- Quai!
- Cái gì? Oai hả?
- Tên Quai. Quai nón đó! Bộ ông thấy lạ lắm hả?
- Ừ, lạ. Hết tên hay sao lại đặt là Quai hả trời?
- Thì ai biết! Cha mẹ đặt chứ tôi có tự đặt đâu! - Nó nói rồi cười để lộ hàm răng trắng như ruột dừa trên khuôn mặt ngăm đen.
Ngoài cái tên khó nghe, thằng Quai thực sự là một đứa đẹp trai, cao phải đến trên mét bảy lăm, thân hình cân đối, mặt mũi nét nào ra nét đó. Đẹp, nhưng việc làm cũng giống tôi, chỉ là dân làm thuê, coi việc nuôi cá bớp ở các lồng bè trong vịnh biển nằm dưới chân một hòn đảo nhỏ có tên là Hòn Trâu Nằm.
Nó từ Đắk Lắk xuống, còn tôi ở Bình Định vào. Khu vực đặt lồng bè của ông Tám Nhân (chủ tôi) nằm cách lồng bè của ông Sáu Thành (chủ nó) chưa tới 20 mét. Nuôi cá trên biển là cái nghề buồn nhất trần đời, ngày đêm, ngoài việc cho cá ăn, kiểm tra cá có bị bệnh gì không, rồi canh gác, đề phòng kẻ gian… gần như tôi chỉ đi ra đi vào cái chòi nhỏ đặt trên bè. Coi lồng cho ông Tám Nhân dạo đó cùng với tôi còn có chú Sáu Như, nhưng chú ít ở lại, mà hằng ngày từ đất liền, chú theo thuyền chở thức ăn ra cho cá rồi đến chiều lại trở về. Ông chủ thì thi thoảng ra kiểm tra thôi, còn mọi việc đều chỉ đạo qua điện thoại. Ở lồng bè do thằng Quai trông coi cũng vậy. Đêm chỉ có mình nó ở lại. Vắng và buồn nên sau mấy ngày đầu ra đây, tôi và nó đã làm quen rồi thỉnh thoảng bằng chiếc thuyền nhỏ, lúc nó đến chỗ tôi chơi, lúc tôi qua chỗ nó. Quen rồi thân, và hai đứa chuyển sang xưng hô tao - mày. Tôi kể chuyện nhà mình và nó cũng vậy. Quai mồ côi cha từ bé, sống với mẹ, năm lên sáu, mẹ đi lấy chồng khác nên sống nhờ bà ngoại. Nhà nghèo, bà ngoại lại bệnh tật, nên khi mới đặt chân vào lớp 1 chỉ hơn tuần lễ, mới đánh vần được mấy chữ, Quai phải bỏ học, hằng ngày đi theo bọn nhỏ trong làng vào mấy cái rẫy gần đó, lượm hạt cà phê chín do chồn ăn thải ra, để cân ký, lấy tiền. Lớn thêm chút nữa, bà ngoại giục đi học, nhưng xấu hổ vì phải ngồi chung lớp với mấy đứa bé hơn mình nên nó trốn luôn. Năm Quai mười lăm tuổi, bà ngoại bị bệnh qua đời, mẹ và cha dượng khuyên về sống chung nhưng nó không chịu, chỉ thỉnh thoảng ghé thăm. Nó đi phụ hồ cho người ta để kiếm sống. Mấy năm sau do gây gổ với một thằng bạn, nó bỏ quê theo người ta đi đào vàng, song bị truy quét quá nên chán nản, lang thang xuống đồng bằng tìm việc và nhập vào đám làm thuê nuôi cá lồng bè.
Cá bớp có màu da xám đen, khi còn nhỏ, to bằng đầu đũa ăn, dài gần bằng ngón tay, nhưng nuôi một thời gian chúng lớn trông thấy. Thằng Quai thuộc loại có kinh nghiệm trong việc chăm sóc đàn cá. Nó khá thành thạo từ việc thay lưới bọc chung quanh cũng như sang cá khi đã lớn qua các lồng bè khác. Đặc biệt, nó khá giỏi trong việc bơi lội. Nhiều lúc nhìn nó ngoi lên hụp xuống dưới nước, tôi có cảm giác kiếp trước nó là một con rái cá. Có điều làm tôi khá ngạc nhiên là sau mấy tháng quen nhau, tôi mới biết thằng Quai tuy to cao, bảnh bao nhưng lại là đứa không biết chữ. Tôi nhớ, một buổi chiều, qua lồng bè của tôi chơi, ngồi trầm ngâm nhìn về chân trời phía tây anh ánh màu vàng, bất chợt nó hỏi tôi:
- Này Tân, hồi xưa mày học đến lớp mấy thì nghỉ?
