Gọi là đặc biệt bởi với Lặng yên dưới vực sâu thì đã là tiểu thuyết gây đậm dấu ấn của chị, và được đạo diễn Đào Duy Phúc dựng thành phim truyền hình dài 32 tập vào năm 2017. Riêng tập truyện ngắn Hoa xuân trong gió xuân gồm những tác phẩm đa phần chưa từng đăng báo, và trong 19 truyện có những truyện chị viết về Hà Nội.
Phong vị tinh tế
Đỗ Bích Thúy hiện mang quân hàm thượng tá và công tác ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Có lẽ nhắc đến chị, độc giả lẫn người yêu thích điện ảnh không thể không nhớ đến tác phẩm Tiếng đàn môi sau bờ rào đá sau này được dựng thành bộ phim điện ảnh Chuyện của Pao giành giải Cánh diều vàng năm 2005. Có thể nói chính từ tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, một miền biên viễn trùng điệp núi rừng Hà Giang như đến gần công chúng hơn. Văn chương của chị luôn gắn bó với vùng đất đã sinh ra và nuôi nấng chị, cho chị một miền nhớ thương kiệt cùng để từ đó hóa thành câu chữ mê mị người đọc. Kỳ thực, suốt hành trình văn chương của chị, những cảnh đẹp của Hà Giang như hiện lên rõ mồn một qua từng tác phẩm, dẫu đó là tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn. Bạt ngàn màu xanh, lồng lộng gió núi, và rộn ràng lễ hội. Độc giả cảm nhận một Đỗ Bích Thúy tận tụy với chính quê hương, bản làng và con người đất này.
Tuy vậy, văn chương Đỗ Bích Thúy lại ghim vào lòng bạn đọc một nỗi buồn sâu hoắm về thân phận người phụ nữ giữa hun hút núi rừng và những tục xưa nếp cũ của những tộc người đang sinh sống trên rẻo cao này. Cho đến giờ chắc ít ai viết về núi rừng vùng Tây Bắc mà đẹp buồn như chị. Trên cái phong cảnh đẹp đầy quyến dụ là nỗi buồn lộng lẫy. Thân phận người phụ nữ trong cuộc sống của dân tộc Dao, Tày, H'Mông khiến người đọc cứ thao thiết lòng dạ, dẫu đã gấp trang sách cuối lại.
Với phiên bản phát hành lần này, Lặng yên dưới vực sâu được chăm chút kỹ lưỡng, bắt mắt qua phần phụ trách mỹ thuật và minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương. Câu chuyện của những phận đời bị đánh cắp giữa lồng lộng núi rừng như vẫn còn ám gợi trong tâm trí độc giả. Súa, Phống, Vừ và cả đứa con đều mang đến người đọc cảm xúc mãnh liệt của thương và đau. Điểm đặc biệt của lần tái bản này, Đỗ Bích Thúy đã cho in thêm những nhận xét của độc giả về tiểu thuyết cũng như những hình ảnh của đoàn làm phim khi đến với Hà Giang thực hiện bộ phim truyền hình Lặng yên dưới vực sâu. Giấy sang mịn, mỹ thuật đẹp cộng với tư liệu quý đã khiến tiểu thuyết trong lần quay lại này càng thu hút độc giả, chứng tỏ sự tinh tế của Đỗ Bích Thúy khi biết làm mới một đầu sách cũ.
Nỗi đàn bà sâu kiệt cùng
Khi đọc đến truyện ngắn cuối trong tập truyện Hoa xuân trong gió xuân, tôi hồ nghi không biết Đỗ Bích Thúy có dụng ý gì khi sắp xếp tuần tự các truyện ngắn trong tác phẩm hay không? Bởi như một sự dẫn dắt của cảm xúc, từ truyện ngắn đầu tiên làm tựa sách cho đến truyện cuối mang tên Đàn bà đẹp là một Đỗ Bích Thúy đi từ chi tiết nhỏ làm nên chiêm nghiệm lớn trong câu chuyện gia đình, tình yêu đầy trúc trắc, bất ổn. Rồi lần lượt đi qua bi ai, hoan lạc để chạm ngõ bình an và thanh thản với thân phận phụ nữ trong cõi người mông mênh. Dường như mọi đau đớn của các nhân vật đều là cái đẹp, mà hễ đẹp thì luôn mang sẵn một định mệnh buồn. Cái buồn nó len sâu vào từng ngóc ngách để kiến tạo nên sự đau đáu dội ngược vào độc giả. Đôi khi chỉ một khắc giây hạnh ngộ được tình yêu mà người ta mất cả quãng đường trần để soi chiếu; tin chắc người đọc sẽ thích thú Người yêu ơi ở cái kết đầy sự thấu cảm của đôi vợ chồng trẻ.
Đỗ Bích Thúy còn khiến độc giả phải thán phục trước tài quan sát và kể chuyện của chị trong mảng đề tài phố thị. Những ngõ nhỏ với muôn dạng hình người hiện ra bằng các câu chuyện tiểu tiết nén mở liên hồi. Tựa thể chị ngồi ngay một con ngõ nào đó, nhẩn nha bên tách chè nóng và thủ thỉ những vụn vặt của người thủ đô. Lật qua và rồi lật lại, câu chuyện của chị luôn khiến người ta bất ngờ. Để rồi phát hiện ra truyện hay đời, kỳ thực vẫn là một quãng sống mà ở đó lòng nhân ngời sáng sẽ giúp đường trần bằng an. Truyện ngắn Chiếc hộp khảm trai là một truyện ngắn thể hiện đầy đủ lối viết dụng tâm dựng chuyện của chị.
Nỗi đời phụ nữ trong truyện Đỗ Bích Thúy luôn được đẩy đến kiệt cùng để từ đó chính họ phải chọn lấy con đường sống của mình trong hành trình đi hết cõi phù vân này. Đi như thế nào, sống ra sao, không ai khác, chính người phụ nữ phải tự chọn lựa. Một lần nữa, tính nữ trong văn chương Đỗ Bích Thúy khẳng định một màu sắc văn chương đặc biệt của chị. Dù là ở không gian núi rừng Tây Bắc hay ngõ ngách phố thị, người phụ nữ vẫn luôn đại diện cho nỗi buồn, và hơn hết là cái đẹp.
Bình luận (0)