Nhưng từ những tiểu cảnh ngỡ như tầm thường ấy, chính Schulz lại là người tìm thấy kẽ nứt ma thuật để cái kỳ ảo tràn vào cuộc sống thường nhật, khuấy lên lớp bụi vàng thần tiên từ một thực tại ám bụi.
Thị trấn "bị lãng quên" đó là Drohobycz (nay thuộc miền tây Ukraine), nơi nhà văn Bruno Schulz sinh ra và lớn lên. Chỉ trong vòng hơn 150 năm, Drohobycz lần lượt thuộc về Đế chế Áo - Hung, Cộng hòa nhân dân tây Ukraine, rồi có lúc lại bị Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan, Liên Xô và Đệ tam Đế chế Đức kiểm soát. Sống trong bối cảnh nhiều biến động đã ảnh hưởng đến thế giới quan của nhà văn: Đối với Schulz, hiện thực luôn biến ảo, chỉ có thuở ấu thơ là vĩnh hằng.
Tập truyện ngắn Dưỡng đường đồng hồ cát gồm 13 câu chuyện nhỏ, là một trong 2 tác phẩm ít ỏi mà Bruno Schulz để lại cho hậu thế, bên cạnh Những hiệu quế (được dịch và phát hành tại VN bởi FORMApubli).
Câu chuyện về cuộc đời Bruno Schulz cho thấy số phận một nhà văn trong Thế chiến 2 có thể mong manh và đầy bất trắc như thế nào. Là người Ba Lan gốc Do Thái, sinh thời, Bruno Schulz làm thầy giáo dạy vẽ tại trường học nhưng không mấy hạnh phúc với công việc. Khi Đức quốc xã dồn cộng đồng Do Thái ở Drohobycz vào các khu ổ chuột, ông tiếp tục sống lay lắt nhờ công việc vẽ tranh minh họa. Ngày 19.11.1942, ông bị một viên sĩ quan Gestapo (lực lượng cảnh sát mật của Đức quốc xã) sát hại trên phố, trong một ngày được gọi là "Thứ Năm đen tối" khi hàng trăm người Do Thái đổ máu do xung đột bùng nổ giữa hai bên.
Số phận các tác phẩm của Schulz cũng truân chuyên không kém cuộc đời "cha đẻ". Ngoài 2 tập truyện ngắn nói trên, bản thảo dang dở của tiểu thuyết Đấng cứu thế (Messiah) của ông vẫn thất lạc. Số phận bản thảo này, cũng như bản thân sự tồn tại của nó, là một trong những bí ẩn lớn nhất nền văn học Ba Lan.
Cả bức tranh tường mà Schulz từng vẽ theo đơn đặt hàng, được phát hiện vào năm 2001 tại một ngôi nhà ở Drohobycz, sau đó cũng bị đánh cắp đưa về trưng bày ở Bảo tàng Yad Vashem, làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc ai có quyền sở hữu đối với các tác phẩm của nhà văn.
Một hiện thực mê hoặc
Hầu hết truyện ngắn của Bruno Schulz đều xoay quanh tuổi thơ người kể chuyện, với ông bố Jakub lập dị, cô hầu Adela đỏng đảnh, và người mẹ chưa bao giờ được nhắc tên nhưng vẫn luôn ở đó chứng kiến những thăng trầm của cửa hàng bán vải gia đình. Tuy nhiên, không thể hiểu các câu chuyện này theo kết cấu "truyện ngắn" thông thường với đầy đủ dạo đầu, cao trào, mà giống như một nỗ lực của tác giả để phục dựng lại ấn tượng về cảnh vật, con người trong thiên đường tuổi thơ không thể vãn hồi, để thấu hiểu hơn về thế giới ấy qua hàng loạt hình tượng lấy cảm hứng từ các huyền thoại cổ: "Quyển sách kỳ diệu" mà nhân vật chính tình cờ phát hiện, đọc mê mải, nhưng lỡ đánh mất và không tài nào tìm lại được; hoặc qua hình tượng người bố đã mất liên tục trở lại trần thế dưới hình dạng một con cua, có khi là con côn trùng… Viết về cuộc chạm ngõ hội họa, Schulz dành hẳn một câu chuyện tên "Thuở thiên tài", khi niềm đam mê vẽ vời đến với người kể chuyện như một sự "mặc khải" nghệ thuật.
Trong thế giới ấy dường như không tồn tại khái niệm thời gian, khước từ cả logic thông thường. Trong đôi ba câu chuyện, nhân vật chính giờ đã là người lớn, đi đến nơi gọi là Dưỡng đường đồng hồ cát viếng thăm ông bố đang kẹt trong vòng lặp giữa sự sống và cái chết, gợi cho ta nhớ những hành trình đến âm giới trong thần thoại Hy Lạp.
Có thể hiểu toàn bộ văn chương của Bruno Schulz là một sự huyền thoại hóa, cách điệu hóa các chi tiết trong cuộc đời ông, hơn là một bản tự thuật chính xác. Thậm chí, trong một bức thư gửi bạn, Bruno Schulz viết: "Mục tiêu lý tưởng của tôi là trưởng thành để đạt đến thời ấu thơ". Nhưng mục đích tối hậu của nghệ thuật chẳng phải là tìm kiếm những đỉnh cao của cái đẹp, mở ra những lối diễn đạt mới đó sao?
Văn chương Schulz còn đặc sắc nhờ tài vận dụng phép so sánh, liên tưởng để mở ra cho người đọc những cách nhìn mới về thực tại. Chỉ với một cái giường, ông miêu tả thật "đắt": "Cái giường bề bộn trong căn phòng nhỏ giờ đây như một chiếc thuyền đang chờ để đưa cô đến những hồ nước mặn đen ngòm của giấc ngủ, vào trong thế giới đầy phức tạp của các giấc mơ". Đôi khi ông để mặc cho các ấn tượng thị giác lấn át cốt truyện bằng cách dành cả một chương chỉ để tán thưởng không khí diệu kỳ của một đêm tháng bảy, hoặc mải mê miêu tả các sắc thái khác nhau của bầu trời: xám xịt trước một cơn bão hay sáng rực vào một ngày hè…
Chính nhờ trí tưởng tượng phong phú và óc quan sát sắc sảo khiến tác phẩm của Schulz trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cây bút như Phillip Roth, John Updike, Susan Sontag, Olga Tokarczuk... Hai tập truyện ngắn đều được phóng tác thành phim, đó là phim ngắn Phố cá sấu của anh em nhà Quay, hay bộ phim Dưỡng đường đồng hồ cát của đạo diễn Wojciech Has, đều là những sản phẩm điện ảnh đậm tính nghệ thuật.
Dù khó có thể xem các tác phẩm của Bruno Schulz thuộc dòng chảy "văn chương lớn", tức dòng văn chương kể các câu chuyện vĩ mô, dung lượng đồ sộ, hàm chứa những triết thuyết vĩ đại, nhưng đó là thứ văn chương độc đáo và riêng tư, chuyên tâm tái tạo những vẻ đẹp đã mất, đưa người đọc đến nơi mà ranh giới giữa thực và mộng dường như không còn tồn tại.
Bình luận (0)