Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Độc nhất, độc bản

26/05/2020 15:29 GMT+7

Tôi dám chắc, từ trước tới nay và mãi về sau, không thể tìm ra một người nào có thể nói là từa tựa nhà văn Nguyễn Chí Trung.

Dĩ nhiên, “mỗi người là một người” như Văn Cao đã nói, nhưng có những người mà ta vẫn có thể xếp chung vào một đội ngũ nào đó, chí ít, chung một nhóm nhỏ nào đó. Vì họ hòa hợp và có những nét tương đồng với các thành viên khác. Riêng Nguyễn Chí Trung thì quả thật, không biết xếp ông vào đâu cho phải. Không thể xếp chung với bất cứ ai. Đây tôi không nói vì tài năng, vì cá tính, vì sự độc đáo hay gì cả, tôi chỉ nói: “Nhà văn Nguyễn Chí Trung là độc nhất, độc bản”. Gay thật đấy!
Ai cũng biết, ông Nguyễn Chí Trung tham gia cách mạng từ năm 1945, vào bộ đội ngay sau đó, và ở trong quân ngũ cho tới khi qua đời ở tuổi 87. Đó là một quân nhân toàn tòng, một người lính gần như suốt đời mặc áo lính. Cứ như thế, có thể nghĩ ông Nguyễn Chí Trung là một quân nhân mẫu mực, luôn tuân lệnh cấp trên, luôn tuân thủ kỷ luật quân đội, và là người “cấp trên bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, bảo thắng là thắng”.
Hóa ra, ông Trung mới nhìn thì như vậy, mà lại không phải vậy. Ông Trung đúng là đã đánh và thắng rất nhiều trận trong cuộc đời mình, nhưng ông không hề là người chỉ huy hay lính chính danh. Ông luôn giữ một “vai phụ” nào đó, có khi là phóng viên chiến trường, có khi là “báo cáo viên” hay “thanh sát mặt trận” gì đó, để rồi đột ngột, trong tình cảnh nguy nan của trận đánh, ông tự nhiên trở thành người chỉ huy trực tiếp, lao lên tuyến đầu, và như nhà thơ Thân Như Thơ, người từng đi mặt trận với ông Nguyễn Chí Trung, kể lại: “Trong trận Ba Gia năm 1965, khi đồng chí chỉ huy một mũi tấn công ngã xuống, Nguyễn Chí Trung lúc đó là phóng viên báo Quân Giải phóng Khu 5 đã đứng ra chỉ huy bộ đội tiếp tục đánh”.
“Một lúc khác, ông Trung trong trận Thượng Đức năm 1974, vào hồi căng thẳng quá, địch phản ứng quyết liệt, bộ đội không phát triển được, ông Nguyễn Chí Trung đã bò đến tiểu đoàn đầu cầu. Ông nghiên cứu trận địa và phát hiện ra: Sở dĩ địch khống chế ta vì có hai lỗ châu mai ở trước đồn địch rất kiên cố. B40 của ta không thể tiêu diệt được chúng. Ông bàn với đồng chí tiểu đoàn trưởng cho hai chiến sĩ bò lên, thảy lựu đạn vào lỗ châu mai. Khi họng súng của địch bị tắt, bộ đội ào lên…”.
Tôi nhắc lại vài chuyện tôi đọc được về ông Trung. Từ vai phụ ông đột ngột trở thành vai chính. Từ một chức danh ít ai để ý, ông đột ngột trở thành người quyết định một trận đánh. Đây không phải chuyện đổi vai trong kịch hay trong phim, mà trong những cuộc chiến đấu sinh tử. Đó là điều thật kỳ lạ.
Nhưng có chuyện này, tôi nghe từ bà con xóm Mù U ở Mộ Đức quê tôi kể lại, vào “Mùa hè đỏ lửa” của năm 1972 căng thẳng ấy, ông Nguyễn Chí Trung lại về xóm Mù U, nơi có một căn cứ quân Sài Gòn đóng trên đồi Ông Đọ. Căn cứ này chơi độc, bằng cách bắt dân làng vào ấp chiến lược ở bao chắn quanh căn cứ làm “lá chắn sống”, và họ gài mìn ở vòng rào kẽm gai phía ngoài, phòng Việt Cộng bò vào. Hằng ngày, bà con trong “ấp” có nhu cầu “xả thải” không biết đi đâu, lại sợ vướng mìn, nên họ chọn những chỗ chắc ăn không gài mìn, để… ị. Khi phân của dân còn tươi rói, nghĩa là quân Sài Gòn chưa tới những chỗ ấy để gài mìn, sợ vướng “mìn” của dân.
