Nhà thiết kế Vũ Thảo: Sáng tác nghệ thuật từ thời trang bền vững

25/11/2018 09:00 GMT+7

Là nhà thiết kế thời trang, nhưng Vũ Thảo chọn một hướng đi rất lạ, không ồn ào theo những hào nhoáng của sân khấu, của sàn diễn.

Từng sản phẩm thời trang của chị khi hình thành, như một phương tiện đi ngược dòng thời gian, về lại cội nguồn, với di sản dân tộc bằng chính những chuyện kể trên đó, định hình nên một xu hướng thời trang mới ở VN: Thời trang bền vững.
Muốn tạo nên sự thay đổi
Chị có thể chia sẻ về quan điểm và cách sử dụng yếu tố truyền thống, dân gian trong sáng tác?
Nhắc đến truyền thống là gắn đến tính bảo tồn, bảo thủ, tính biểu tượng, có cả yếu tố dân tộc, tôn giáo, văn hóa, tập tính... khiến người ta ngại động chạm vào nó, do vậy nói tới thay đổi ít ai dám làm, dù nhiều người muốn. Thêm một nguyên do khi sử dụng truyền thống lại dùng không phù hợp, ví dụ những biểu tượng tín ngưỡng tôn kính đem áp dụng may quần áo hằng ngày thì thực sự thiếu hiểu biết. Đó là rào cản khi tiếp xúc văn hóa truyền thống và tri thức dân gian. Nhưng không thể vì lối suy nghĩ sợ va chạm với văn hóa ấy lại cứ để mặc truyền thống bị ngủ vùi, thuộc về quá khứ, không có gì tươi mới, thời đại. Tôi muốn thay đổi cách nhìn ấy, ít nhất là có tác động dù nhỏ, hay chỉ là mang tính định hướng. Sử dụng truyền thống với tinh thần tôn trọng, phát triển.
Làm việc cùng những thợ thủ công bản địa, chị thấy điểm gì nổi bật ở họ?
Thật may mắn là cách làm thủ công trong trang phục của họ vẫn được lưu giữ, giúp tôi nhận ra sự đa dạng trong chế tác. Chẳng hạn một áo khoác người H’mông đen qua 5 - 6 kỹ thuật, dệt lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, mài đá tạo cho vải vừa bền, bóng đẹp như da thuộc. Nhưng ít người biết hay để ý đến kỹ thuật này, trong khi các nước phương Tây đổ xô săn tìm phương pháp, kỹ thuật truyền thống gầy dựng lại. Nhìn quy trình sản xuất ấy, tôi nhận ra dấu ấn đương đại trong truyền thống không hề cổ hủ, lạc hậu, dùng kỹ thuật thủ công tạo hiệu ứng đương đại. Chúng độc đáo, quý hiếm quá nên trong thiết kế tôi tìm cách phối hợp, có khi chỉ dùng làm điểm nhấn, không phung phí cho cả tấm vải, trang phục. Một nghịch lý đang diễn ra là sản phẩm thủ công truyền thống không được đánh giá đúng ngay nơi nó sinh ra. Đó là điều tôi bức xúc và muốn tạo nên sự thay đổi.
Nhà thiết kế Vũ Thảo: Sáng tác nghệ thuật từ thời trang bền vững1
Mỗi tác phẩm thiết kế của Vũ Thảo là một chuyện kể gắn với di sản của người bản địa
Thời trang bền vững, sinh thái và thời trang công nghiệp, hai thái cực rất đối nghịch nhau, chị có nhận định gì về những dòng thời trang này?
Từ năm 2010 - 2014, thời trang sinh thái được nói nhiều ở London, New York, là hiện tượng được các nhà xã hội học, kinh tế học đào bới nghiên cứu, nhưng chỉ dừng lại ở điều kiện làm việc, sử dụng chất liệu sinh thái. Khái niệm thời trang bền vững lớn hơn, có tác động đến môi trường, xã hội, thương mại bình đẳng, cao hơn nữa là bảo tồn văn hóa bản địa, vùng miền. Thật nhạt khi sống trong thế giới mọi thứ đều được sản xuất hàng loạt, bởi phần đông sẽ giống nhau. Yếu tố bản địa nhường chỗ cho văn hóa ngoại lai, bản sắc bị đánh cắp, nhận dạng về danh tính, chủng tộc, văn hóa, đều dễ bị đồng hóa. Việc sản xuất công nghiệp tạo nên xu thế nhân công giảm - thị trường việc làm bị thu hẹp tại các nước nghèo. Và khi người lao động điều khiển máy dây chuyền, chỉ chuyên làm một bộ phận trong chuỗi sản xuất thay vì tạo ra sản phẩm hoàn thiện. Điều đó triệt tiêu bản năng, kỹ năng của người thợ thủ công, dần dần khai tử các nghề thủ công, kỹ nghệ chế tác.
