ: Tôi đặt một viên phấn lên bàn và bảo họ hãy nhìn viên phấn, sau đó tôi lấy một viên phấn khác đè gãy viên phấn kia. Tôi nói với họ rằng, tất cả những gì họ nhìn thấy, đó là lịch sử.
Sau đó tôi cất viên phấn đi và bảo họ hãy nhìn vào nơi có viên phấn để trước đó và nhớ lại. Nhớ gì cũng được và sự nhớ này không bao giờ có thứ tự. Nó luôn luôn có một sự kiện vô can chen vào. Lúc này văn xuôi xuất hiện.
Cuối cùng tôi nói với họ hãy nhắm mắt lại và nhìn vào nơi đã có viên phấn từ năm đến mười phút. Bạn hãy thực hiện một ví dụ tương tự và bạn thấy mọi việc xảy ra trong cái nhìn ấy thật kỳ lạ. Bạn không thể nào đoán trước được. Mỗi lần nhắm mắt và nhìn khác nhau thì mọi việc đều xảy ra khác nhau. Mặc dù sự kiện của viên phấn không thay đổi. Chỉ lúc này thơ ca mới có khả nằng xuất hiện.
Tất nhiên, ví dụ trên là một ví dụ nhỏ và đôi lúc nó trở nên thô thiển. Nhưng không ai có thể chối cãi được là có một hiện thực của viên phấn và những sự kiện liên quan đến nó ở trong cái nhìn thứ ba kia” (trang 10). Với tôi, là một người làm thơ và yêu thơ, câu chuyện nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại trên văn bản thực sự có ý nghĩa.
Tôi đọc mãi Dưới ánh trăng và một bậc cửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tự thấy mình chưa đủ “năng lượng” để tiếp nhận và lý giải tư tưởng cũng như thông điệp trong suốt tập thơ dài và trường ca này của anh. Nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh khi viết chuyên luận về tập thơ và trường ca này của Nguyễn Quang Thiều, đã nhận định: “Thơ Nguyễn Quang Thiều không đi theo hướng tung hứng chữ, chơi chữ nhưng vì thường đẩy nội tâm đến cực hạn của dòng chảy vô thức, của cõi mê, cho nên, rất nhiều thi ảnh được lạ hóa, đẫm sắc huyền ảo. Tính triết lý và chất chiêm nghiệm đậm đặc khiến kết cấu thơ thêm phần đa tầng đa nghĩa” (Hoàng Thụy Anh: Những chuyển động của hiện thực tinh thần).
Tác phẩm thơ là văn bản, có ngôn; nhưng đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, người đọc cảm nhận ra một “thế giới vô ngôn” ám gợi. Mười một khúc cảm là bài thơ dài, được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bố trí đầu tiên trong tập thơ, từ trang 17 đến trang 28, theo tôi là bài thơ dễ tiếp nhận nhưng cũng đầy ma mị của quyền lực chữ.
Khúc cảm thứ nhất, nhà thơ đưa người đọc đến “miền hồi tưởng” của ông: “Dâng lên như mùa xuân thứ nhất/ Những con đường biền biệt thuở thơ/ Tiếng người gọi hai bên thiêm thiếp cỏ/ Ta khổ đau lần thứ nhất trên đời”.
...
Điếu thuốc cháy từ năm ta mười bốn
Tiếng roi cha quất nát sợi khói mềm
Trong ký ức ta có một ngày oán hận
Nước mắt ta khô dù chỉ khóc một lần
Sách nhà Phật nói rằng, khi thai nhi được sanh ra, thì lục căn của hài nhi bắt đầu tiếp xúc với lục trần, do đó hài nhi biết nóng, lạnh, đau, êm… Bởi vì sự xúc chạm này, mà tâm của hài nhi dần dần phát sanh ra sự phân biệt rồi từ đó có những cảm giác thọ vui, hay khổ. Đã có sanh, thì sẽ già và sau cùng là chết. Như thế, một khi chúng ta tạo nhân trong quá khứ, thì nó sẽ là quả của hiện tại và quả của hiện tại sẽ là nhân cho quả của tương lai. Con người cứ như thế mà xoay vần mãi mãi không ngừng. Từ đấy mà suy ra con người chẳng những sống một đời trong hiện tại này, mà trong quá khứ đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc đời rồi. Và trong tương lai chúng ta sẽ còn nối tiếp biết bao cuộc sống khác. Tôi có cảm tưởng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn suy nghĩ về khổ đau, về quy luật quá khứ và hiện tại, “Ta khổ đau lần thứ nhất trên đời”.