Ông Nguyễn Chí Trung cả đời thân yêu dân, không sợ dân, nên ông kêu anh xã đội trưởng cùng ông bò vào căn cứ địch để trinh sát. Anh xã đội sợ, không dám bò trước. Ông bảo cứ bò theo sau ông, thấy chỗ nào có phân người còn tươi thì bò qua, bảo đảm không có mìn. Đúng thế thật. Cứ “đạp… cứt mà đi, mở đường mà tiến” như thế, khi bò qua những “bãi mìn của dân”, dù không có tiếng nổ nào, nhưng mùi thì ngát bay khó thở. Mặc, ông Trung cứ bò tới. Và ông dẫn anh xã đội bò vào tận sào huyệt địch để điều nghiên, chuẩn bị cho trận đánh của bộ đội sắp tới. Lần đó, cũng như bao lần khác, ông Nguyễn Chí Trung đến với trận đánh mà không hề có một chức danh gì rõ rệt. Ông lại là “phóng viên” hay “báo cáo viên” gì đó, nhưng trên thực địa, ông vừa là người lính trinh sát quả cảm vừa là người chỉ huy quyết đoán. Chẳng ai giao cho ông nhiệm vụ ấy, tự ông nghĩ ra, và tự ông làm.
Lần đầu tiên mới gặp tôi ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, chẳng biết ông Trung nghĩ gì, nhưng ông có vẻ thích tôi. Là “anh em ngoài xã hội” gặp nhau chăng? Tôi không biết. Nhưng ông Trung, lúc ấy cùng nhà văn Nguyên Ngọc là hai lãnh đạo đoàn nhà văn miền Trung, đã âm thầm “chấm” tôi. Bằng cách cho tôi “bám càng” với đoàn trong chuyến lang thang từ Sài Gòn lên Đà Lạt, rồi xuống Phan Rang, ra Nha Trang, gặp Tuy Hòa, tới Qui Nhơn, để cuối cùng tôi được về quê mình Mộ Đức, Quảng Ngãi, sau 21 năm xa cách. Đó là cái ơn đầu tiên ông Trung cho tôi, ơn dù nhỏ, nhưng tôi nhớ. Vì lúc đó tôi đang ở trong hoàn cảnh không thuận lợi lắm.
Khi tôi trở ra Hà Nội, đi an dưỡng, rồi lang thang cơ nhỡ, tôi cũng chưa một lần nghĩ hay là mình xin về Trại sáng tác Quân khu Năm của ông Trung xem sao. Có thể tôi không dám nghĩ đến, vì lúc đó mình chỉ là “nhà thơ chẻ (trẻ)”, chẳng biết người ta có nhận mình không? Nói vậy, chứ tôi cũng chả nghĩ gì, cứ bèo dạt mây trôi vậy thôi.
Thế mà vào lúc không biết mình sẽ “dạt vòm” về đâu, thì đột nhiên tôi nhận được công văn từ ông Nguyễn Chí Trung gửi Tổng Cục Chính trị xin tôi về Trại sáng tác Quân khu Năm. Tôi cứ như chết đuối vớ được cọc, mừng hết lớn, vội thu dọn vài bộ quân phục với cái ba lô cũ, nhảy tàu về Đà Nẵng.
Tôi mang ơn ông Nguyễn Chí Trung vì cái công văn xin tôi về Trại, nếu không, tôi cứ lang thang ở Hà Nội, rồi không biết làm thế nào để có thể viết được cái trường ca ấp ủ từ trong chiến tranh, sau này mang tên Những người đi tới biển. Và nếu không có được trường ca ấy, cộng với tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ viết ở chiến trường cũng được in ngay khi ở Trại Quân khu Năm, thì làm sao tôi có được bao nhiêu tác phẩm sau này? Nói thật, ông Nguyễn Chí Trung đã cứu cho cả sự nghiệp sáng tác văn học của tôi. Đó là cái ơn không bao giờ tôi quên được. Dù những năm ở Trại sáng tác của ông Trung, tôi đã nghịch ngợm quấy quả ông không ít, nhưng ông Trung có vẻ như bỏ qua, không tính đến. Cái ông tính, là tôi viết được cái gì và viết ra sao. Về khoản đó, tôi đã không phụ lòng vị tha của ông Trung. Ngày còn trẻ, tôi rất ham chơi, ham vui, lại được rèn luyện khoản “nhậu” với bạn bè tới bến ở chiến trường Nam bộ, nên khi về Trại khu Năm, tôi đã phát huy rất tốt lợi thế này và khiến ông Trung phải nhiều lúc buồn lòng. Mãi sau này tôi mới ân hận, chứ hồi trẻ đó thì không. Còn nhớ, khi tôi bị tai nạn rất nặng phải nằm Viện quân y 17, ông Nguyễn Chí Trung vào thăm tôi và ông đã khóc òa lên. Tôi cảm động quá, dường như lúc đó, tôi bắt đầu biết ân hận. Và biết ai là người thực sự thương yêu mình.
