Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn

Thế Sang
Thế Sang
06/10/2024 17:00 GMT+7

Giải Sách hay 2024 (Dự án Khuyến đọc sách hay và Viện Giáo dục IRED đồng tổ chức) vừa trao sáng 6.10 tại TP.HCM đã xướng tên những tác phẩm mà theo ban xét giải, đó là sự cân nhắc kỹ lưỡng để mang đến những thông điệp nhân văn trên tinh thần cốt lõi: sự khai phóng qua việc đọc.

Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn- Ảnh 1.

TS Giản Tư Trung phát biểu khai mạc lễ trao giải Sách hay 2024

ẢNH: THẾ SANG

Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn- Ảnh 2.

Sách Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều - "ngôi sao" ở hạng mục Sách Nghiên cứu năm nay, được BXG lưu ý là khó đọc khi viết về lĩnh vực dân tộc học

ẢNH: NXB DÂN TRÍ

Ban xét giải (BXG) có 7 hội đồng tương ứng với 7 hạng mục trao giải, mỗi hội đồng có các chuyên gia, nhà giáo, những nhà nghiên cứu đầu ngành ở các lĩnh vực "cần cân nảy mực" chọn ra những tựa sách xứng đáng nhất. 

Sự kiện trao giải Sách hay năm nay diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 17 năm Dự án Khuyến đọcách hay được phát động và hoạt động một cách độc lập. Nhiều chuyên gia, bạn đọc yêu mến chương trình từ các tỉnh thành khác đã vào tham gia lễ trao giải. 

TS Giản Tư Trung cho biết, nguồn đề cử năm nay đến từ trong lẫn ngoài nước. BXG đã cân nhắc rất nhiều tựa sách hay nhưng luôn dựa vào các tiêu chí cốt lõi của giải thưởng, trong đó có tinh thần khai phóng, khai minh con người để tuyển lựa ra những tác phẩm xứng đáng nhất.  

Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn- Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, thành viên BXG, nhận xét về Ba màn kịch của Jon Fosse - tác phẩm thắng giải Sách hay hạng mục Sách Văn học, thể loại dịch phẩm

ẢNH: THẾ SANG

Ông chia sẻ thêm, trong thời đại thông tin tràn ngập cũng như sự bùng nổ của những dạng thức sách khác nhau (sách điện tử, sách nói...), việc khuyến đọc sách in vẫn rất quan trọng vì "sự tinh túy, tinh hoa vẫn nằm trong sách giấy".

Năm nay có 13 tựa sách được trao giải. Không chỉ đơn thuần là một buổi trao giải, buổi lễ còn là dịp để sinh hoạt về văn hóa đọc, học thuật. Sau mỗi màn xướng tên tác phẩm thắng giải, BXG hoặc chuyên gia/đại diện đơn vị xuất bản sẽ phát biểu xung quanh tác phẩm ấy. 

Hạng mục Sách Nghiên cứu có 2 tác phẩm "nặng ký" được trao giải gồm Xã hội học tri thức - Trường lực tri thức miền Nam Việt Nam hậu thuộc địa của tác giả Phạm Văn Quang (thể loại sách viết) và Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều của tác giả Vargyas Gábor (thể loại dịch phẩm, dịch giả: Giáp Thị Minh Trang, hiệu đính: Đinh Hồng Hải, Vũ Tuyết Lan).

PGS-TS Đinh Hồng Hải, thuộc nhóm hiệu đính tác phẩm Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều, nhận xét về tác phẩm này: "Lần đầu tiên có một tác phẩm dân tộc học - lĩnh vực rất hẹp, được trao giải. Cuốn Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều rất đặc biệt vì tác giả Vargyas Gábor có đóng góp rất lớn đối với lĩnh vực nghiên cứu dân tộc học - nhân học Việt Nam. Tác giả được mệnh danh là 'con khủng long cuối cùng của ngành dân tộc học'. Nhận định của tác giả trong chương 13 của tác phẩm này rất hay: muốn bảo vệ văn hóa phi vật thể trước hết phải bảo vệ những người đã tạo ra nó".

Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn- Ảnh 4.

