Nhạc giao hưởng đã xuống phố còn hát bội thì sao?

21/11/2018 20:34 GMT+7

Ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn về văn hóa, giải trí khiến khán giả xao lãng với nghệ thuật truyền thống, cổ điển, đặc biệt là khán giả trẻ.

Nhạc giao hưởng và hát bội đều là những loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời. Nhạc giao hưởng có lịch sử hình thành từ thập niên 1730. Hát bội lại có xuất xừ từ khoảng năm 1288. Hai môn nghệ thuật này đều được đánh giá là khó thưởng thức hơn nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Để tới gần với khán giả món ăn tinh thần sang trọng, trước đây chỉ biểu diễn trên sân khấu lớn, kén người nghe như nhạc giao hưởng đã liên tiếp xuống đường biểu diễn trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dàn nhạc London Symphony Orchestra (LSO) trình diễn tại phố đi bộ Hà Nội VNA
Khán giả Hà Nội hưởng ứng nhiệt tình buổi biểu diễn VNA
Điều này đã góp phần quan trọng củng cố vị thế của dòng nhạc này trong lòng người yêu nhạc. Một môn nghệ thuật tưởng chừng hơi xa cách nay lại ở thật gần, tới cả với những người không đủ điều kiện để mua vé vào nhà hát. Cũng là cho tất cả khán thính giả một cơ hội để quyết định mình có muốn tiếp cận môn nghệ thuật này hay không, đặc biệt là những khán giả trẻ luôn muốn tìm hiểu và khám phá.

Hát bội là môn nghệ thuật biểu diễn có truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Chung số phận với nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác, những năm qua hát bội cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người xem. Nhưng từ năm 2016 đến nay Nhà hát nghệ thuật hát bội đã có nhiều bước tiến mới trong việc tiếp cận khán giả. Kịch bản được xây dựng lại, Việt hóa nhiều hơn, ít dùng Hán ngữ. 

[VIDEO] Hát bội vật lộn tìm đường đến với khán giả
Thực hiện: Thùy Dương - Vũ Dương

NSƯT Hữu Danh (Nhà hát nghệ thuật hát bội) chia sẻ: "Khoảng chừng vài năm nay nhà hát đang xây dựng lại tất cả các tác phẩm, định hướng lại để cho nó phát triển thì đến năm nay đã khởi sắc lại. Giới trẻ có người xem. Khoảng chừng 6 - 7 năm trước tôi đã viết tuồng định hướng lại rồi tại vì tuồng hát bội viết chữ Hán nhiều quá, khán giả không hiểu được. Khi tôi cầm bút viết, tôi Việt ngữ hóa hết để khán giả hiểu mình đang nói cái gì. Khán giả bắt đầu từ từ đến với hát bội. Thực sự viết lại Việt ngữ bị phản ánh nhiều lắm. Tiền nhân, mấy người đi trước nói phá phong cách của hát bội nhưng mà phải chấp nhận điều đó nếu không hát bội sẽ mai một. Đến nay trình độ khán giả nó vượt lên một bậc rồi, người ta am hiểu nhiều hơn, nền giáo dục càng ngày càng phát triển nên đòi hỏi của khán giả coi không dài như xưa nữa. Xưa coi 3 tiếng, 4 tiếng, ngồi hoài bây giờ coi 1 tiếng rưỡi là người ta đã ngán ngẩm rồi. Thậm chí có người coi 1 tiếng đã bỏ ra rồi thì trước tiên mình phải viết làm sao cho gọn, cô đọng được chuyện xã hội lại thành một sự kiện nào đó để khán giả hiểu được". 

NSƯT Hữu Danh Vũ Dương
NSƯT Hữu Danh dàn dựng tác phẩm mới Vũ Dương

Nhằm nhắc nhớ và tiếp cận nhiều hơn với khán giả, Nhà hát nghệ thuật hát bội đã chủ động diễn nhiều suất miễn phí ở nơi công cộng trên địa bàn TP.HCM như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, quận 12, phố đi bộ Bùi Viện... Mỗi tháng nhà hát diễn từ 6 - 8 suất như vậy. Riêng phố đi bộ Bùi Viện, công viên 23 tháng 9 nhà hát duy trì diễn mỗi tháng một lần, tuy nhiên không cố định ngày diễn. Với cách làm này, nghệ thuật hát bội đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều tầng lớp nhân dân với đủ các lứa tuổi, trình độ khác nhau. 

Nhà hát nghệ thuật hát bội biểu diễn tại Lăng Ông Bà Chiểu Vũ Dương

Bên cạnh đó còn có một nhóm những người trẻ đã cùng làm một dự án nghệ thuật phi lợi nhuận với hi vọng truyền cảm hứng mới về nghệ thuật Hát bội truyền thống của Việt Nam mang tên "Vẽ về hát bội". Đây là tín hiệu đáng mừng cho tương lai của môn nghệ thuật này.

Dự án "Vẽ về hát bội" Facebook Vẽ về hát bội
Hình vẽ trong dự án "Vẽ về hát bội" Facebook Vẽ về hát bội
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.