Nhớ có một lần tôi với nhà văn Thái Bá Lợi cùng ông Nguyễn Chí Trung đi công tác Tây nguyên. Lúc về tới quê tôi Mộ Đức thì đã 9 giờ đêm. Ông Trung nói tôi dẫn ông về nhà thầy má tôi để ông thăm các cụ. Tôi vui lắm, dẫn thủ trưởng của mình về “ra mắt” thầy má tôi. Các cụ quá mừng, cứ chạy lăng xăng chỗ này chỗ khác, kiếm xem có gì đãi cho đoàn. Thầy tôi tìm được một buồng chuối mới chặt, chuối vừa chín bói. Thầy má tôi tặng ngay cho ông Nguyễn Chí Trung, thủ trưởng của tôi, để anh em mang về Đà Nẵng ăn lấy thảo. Ông Trung vác buồng chuối với vẻ tươi vui lắm. Từ nhà tôi ra đường cái, chỗ xe đỗ khoảng hơn 200m. Ông Trung không cho ai vác, tự ông vác buồng chuối được tặng ra xe. Chi tiết ấy, tôi bảo đảm không thủ trưởng nào có được. Chỉ một người lính suốt đời trận mạc mới có cách ứng xử đẹp đẽ này.
Tôi lại nhớ, cách đây đã nhiều năm, có lần tôi ra Hà Nội và được tin ông Nguyễn Chí Trung bị ốm nặng đang nằm ở Bệnh viện 108. Tôi lập tức vào thăm. Đúng là ông Trung bị bệnh nặng thật. Nhưng gặp tôi, ông mừng và nói thật nhiều. Tôi nghe những lời tâm sự của ông Trung giống những lời trăn trối. Hay ông nghĩ mình không qua khỏi lần này? Những chuyện ông Trung nói với tôi, hồi đó có vẻ là những chuyện “mật” của một dạng “cung đình” nào đó. Tôi không quá quan tâm những chuyện cung đình, nhưng rất ngạc nhiên khi nghe từ chính ông Trung những chuyện này. Sau lần đó, ông Trung tự nhiên… khỏi bệnh. Và ông còn sống thêm nhiều năm nữa. Nhưng những chuyện ông Trung nói với tôi khiến tôi hiểu thêm ông, một người chính trực, với lý tưởng không phải phò vua, mà phò chân lý. Đó là cách hiến mình vô tư cho chân lý mà không đòi hỏi bất cứ ưu quyền nào. Hóa ra, ông Trung không hề đơn giản.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung, như anh em nói “ở gần thì bực, đi xa lại nhớ”, nay đã đi xa trần thế khá nhiều năm rồi. Tôi là người sống chậm, nghĩ chậm, mà cuộc đời lại trôi qua nhanh. Mãi gần đây, tôi mới tự nhiên nghĩ ra, mình phải làm cái gì đó để tưởng nhớ người thủ trưởng mà tôi ít khi nghĩ là thủ trưởng, đúng hơn, tưởng nhớ người anh mà mình biết ơn và thương yêu. Cả cuộc đời ông Nguyễn Chí Trung hiến trọn cho đất nước, cho nhân dân. Ông không vợ không con, không gia đình. Khi quân đội cấp cho ông một cái nhà ở Sài Gòn, cũng có người toan cướp của ông. Lần đó, quá bức xúc, tôi đã viết cho Báo Thanh Niên thời ông Nguyễn Công Khế làm Tổng biên tập một tiểu phẩm Nhà chiếm văn, văn chiếm nhà, một tiểu phẩm hài hước thôi, nhưng đau. Ông Trung khi biết được, đã can tôi đừng đăng. Ông không muốn chuyện có nhiều người biết. Thực ra, ông cũng rất ít khi ở ngôi nhà ấy. Người ta có lòng cấp, thì nhận, thế thôi.
Năm nay, vào dịp giỗ ông Nguyễn Chí Trung, tôi xin phép được tổ chức một lễ giỗ nhỏ, giỗ vọng người mà tôi coi như anh ruột, ở ngay nhà tôi. May quá, ngày giỗ ông Trung chỉ cách ngày giỗ thầy tôi có mấy ngày. Lần này, tôi muốn được mời vài người bạn thân thiết vừa là đồng đội và là bạn văn với ông Trung, lại mời cháu Mai Anh, người thư ký tận tụy đã chăm sóc cho ông Trung như cho ông ngoại mình những năm tháng cực nhọc cuối đời.
Tôi luôn nghĩ chậm, quyết định chậm, mà cuộc đời lại trôi nhanh. Xin những người được tôi mời hãy giúp tôi, tụ về cùng nhau trong ngày tưởng nhớ một con người. Không phải theo kiểu quảng cáo có “1-0-2” của mì ăn liền, mà như tình anh em thân thiết vì đã yêu thương một con người “độc nhất, độc bản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.