Đại diện VN tham dự London Design Biennale 2018, Vũ Thảo kết hợp cùng nhà thiết kế đa phương tiện Giang Nguyễn và nghệ sĩ thị giác Lê Thanh Tùng tạo nên một triển lãm nghệ thuật sắp đặt, kể câu chuyện thời trang bền vững cùng tác phẩm của nghệ sĩ khác đến từ 40 quốc gia. Một phần trong tác phẩm của Vũ Thảo là sắp đặt mô phỏng giếng chàm cổ của người Nùng An (Cao Bằng), biểu trưng cho văn hóa truyền thống, mang tính khái quát về tri thức dân gian. Trên miệng giếng là dụng cụ phòng thí nghiệm chứa công thức nhuộm mang tính thử nghiệm nói lên mong muốn thay đổi nhưng vẫn có mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa dân gian và hiện đại.
Giá trị truyền thống, dân gian là chất liệu cho sáng tác đương đại.
Nghệ thuật sắp đặt thay cho sàn diễn
Là một nhà thiết kế lại dửng dưng với sàn diễn thời trang, hẳn chị có lý do riêng?
Thời trang nếu chỉ nhìn qua trình diễn, những trang tạp chí, thì bạc lắm! Dễ tự mãn hoặc chóng thất vọng. Vì vòng quay của chúng ngắn ngủi và thường phũ phàng. Trong khi kiến thức cần phải đầu tư thời gian tìm tòi. Thời trang thú vị lắm vì có nhiều hướng khai thác, tôi muốn mang lại những tác động đến các bạn cùng nghề, nhìn nhận nghề nghiệp đúng đắn hơn.
Để diễn đạt ý tưởng của bộ sưu tập, giá trị của bộ sưu tập, tôi thường dùng nghệ thuật sắp đặt làm ngôn ngữ truyền tải, kể chuyện, sử dụng nhiều công cụ, kỹ thuật như vẽ minh họa, nhiếp ảnh, video art, đến các chất liệu tạo nên tác phẩm như sợi, màu nhuộm, công cụ làm việc... kết hợp hình ảnh, hiện vật, ánh sáng, kiến trúc, sắp đặt. Nhờ vậy không gian trưng bày biểu đạt hết cái ý của thời trang. Tôi nhận ra đó là cách diễn đạt thời trang hấp dẫn, lôi cuốn, và thật nhất. Yếu tố truyền thống và tính đương đại đều tương đồng, tự tôn nhau lên để hợp thành dòng thời trang bền vững mà tôi đang theo đuổi.
Xem cách kể chuyện về thời trang bền vững, lại thấy ở chị là một nghệ sĩ sắp đặt đương đại, đó là do chủ đích hay ngẫu nhiên?
Do ngẫu nhiên thôi, vì càng tìm hiểu về thời trang bền vững, làm việc với nghệ nhân dân gian, tôi nhận ra các phương thức lao động, công cụ, không gian sống… của họ đều trở thành những chất liệu tuyệt vời cho sáng tác nghệ thuật đương đại. Lấy ví dụ như các thao tác giã củ nâu, khoắng chàm, lọc chàm, trong quá trình làm nguyên liệu chứa chất âm thanh, nhịp điệu rất nhiều. Kể cả việc gánh vải ra suối giặt chàm, nuôi tằm ăn rỗi... cũng là những chất liệu sáng tác thú vị cho video art. Tôi vừa trở về từ hai sự kiện ở New York cùng nhóm nghệ sĩ vũ công, ca sĩ, nhạc công dòng đương đại thử nghiệm, họ sử dụng chất liệu là hình ảnh, âm thanh từ các thước phim về quá trình sản xuất dệt, nhuộm, thiết kế mà tôi tự tay thực hiện để dựng lên những sáng tác mang tính tương tác cao. Các nghệ sĩ đồng diễn dựa vào âm thanh hoặc chuyển động trong các thước phim tư liệu của tôi để bắt đầu một sự sáng tạo mới bằng chính ngôn ngữ sáng tác mỗi cá nhân họ. Khi hình ảnh xuất hiện, ban nhạc lấy đó làm điểm bắt đầu để phối âm, ca sĩ hát ứng tác, vũ công trình diễn theo không gian âm nhạc… tất cả không qua tập dợt, không sắp đặt trước, đều là ngẫu hứng. Chương trình được đánh giá cao, tôi cảm thấy vui khi những giá trị truyền thống, dân gian như thế có thể trở thành chất liệu cho sáng tác đương đại ở một nơi chốn, một không gian sáng tạo hoàn toàn xa lạ.
Công đoạn “tẻ nhạt” nhất trong thời trang của chị là thiết kế, nhưng để một thiết kế có chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng đón nhận, chị đã làm gì?
Trong thiết kế, tôi rất chú ý đến tính động của sản phẩm. Một bộ trang phục khi hoàn thiện được ví như lớp da thứ hai của mình, khi đi, đứng, ngay cả khi ngồi xe máy… tất cả đều được tính toán, cân nhắc, phải tương xứng, uyển chuyển cùng cơ thể. Do vậy các thiết kế của tôi mang tính ứng dụng cao mà vẫn chứa đựng những nét thẩm mỹ cá nhân.
