Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Nhà thơ Quang Dũng - người đầu tiên viết sử Tây Tiến

15/03/2021 06:21 GMT+7

Người viết sử cho Tây Tiến đầu tiên, không ai khác chính là nhà thơ Quang Dũng, chiến sĩ Tây Tiến, tác giả bài thơ Tây Tiến . Đó là nhận định của những cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Ngày 27.2.1947, Trung đoàn Tây Tiến ra đời tại vùng Tây Bắc của Tổ quốc, lúc đó gọi là “miền Việt Tây”. Sau đó, đơn vị được đổi tên thành Trung đoàn 52 Tây Tiến - một đơn vị thiện chiến tinh nhuệ của Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng bằng), được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn 70 năm đã qua, Báo Thanh Niên ôn lại những kỷ niệm và những gương mặt chiến sĩ Tây Tiến mùa xuân ấy.

Đoàn binh không mọc tóc

Trong thơ Quang Dũng có câu: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Đó là hiện thực được nhà thơ lột tả chân thật. Khi tôi còn học phổ thông, được nghe giảng về những cái đầu trọc là do các chiến sĩ bị bệnh sốt rét rừng nên rụng hết cả tóc. Tới khi gặp các cựu chiến binh Tây Tiến, được nghe các cụ giải thích, tôi mới biết rằng đầu trọc vì sốt rét rừng là đúng nhưng chưa đủ. Bộ đội Tây Tiến khó khăn gian khổ còn gặp phải chấy, rận, ve vắt. Mà những năm sau 1945, y tế nào đã phát triển như bây giờ. Đêm ngủ, các chiến sĩ phải đốt đuốc dưới nhà sàn để chống muỗi, chống rệp, chống ve vắt… Chưa hết, hầu như mỗi chiến sĩ chỉ có độc một bộ quần áo. Khi muốn giặt quần áo, đành phải ngâm mình dưới suối, còn quần áo đem hong nắng, đợi khi nào khô mới lên mặc. Xà phòng không có, chấy rận thì hàng chùm như những chùm sung nối nhau vắt vẻo trên da thịt, quần áo, đầu tóc. Để giữ vệ sinh, các chiến sĩ cạo trọc đầu. Chính những cái đầu trọc ấy đã tạo thành “thương hiệu Tây Tiến” như cách gọi hiện đại ngày nay.
Có một kỷ niệm vui vẫn được các cụ chiến sĩ Tây Tiến ôn lại cho nhau mỗi dịp gặp mặt. Đó là một lần đang hong quần áo và ngâm mình dưới suối thì lính Tây ào tới hòng bắt sống họ tại trận. Lính Tây to khỏe, ôm từng chiến sĩ Tây Tiến trong tay, nhưng ai cũng trần truồng nên trơn tuột khỏi những “gọng kìm cơ bắp” lực lưỡng. Lính Tây lại thò tay chộp lên đầu thì lại hụt vì chiến sĩ Tây Tiến đầu ai cũng trọc, không có tóc để nắm. Thật đúng là “tóm thằng có tóc, ai tóm thằng trọc đầu”. Một đoàn quân tồng ngồng nối nhau chạy tuột vào rừng trước sự cay cú, bực tức và cũng đầy tức cười của lính Tây.

Bút tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Ảnh: K.M.S chụp lại

Tượng đài thi ca Tây Tiến

Khi kể cho nhà nghiên cứu Vũ Văn Sỹ (Viện Văn học) nghe về cuộc đời sáng tác văn nghệ, nhà thơ Quang Dũng đã chia sẻ: Bài thơ Tây Tiến ông làm khi về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III, tại làng Phù Lưu Chanh (năm 1948). “Tôi làm thơ rất nhanh, làm xong đọc trước đại hội, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt”.

“Lần thứ hai, tôi ngâm bài Tây Tiến ở Đại hội mừng công Liên khu 3. Sau đó tôi được góp ý là bài đó rất “tiểu tư sản”, không nên phổ biến. Gần 50 năm nay, tôi vẫn thấy nhiều người rất thích… Tôi cũng thế. Và tôi cứ ngẫm nghĩ mãi”.

Lê Vạn Thắng, (nguyên Đại đội trưởng xung kích Trung đoàn 52 Tây Tiến)

Nhân có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đại biểu nhà văn ở Việt Bắc, về dự, nhà thơ Quang Dũng liền gửi luôn ông Tưởng mang về tòa soạn. Bài thơ được nhà thơ Xuân Diệu cho in ngay ở Tạp chí Văn nghệ số 11 và 12 (tháng 4 - 5.1949).
“Hồi đó, tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả có chút lý luận gì về thơ cả. Dẫu sao bài thơ Tây Tiến có cái hào khí lãng mạn của một thời gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc. Từ Tây Tiến trở đi, tôi làm nhiều thơ hơn, các bài Đường mười hai, Ngược đường số 6, Đôi mắt người Sơn Tây...”, nhà thơ Quang Dũng kể.
Hồi tưởng những tháng ngày Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng nhớ ông đã xuất phát từ Sơn Tây. Lúc đầu đi bằng ô tô của các hãng ô tô nổi tiếng bấy giờ như hãng Con Thỏ, Trung Hà, Tư Đường, Mỹ Lâm... Theo đường số 6, họ qua Suối Rút lên TX.Hòa Bình vẫn đang tự do, chưa bị Pháp chiếm đóng. Từ Hòa Bình, đoàn hành quân bằng đôi chân. Họ bắt đầu thực sự nếm mùi Tây Tiến như lời kể của tác giả Tây Tiến: “Mở rừng, ăn rừng, ngủ rừng. Những cái dốc thăm thẳm “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những chiều “Oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu người”; rồi rải rác dọc biên cương những “nấm mồ viễn xứ”... tôi mô tả trong bài thơ Tây Tiến là rất thực...”.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã gọi Tây Tiến là một tượng đài thi ca. Ông đánh giá bài thơ này “đột khởi một đỉnh núi Tây Tiến trong thơ hiện đại Việt Nam mà mỗi câu chữ, mỗi dòng thơ vừa hằn vết chân hành quân vừa vút tiếng ca quân hành”.
Tây Tiến mau chóng được yêu thích và truyền tụng trong quân đội cũng như giới văn nghệ. Thế rồi, bài thơ bị lên án và xếp vào “chủ nghĩa cá nhân nhuộm màu tư sản sa đọa”. Tuy nhiên, năm 2001, nhà thơ Quang Dũng được Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, trong đó có bài thơ Tây Tiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.