- Lớp chín!
Ngồi một lát, nó lại hỏi:
- Mày dạy tao học chữ được không?
- Mày đùa hả?
- Sao lại đùa? Tao nói thiệt. Tao không biết chữ. Có lần tao đã kể cho mày nghe, mới vào lớp 1, tao đã nghỉ học còn gì…
- Nhưng tao thấy mày sử dụng điện thoại di động thành thạo lắm mà?
- Thì tao chỉ nghe thôi, không nhắn tin được! Có người gọi thì tao nghe. Với lại, trong máy của tao chỉ có mấy số thôi!
Trời ạ! Thoạt đầu, tôi bán tin, bán nghi. Nhưng đúng là thằng Quai không có ý gì khác. Đôi mắt hơi chớp chớp, nó nhìn mấy con cá đang lượn lờ dưới lồng bè, nói giọng buồn buồn:
- Không biết chữ xấu hổ lắm mày à! Mày dạy cho tao đi! Mỗi tháng tao sẽ trả tiền công cho mày!
- Tiền công quái gì! Nếu mày không biết chữ thật thì tao sẽ bày…
- Trả tiền công đường hoàng chứ! Mỗi tháng tao sẽ trả cho mày ba trăm ngàn, được không?
- Không tiền nong gì hết. Tao sẽ dạy…
Nói qua nói lại, cuối cùng, tôi đồng ý dạy chữ, còn chuyện tiền nong để Quai yên tâm, tôi bảo, cứ giữ đó tính sau.
Sau khi gửi tiền về đất liền nhờ người mua bút, vở và mấy cuốn sách lớp 1, lớp học một thầy, một trò trên lồng bè được bắt đầu. Thằng Quai thông minh và chăm học, tuy tôi chỉ tranh thủ bày cho nó vào những lúc rảnh nhưng chưa đầy ba tháng sau nó đã đọc được sách. Biết được chữ, thằng Quai tỏ ra sướng lắm. Có lần nó ôm tôi, bảo: "May quá, tao gặp được mày". Nói rồi nó kể, ở trên Đắk Lắk, gần nhà mẹ nó có cô gái rất đẹp. Một lần ghé về thăm mẹ, gặp cô ta, nó mê lắm. Cô ta cũng tỏ ra thích nó nhưng cuối cùng nghĩ đến chuyện không biết chữ nên nó lặng lẽ rút êm…
Nuôi cá bớp, sợ nhất là chuyện bị các loại chim ăn thịt tấn công cá, hoặc các loại rắn biển hay cá dữ đột nhập lồng cũng như các loại ký sinh trùng gây bệnh. Nhưng dạo đó, may mắn là cá ở tất cả các lồng bè nằm trong khu vực gần Hòn Trâu Nằm đều phát triển rất tốt. Khi cá mỗi con lớn chừng hai ký trở lên, lúc cho chúng ăn nhìn mới sướng mắt làm sao! Cả đám giành mồi, quẫy đuôi làm tung tóe nước. Các ông chủ nuôi cá, trong đó có chủ lồng của tôi và của thằng Quai mỗi lần ra thăm, ai nấy tỏ ra phấn khởi vô cùng.
Tôi chẳng rõ ông Sáu Thành hứa với thằng Quai ra sao nhưng một bữa tôi đang bày cho nó cách làm toán nhân, nó cười và nói với tôi bằng giọng rất hớn hở:
- Chỉ vài tháng nữa là đến mùa thu hoạch. Có tiền ông Thành cho, tao sẽ rủ mày về quê tao chơi.
