Nhà văn Dạ Ngân tiết lộ khi viết văn, chồng phải… 'di tản'

14/01/2017 19:54 GMT+7

Ngày 14.1, NXB Phụ nữ và nhà văn Dạ Ngân tổ chức buổi giao lưu và ra mắt tác phẩm mới nhất Người yêu dấu và những chuyện khác của bà tại Đường sách TP.HCM.

Nhiều câu chuyện đã được nhà văn chia sẻ xung quanh quá trình “thai nghén” và cảm xúc bị dồn nén khi viết nên tác phẩm khiến độc giả rất cảm động, biết bao giọt nước mắt đã rơi…
Nếu ai đam mê và yêu thích văn chương thì tên tuổi Dạ Ngân không còn xa lạ gì. Bà tên thật là Lê Hồng Nga sinh ra ở Cần Thơ, từng là Trưởng ban Văn xuôi của tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN), tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng: Quãng đời ấm áp (1986), Con chó và vụ ly hôn (1989), Cõi nhà (1993), Dạ Ngân - tập truyện ngắn chọn lọc (1995), Lục bình mải miết, Nhìn từ phía khác (2002), Miệt vườn xa lắm (2003) Nước nguồn xuôi mãi (2007), Chưa phải ngày buồn nhất (2012)… Đặc biệt, tiểu thuyết Gia đình bé mọn của bà được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, được bạn bè thế giới đón nhận và lần này Dạ Ngân cũng không làm bạn đọc thất vọng với Người yêu dấu và những chuyện khác.
Nhà văn Dạ Ngân tiết lộ khi viết văn, chồng phải… “di tản” 3
Tác phẩm Người yêu dấu và những chuyện khác của Dạ Ngân Ảnh: Quỳnh Trân
Nhà văn Dạ Ngân cho biết: “Hai năm nay tôi đang lỡ dở 5 bản thảo nhưng quyết định vẫn chưa in để dành tâm trí cho bản thảo “đặc biệt” đã hứa với NXB Phụ nữ. Có lần viết xong 6 chương rồi nhưng chưa ưng ý lắm phải đứt ruột vứt bỏ. Ông xã tôi (nhà văn Nguyễn Quang Thân - PV) lại bị bệnh huyết áp cao nên hễ có việc gì là ông lên máu nên để đỡ căng thẳng, mỗi khi viết văn tôi hay động viên chồng đi chơi xa, có khi tận ở Vũng Tàu. Nhờ mê facebook, có thể cầm điện thoại lướt mạng 5 tiếng một ngày nên ông cũng vui vẻ... ''di tản'' để tôi yên tĩnh cầm bút. Ngay cả cháu ngoại và con gái tôi cũng không được bén mảng vào phòng. Nhờ vậy mà cuốn sách tôi viết xong trong vòng 6 - 7 tháng, chỉ trễ hẹn 5 ngày so với yêu cầu”.
Theo nhà văn Dạ Ngân, mở đầu tác phẩm là truyện dài Người yêu dấu tương đương độ nén của một tiểu thuyết, lấy phông nền là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Ở đó không có bóng dáng nào của Dạ Ngân mà khởi nguồn từ một cô giáo vô danh. Tư liệu để cho tác phẩm này ra đời là kết quả của 4 lần bà hành quân cùng bộ đội sang đất bạn Campuchia, cùng ăn cùng ngủ với bộ đội để tìm hiểu thực tế. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, nơi khắc nghiệt của chiến tranh bà nhận ra chính là mảnh đất tươi rói để tình người ươm mình và trỗi dậy. Bà kể: “Khi xong việc, tôi chuẩn bị về nước thì 3 đại đội cử 3 cán bộ trẻ tiễn đoàn. Tối hôm ấy chúng tôi hát rất nhiều những ca khúc Bolero, trong đó có đoạn: Tiếc chỉ một đêm. Chỉ còn gần em một giây phút thôi. Một giây nữa thôi là xa nhau rồi... Biết chi một đêm tha thiết chi một đêm rồi xa nhau ngàn trùng. Cảm động vô cùng. Sau này nghe tin cả ba đồng chí ấy đều hi sinh tôi lặng người như người thân mất đi. Mỗi lúc kể câu chuyện này bất cứ ở đâu là tôi lại không cầm được nước mắt”. Bà nghẹn ngào…
Và hình ảnh những người lính ấy trở thành niềm cảm xúc vô bờ để cho Người yêu dấu và những chuyện khác của nhà văn Dạ Ngân ra đời, mà nói như người dẫn chuyện, nữ nhà văn Hòa Bình tại buổi ra mắt sách: “Đọc tác phẩm tôi cũng đã nhiều lần lén lau vội dòng nước mắt của mình lại để mạnh mẽ và có lẽ nền văn học VN sẽ ghi dấu ấn về tác phẩm này của bà”.
Còn nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: “Khi đọc Người yêu dấu và những chuyện khác của Dạ Ngân, thiết nghĩ chỉ có sự trải nghiệm và đồng cảm sâu sắc mới có thể cảm hội được tác phẩm đến từng câu chữ, run bật từng câu chữ. Độc giả sẽ nhận ra một chiều kích tâm linh trong tác phẩm mới này của nhà văn. Và đây là ký ức hướng thiện, ký ức về những con người tử tế...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.