Cuốn sách trải dài suốt 3 thế hệ của 3 gia tộc kết nối với nhau, trong đó trọng tâm là câu chuyện của 4 chị em gái Thương, Ái, An, Yên cùng lớn lên trong một gia đình trí thức, hiền lành. Đến tuổi trưởng thành, trong khi 3 em gái sống dư dả, giàu sang với các ông chồng tiến sĩ làm giám đốc hoặc tự bản thân gầy dựng sự nghiệp, thì Thương bỗng chốc thấy mình sống trong cảnh nghèo nàn cùng một ông chồng ù lì và hai đứa con không thể kết nối. Chị quy đó là vì mình đã hy sinh nuôi lớn các em, vì mình lấy chồng thầy thuốc bất tài chỉ chạy chữa cho người mẹ già... nên khi thành danh, các em có trách nhiệm lo cho con mình. Nhưng khi không được như thế, một bi kịch lớn đã xảy ra.
Nhất thân, nhì quen…
Trong hơn 600 trang sách với những dấu ấn hiện thực ấn tượng, tác giả Phạm Thị Bích Thủy đã cho ta thấy muôn hình vạn trạng của cuộc sống, mà nổi bật trên hết là quan niệm "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ". Trong tác phẩm này, mạng lưới nhân vật đã được gia cố bằng sự biến chất. Đó là những người con người cháu không có năng lực được gửi gắm vào bộ máy công quyền chỉ bởi huyết thống. Đó là những mối làm ăn được dựng xây từ cái nền quan liêu cũng như tham nhũng. Đó cũng là sự phức tạp để che giấu chúng, để hiện trạng này như một tổ mối cứ thế làm mục ruỗng những cột kèo chống, khiến những cá nhân thật sự nỗ lực bị cướp mất cơ hội vốn thuộc về mình, nảy sinh bần cùng...
Trên chính cái nền của thực trạng này, tác giả nỗ lực để tìm nguyên nhân dẫn đến điều đó. Không quá khó thấy nó đến từ sự quá độ chưa được chuẩn bị, bởi khi đổi mới quá nhanh mà không theo kịp sẽ đâm ra lỗi thời và rồi tụt hậu. Đại diện cho xu hướng này là Thương - điển hình cho hình tượng phụ nữ truyền thống hy sinh hết mình cho chồng cho con, nhưng cũng bởi thế mà chị bảo bọc con trai một cách độc hại, ích kỷ, khiến gia đình dần dần xào xáo. Tuy vậy trong tác phẩm này, Phạm Thị Bích Thủy cũng cho ta thấy một sự đồng cảm bởi Thương chính là "sản phẩm" của một thời kỳ còn nhiều khó khăn, khiến thay vì mạo hiểm đầu tư thì lại co mình vào vùng an toàn, bỏ mất cơ hội.
Hoàn toàn ngược lại với chị gái, Ái - cô em mà Thương kình chống một cách mãnh liệt, lại cho ta thấy sự mong manh, non trẻ hình thành trong quá trình chuyển đổi. May mắn có người chồng tiến sĩ chuyên về ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội, gia đình cô nhanh chóng phất lên, từ đó cắt đặt gia tộc vào hệ thống ấy để ngày càng giàu sang hơn. Vì sợ con của Thương huênh hoang khiến dòng họ chồng bị phát giác mà cô nhất quyết từ chối tìm việc cho cháu, khiến Thương căm thù. Trong khi đó An - người vươn lên bằng nỗ lực bản thân, đã gắng giúp cháu bằng cách khiến chúng phát huy khả năng, nhưng rồi bị coi là người dì táng tận, người phụ nữ hâm… khi ai cũng mải mê chạy theo những giá trị ảo.
Từ thượng vàng đến hạ cám
Với một tác phẩm ngồn ngộn chất liệu hiện thực như Gia đình có bốn chị em gái, phải nói Phạm Thị Bích Thủy rất tài tình khi tái hiện được tất thảy thượng vàng cũng như hạ cám. Mỗi nhân vật đều được khắc họa một cách đậm nét từ đầu đến cuối. Chẳng hạn đọc về Thương ta thấy ở đó là sự cay nghiệt cho những ước vọng không thể đạt thành qua những câu rủa từ tận tâm can, trong khi đối với An - người lý trí nhất, ẩn hiện quanh cô là những hoài niệm về một quá khứ tươi đẹp, là vẻ đẹp của gia đình chim trên cây khế quanh nhà. Ở đây trí thức hòa vào thị dân, nông nổi hòa vào sâu sắc, chợ búa hòa vào salon… tạo nên một cuốn tiểu thuyết đa sắc đa thanh. Với giọng văn sắc bén, châm biếm, giễu nhại, tác giả tạo được dấu ấn rất riêng, gợi nhắc đến Huynh đệ của Dư Hoa khi bi kịch gia đình cũng được dựng xây từ một thời đại mà sự giàu sang làm tha hóa con người.
Vốn là thạc sĩ quản trị kinh doanh và từng làm việc cho các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, nên Phạm Thị Bích Thủy cố kết tác phẩm một cách vững chắc thông qua kiến thức chuyên môn. Không những giải thích bi kịch bằng khía cạnh văn chương, mà cuốn tiểu thuyết cũng đầy sức nặng khi phơi bày một cách chi tiết các ngóc ngách âm mưu, từ quy trình độc quyền, thao túng thị trường, sáp nhập chiều dọc cũng như chiều ngang trong ngành kinh doanh mặt hàng có điều kiện (rượu, thuốc lá, vắc xin…) cho đến cách thức tổ chức "bộ máy" toàn người nhà mình sao cho hợp lý. Tác giả không dừng ở đây mà cũng phóng chiếu rộng hơn, để đi sâu vào bản chất của chủ nghĩa thân hữu, gia đình trị về mặt triết học.
Ngoài ra cuốn sách cũng có cách viết đa dạng, chuyển từ những dòng suy tưởng dài miên man chiếm phần lớn thời lượng khi các nhân vật không ngừng tự vấn lương tâm sang phía cuối sách là một câu chuyện hơi hướng phá án cùng các biên bản tranh luận trước tòa. Cũng như lượng nhân vật phong phú và câu chuyện đậm tính hiện thực, có thể nói trong cách sáng tác, Phạm Thị Bích Thủy để lại dấu ấn rất riêng, biến Gia đình có bốn chị em gái (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành) từ câu chuyện mang tính cục bộ trở nên hấp dẫn, đòi hỏi xã hội phải quan tâm cũng như suy ngẫm.
Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964 tại Thanh Hóa, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Từ năm 1986 - 2000 bà là giảng viên Văn học Nga tại ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Bà từng đoạt giải nhì cuộc thi viết truyện ngắn 2016 - 2017 (không có giải nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức. Các tác phẩm đã xuất bản gồm: tập truyện ngắn Chạy trốn, Zero, các tiểu thuyết Đồi cát bay, Tiếng sáo lạc, Đáy giếng.
Bình luận (0)