Chưa hình dung quê của thằng Quai ra sao, nhưng tôi rất vui khi nghĩ tới việc mình sẽ đi lên đó một lần. Niềm mong muốn dù đơn sơ nhưng rồi chúng tôi không thể thực hiện theo kế hoạch được. Vì chỉ thời gian sau, một cơn bão lớn đã ập vào. Với những người nuôi cá lồng bè, bão là nỗi kinh hoàng. Tôi nhớ dạo ấy vào khoảng cuối tháng tám âm lịch, thời tiết đang đẹp, nắng chói chang, bầu trời xanh lồng lộng, bỗng dưng một cơn bão hình thành tận đâu đâu bên Philippines đổ vào Biển Đông. Trước khi bão tới, bộ đội biên phòng đã thông báo đến tất cả những người nuôi cá và yêu cầu ai nấy chuẩn bị kế hoạch bảo vệ tài sản cũng như di dời khi cần thiết. Chỗ tôi lúc này chỉ có mình tôi, vì chú Sáu Như về đất liền lo cho đứa con đầu ốm nặng. Ông chủ Tám Nhân gọi điện cho tôi liên tục, dặn dò đủ thứ và bảo tôi dùng dây cột giữ các lồng, không để cá thoát ra ngoài, phải cố gắng bám trụ bất cứ giá nào. Ông động viên và hứa, nếu tôi làm tốt sẽ trả thêm tiền lương tháng cho tôi. Sau này nhớ lại, tôi mới biết, dạo ấy mình dại thật. Tôi chưa hề có kinh nghiệm gì về bão cả, cứ nghĩ khi bão tới mình chỉ bám chặt vào cái chòi trên lồng bè là được. Thằng Quai thoạt đầu cũng nghĩ bão sẽ nhỏ, không có gì đáng lo nhưng sau đó một ngày khi trời bắt đầu mưa to, nó cố chèo chống chiếc thuyền nhỏ đến chỗ tôi, bảo:
- Bão tăng cường độ rất mạnh và đã chuyển hướng đột ngột, tới khuya nay sẽ đi thẳng vào khu vực của mình đó!
- Thì sao? - Tôi hỏi lại.
- Thì phải bỏ tất cả mà chạy trốn chứ sao nữa!
- Nhưng ông chủ tao dặn…
- Bão mà dặn dò cái gì…
Tôi chưa kịp hỏi thêm thì thằng Quai đã vội cho thuyền của nó quay về. Trời mưa càng lúc càng dữ dội. Gió cũng bắt đầu thổi mạnh và những con sóng trong vịnh càng lúc càng dâng cao. Tôi định gọi điện thoại cho chủ của mình, xin ý kiến nếu bão lớn ập vào thì nên xử lý ra sao. Nhưng chẳng may trong lúc rút máy ra, tôi bị trượt chân, làm cho chiếc điện thoại rơi xuống nước. Tôi lúng túng không biết phải làm sao. Bốn bề chỉ có mưa, sóng và gió. Trong khi ấy, những con cá dường như nhận ra sự thay đổi của thời tiết nên tất cả trồi lên mặt lồng, vùng vẫy cố tìm cách thoát ra.
Đến cuối chiều, một chiếc xuồng cao tốc của bộ đội biên phòng chạy vòng vòng trong vịnh, phát loa kêu gọi mọi người phải rời khỏi vịnh, đi trốn bão, sau đó, các chiến sĩ còn lên các lồng bè cưỡng chế, bắt những người cố tình trốn ở lại để đưa lên xuồng vào đất liền. Không có điện thoại để gọi cho bất cứ ai nên lúc này tôi rất lo. Tuy vậy, ý nghĩ không thể bỏ cá để đi trong bất cứ tình huống nào theo ý ông chủ khiến tôi quyết định phải trốn không để bị bắt. Chính vì thế, khi chiếc xuồng máy cập vào gần, tôi liền trốn dưới một tấm bạt dày, đặt ở góc cái chòi. Vài anh bộ đội đã nhảy lên lồng bè, xem xét, gọi, hỏi, song chắc không thấy tiếng trả lời nên họ xuống xuồng đi đến nơi khác.