Được biết chị vừa tham dự một sự kiện thiết kế nổi tiếng là London Design Biennale 2018 (diễn ra vào tháng 9 qua) tại London, chị gửi gắm thông điệp gì ở sự kiện này?
Các sắp đặt chúng tôi mang đến London Design Biennale, nhằm minh họa hình ảnh VN bây giờ, trong đấy có lồng ghép truyền thống, hiện đại, kỹ thuật, thủ công, khả năng ứng tác của người Việt và tầm nhìn của giới trẻ. Chúng tôi muốn biểu đạt tính hợp nhất trong công việc của người Việt là nét đẹp văn hóa quý giá. Tác phẩm tham dự sự kiện cũng là sự kết hợp từ nhiều người, nhiều vùng miền, nhiều phương pháp sáng tác. Nó cho thấy tư tưởng của thế hệ mới các nhà thiết kế VN đang áp dụng kỹ thuật hiện đại mà không làm mất đi sự cộng hưởng cảm xúc của nghề thủ công truyền thống.
Nhà thiết kế Vũ Thảo: Sáng tác nghệ thuật từ thời trang bền vững2
Vũ Thảo sinh năm 1979, quê Thái Bình.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, tốt nghiệp Học viện Thời trang London (LCFS) năm 2008.
Sáng lập thương hiệu thời trang bền vững Km109 (năm 2012).
Thời trang sinh thái đang là xu hướng phát triển của thời trang thế giới. Vũ Thảo thực hiện một quy trình thời trang “hữu cơ”. Theo đó, dâu tằm tự nuôi, tự trồng các loại thảo mộc tạo màu, tự dệt và nhuộm, tự thiết kế để tạo thành một sản phẩm thời trang hoàn chỉnh. Làm việc với nhiều dân tộc ở phía bắc để giúp họ bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống (dệt, nhuộm), lấy thiết kế đương đại đưa vào sản phẩm.
Giá trị kết nối
Nguyễn Phương Thảo
Vũ Thảo làm việc rất sáng tạo, kiên nhẫn và có đạo đức. Ba yếu tố cơ bản đấy làm nền cho những thành công. Chị cũng là người gắn kết với cộng đồng, dễ dàng hòa nhập và làm việc cùng người bản địa, được mọi người khâm phục. Các tác phẩm thiết kế thời trang của Vũ Thảo mang lại sự kết nối giữa khách hàng, giữa những người làm văn hóa, nghệ sĩ nhiều ngành khác nhau, kể cả giới nghiên cứu học thuật. Bởi sản phẩm thời trang của chị tạo nên sự khác biệt, không đơn giản là bộ trang phục khoác lên người, mà còn là cả câu chuyện kiến thức, văn hóa kéo dài đằng sau nó. Tư duy thiết kế của Vũ Thảo mở ra cách nghĩ cho những nhà thiết kế trẻ, không cứ phải đi đâu xa mà hãy vận dụng tốt chính những cái VN đang có, sẽ là chìa khóa tạo nên sự thay đổi tích cực cho thời trang bền vững ở VN.
Nguyễn Phương Thảo
Giám đốc Ban Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo (Hội đồng Anh)
Đưa di sản vào thời trang bền vững
Tiến sĩ Marta Gasparin
Ở Anh và châu Âu, nhắc đến thời trang bền vững thường liên tưởng đến khái niệm tái chế, thời trang của Vũ Thảo còn đưa được cả di sản vào trong đó. Vũ Thảo là người rất cách tân, nhưng vẫn lưu giữ giá trị bản địa, đây là điều khác biệt với đa số những nhà thiết kế trẻ trong khu vực tôi từng làm việc cùng. Thảo là cầu nối hoàn hảo giữa hai thái cực rất lớn là nông thôn - thành thị, truyền thống - đương đại để tạo nên dòng sản phẩm thời trang sinh thái, bền vững, có cùng đích đến, cùng thị trường. Trong các thiết kế của Vũ Thảo, dễ nhận ngay ra yếu tố Việt, đặc biệt là tính ứng dụng cao, có thể mặc ở các mùa trong năm, cả ở đời thường đến những sự kiện sang trọng. Vũ Thảo có khả năng sử dụng ngôn ngữ của thủ công, của thiết kế, của di sản, chuyển thể vào đời sống đương đại, phù hợp mọi đối tượng khách hàng. Sản phẩm mang cá tính riêng, không hào nhoáng, không gây chú ý nổi bật trước đám đông, nhưng đằm thắm, dịu dàng, và khiến người ta nhớ bởi câu chuyện của từng họa tiết, hoa văn, đến cả thiết kế.
Tiến sĩ Marta Gasparin 
Giảng viên chuyên ngành thiết kế và quản lý đổi mới, Đại học Leicester, Anh quốc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.