Trong Mười một khúc cảm (phần 4 và 5) nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xây dựng hình ảnh “người bại liệt” và “người đàn ông điên” thay mình kết nối giữa quá khứ và hiện tại:
....
Ta đã kiên nhẫn lết đôi chân người bại liệt suốt nửa đời ta
Nhưng chưa một lần chạm vào then cửa
...
Người đàn ông điên không quần áo đi trên đường phố
Thứ tự do này hoảng sợ hơn mọi thứ tự do
Người bại liệt thì “đôi mắt/ đôi mắt/ lúc nào cũng vội”; còn “người đàn ông điên” thì trước sự làm chứng của chúng sinh và mặt trời ngồi vẽ đôi mắt nhân loại có hình lục giác. Roman Frank, nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Pháp từng nói “Biểu cảm trên khuôn mặt là ngôn ngữ phức tạp hơn hàng nghìn lần được nhắc tới trong các so sánh”. Chắc hẳn, đôi mắt hình lục giác rất khó đoán định biểu cảm.
Những hồi tưởng, ký ức của nhà thơ trong Mười một khúc cảm không chỉ nhắc nhớ về cái đã qua, mà còn có những hồi tưởng, ký ức khi nhà thơ chưa ra đời: “Ta gặp mẹ ta năm người mười bảy/ Những răng lược gỗ mòn cắn ngập mái tóc người/ Ta gặp cha ta năm người hai mươi tuổi/ Dưới những nhát búa cùn/ Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa”; và “Ta đi về cửa ngõ của chiều/ Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn/ Ta đi về thuở ta còn sóng sánh” với khát khao tìm được, “câu” được hạnh phúc.
...
Ta là chiếc lưỡi câu bị bỏ quên đau khổ
Chỉ đợi run lên trước đôi môi em
Ta không bao giờ lừa em
Không bao giờ lừa em
Thính cứ ném xuống đời ta mất ngủ
Mười một khúc cảm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là mười một mảnh ghép hồi ức, nhưng liên kết chặt chẽ giữa người - người, người - đời, đời - đời trong sự cân bằng của đa dạng sinh học. Có lúc nhà thơ nói chuyện với chính mình, trò chuyện với em, với mẹ, với cha; khi thì ông mượn hình ảnh chiếc lưỡi câu, con chim, con kiến lửa, chiếc lá vàng... để nói về thân phận, về hạnh phúc và khổ đau, về kiếp nạn và luân hồi. Càng lớn dần, hiện thực cuộc sống càng vỗ vào nhà thơ, hình thành nên một hiện thực tinh thần đầy trăn trở. “Con yêu điên rồ hòng trốn những buồn đau/ Nụ hôn ướt nhèm không còn dấu vết”, thế nhưng “Một phía thời gian xước từng răng chó cắn/ Một phía thời gian tro ấm phủ dầy”.
Hồi ức, với tư cách là một thế giới luôn chuyển động trong tâm hồn nhà thơ, ám ảnh ông và đến lượt nó, ám ảnh người đọc. “Những vết rạch thương yêu giờ này đã ngủ/ Miệng vết thương mở ra hai mầm lá gợn hồng/ Có gì đó cựa mình trong mạch vôi tường ẩm ướt/ Có gì đó lướt trên nụ cười lưỡi dao/ Thiên nga mộng mị trên mặt hồ tỏa sóng”, nhà thơ nhận ra sinh sôi, nẩy nở từ khổ đau. Mặc dù, không hề đơn giản: “Nỗi đau lịm dần... lịm dần/ Nỗi đau, gượng dậy, gượng dậy”.
“Đời là bể khổ”, nhất là khi “văn hóa thực dụng” lấn lướt “văn hóa tinh thần”, gặm nhấm vẻ đẹp. Thế nhưng, theo Phật, con người trong kiếp nạn phải cố gắng giữ gìn trì giới, phát huy tâm Bồ đề, tạo dựng thập thiện nghiệp, thì tạo được cái nhân lành hiện tại. Do đó cái quả tương lai chắc chắn sẽ vô cùng khả quan và viên mãn.
Đau đớn, vật và, nhưng hơn ai hết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có niềm tin vào “quyền uy của cái đẹp”, tin vào ánh sáng bất diệt của tâm hồn sẽ hoàn nguyên những giá trị sống, như nhận định của Hoàng Thụy Anh. Gần gũi nhà thơ, trao đổi với ông, càng dễ nhận ra lòng tin về “quyền uy” ấy.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.