Thoạt đầu, tôi thở phào vì không bị đưa đi tránh bão. Tôi tưởng mình khôn hơn người khác, rồi nghĩ, người ta quá lo nên làm cho to chuyện chứ nếu bão có vào thì cũng nhanh chóng đi qua thôi. Nhưng tôi nhầm. Khi tối đến, mưa càng lúc càng lớn, gió càng lúc càng mạnh, sóng càng lúc càng cao. Rồi tới giữa đêm, những điều kinh hoàng đã ập tới. Cái chòi nhỏ sau một hồi bị xô qua, đẩy lại, đã đổ nhào xuống biển. Những cái lồng bè cũng bắt đầu bị sóng đánh cho tan nát. May mà trước đó đã mặc áo phao vào người nên khi bị hất xuống cái bể nước khổng lồ đang cuồn cuộn giữa màn đêm, tôi cố bơi về phía Hòn Trâu Nằm. Song lúc này tài bơi lội của tôi chẳng còn có ý nghĩa gì cả. Người tôi lúc bị nhấn xuống sâu, khi bị đẩy lên cao mấy mét theo ngọn sóng. Rồi trong màn đêm đen kịt, tôi hoàn toàn mất phương hướng, cứ để mặc cho nước đưa đi đâu thì đi…
…Tỉnh lại, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy chung quanh mình rất đông người. Lúc này, thằng Quai cũng có mặt và ngồi bên cạnh tôi ở một cái gộp đá. Nó nắm chặt bàn tay tôi, nói với giọng đầy mừng rỡ:
- Tao tưởng mày chết rồi!
Người tôi ê ẩm, nhưng sau khi được nằm nghỉ và ăn uống, sức khỏe tôi dần dần hồi phục. Qua lời thằng Quai, tôi biết cơn bão đã đi xa. Và như Quai nói, đêm qua nó cùng nhiều người nuôi cá khác đã được đưa vào nấp ở Hòn Trâu Nằm. Tìm hoài không thấy tôi, nghi tôi còn ở lại, nên sáng sớm nay, khi bộ đội biên phòng đưa xuồng ra vịnh để tìm, nó xin đi theo rồi may mắn đã nhìn thấy tôi và cứu kịp.
Thật khó kể hết cảnh tan hoang ở Hòn Trâu Nằm cũng như trong vịnh biển. Những lồng bè nuôi cá bị cuốn lại thành đống, nằm ngổn ngang. Hình như còn có mấy người nuôi cá không chịu rời bè nên bị bão cuốn mất tích, chưa tìm được.
- Tối qua, lúc bộ đội biên phòng tìm đến, mày trốn phải không? - Thằng Quai hỏi khi tôi đã khỏe hẳn.
- Tao tưởng sẽ không có việc gì nguy hiểm. Với lại đã nhận lời trông coi cho chủ thì phải làm cho tới nơi…
- Mày quá ngu! - Quai bực dọc - Tất nhiên làm việc phải chăm chỉ, nhưng phải biết mạng sống của mình là tất cả. Mày hiểu chưa?
Tôi lặng im vì biết mình đã sai. Chiều hôm ấy ông Tám Nhân cùng chú Sáu Như đón tôi khi tôi và thằng Quai vừa vào đất liền.
- Lẽ ra chú phải bảo con vào đảo sớm trước khi bão tới! Cũng may… - Ông Tám Nhân nói và sau khi thấy tôi có ý định về quê ngay, ông rút ví, đưa cho tôi một số tiền. Thằng Quai chưa tìm gặp được chủ lồng bè của nó nên lúc chia tay tôi, nó hỏi:
- Mày còn yếu mà đi về ngay à?
- Không sao! - Tôi đáp - Tao sẽ lên quốc lộ để đón xe. Chắc mọi người ở nhà tao lo lắm!
- Khi bão đến, chính quyền yêu cầu di tản là phải đi ngay! Đừng để như vừa rồi… chết có ngày… - Hình như còn lo cho tôi nên nó dặn thêm.
- Thôi, tao về! - Tôi hiểu ý Quai nên gật đầu, nắm chặt tay nó, nói lời chia tay.
Tôi về quê, và từ đó, nhờ tìm được việc làm mới, nên thôi luôn việc đi coi lồng bè nuôi cá bớp. Thỉnh thoảng, tôi và Quai có liên lạc qua điện thoại. Mới đây, nó báo cho tôi biết, nó vẫn theo việc nuôi cá và đã có người yêu. "Cái em ở gần nhà mẹ mày mà trước đây mày đã kể hả?". "Không! Em đó đã đi lấy chồng rồi. Em này nhà ở thị trấn, gần bến đò mà mình hay xuống thuyền ra Hòn Trâu Nằm…". Tôi hỏi thêm: "Bộ ở hoài ngoài biển mày không sợ bão sao?". Nó cười hề hề: "Nghề này cũng vui chứ mày! Còn khi có bão thì phải tránh ngay, có đâu dại như mày hồi trước!"…
Bình luận (0)