Tác phẩm Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục của GS Huỳnh Như Phương vừa thắng giải Sách hay (hạng mục Sách Giáo dục, thể loại sách viết)

ẢNH: NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Hạng mục Sách Giáo dục gọi tên 2 tác phẩm quan trọng gồm Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục của GS Huỳnh Như Phương (thể loại sách viết) và Future Wise - Điều gì đáng học cho tương lai? của tác giả David N. Perkins (dịch phẩm, dịch giả: Khải Nguyễn). Ở hạng mục này, trên sân khấu phát biểu nhận giải, GS Huỳnh Như Phương cho biết hơn 4 thập niên qua, ông luôn dõi theo vấn đề giáo dục, một ngành mà ông nói xúc động là "vất vả nhưng lại chịu nhiều tổn thương". Ông nói: "Năm nay, khi tôi nhận quyết định nghỉ hưu, giải Sách hay đã trở thành niềm khích lệ cho tôi". 

Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn- Ảnh 5.

Tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse - chủ nhân giải Nobel Văn chương 2023, thắng giải Sách hay ở hạng mục Sách Văn học, thể loại dịch phẩm

ẢNH: NXB DÂN TRÍ

Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn- Ảnh 6.

Tác phẩm Đại náo nhà ông ngoại của tác giả Nguyễn Xuân Thủy thắng giải ở hạng mục Sách Thiếu nhi, thể loại sách viết

ẢNH: NXB KIM ĐỒNG

Giải Sách hay 2024 gọi tên những tác phẩm 'nặng ký', giàu tính nhân văn- Ảnh 7.

Bộ 2 cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly được xướng tên ở hạng mục Sách Phát hiện mới

ẢNH: OMEGA+/NXB VĂN HỌC

TS Bùi Trân Phượng nhận định, cả 2 quyển sách về giáo dục được chọn trao giải trong bối cảnh giáo dục không chỉ khủng hoảng ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Cả 2 quyển đều chứa đựng những chiêm nghiệm, suy tư của những nhà giáo lâu năm đối với ngành giáo dục trong một "tương lai bất định".

Hạng mục Sách Văn học gọi tên tác phẩm Nắng thổ tang của Đinh Phương (sách viết) và Ba màn kịch của Jon Fosse (dịch phẩm, dịch giả: Thiên Nga). Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét, cả Nắng thổ tangBa màn kịch đều là những sáng tác đẹp nhưng không dễ đọc. Nắng thổ tang, một tác phẩm ra cách nay đã lâu, có rất nhiều điểm nhìn đa dạng, đa tầng nên tác phẩm này cần có cách đọc cẩn trọng vì đây không hẳn là tiểu thuyết lịch sử. Ông nói: "Đinh Phương đã làm được một việc đó là cho ta giáp mặt với đời thông qua sáng tác. Tôi tin tác giả này tuy còn rất trẻ nhưng sẽ thành công. Ban giám khảo chúng tôi hy vọng bạn đọc trẻ sẽ đọc và sống với lịch sử thông qua tác phẩm này". Còn với Ba màn kịch, ông nhận định Jon Fosse đã viết một cách giản dị nhất nhưng chạm vào sâu tâm can người đọc để nói lên câu chuyện nhân văn về con người.

Danh sách thắng giải Sách hay 2024

Hạng mục Sách Nghiên cứu: Tác phẩm Xã hội học tri thức - Trường lực tri thức miền Nam Việt Nam hậu thuộc địa của tác giả Phạm Văn Quang (thể loại sách viết); Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều của tác giả Vargyas Gábor (thể loại dịch phẩm, dịch giả: Giáp Thị Minh Trang, hiệu đính: Đinh Hồng Hải, Vũ Tuyết Lan).

Hạng mục Sách Giáo dục: Tác phẩm Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục của tác giả Huỳnh Như Phương (sách viết); Future Wise - Điều gì đáng học cho tương lai? của tác giả David N. Perkins (dịch phẩm, dịch giả: Khải Nguyễn).

Hạng mục Sách Kinh tế: Tác phẩm Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh của tác giả Trần Văn Thọ - Trần Hữu Phúc Tiến (sách viết); Kinh tế học về Tiền, Ngân hàng và Thị trường Tài chính của tác giả Frederic S. Mishkin (dịch phẩm, dịch giả: Phan Trần Trung Dũng).

Hạng mục Sách Quản trị: Tác phẩm Chiến lược - Cơ chế - Con người: Thế kiềng 3C của tồn vinh doanh nghiệp của tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm (sách viết); Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21 của tác giả Mustafa Suleyman, Michael Bhaskar (dịch phẩm, dịch giả: Vũ Hoàng Linh, Sơn Phạm, Quỳnh Anh, hiệu đính: Đào Trung Thành).

Hạng mục Sách Văn học: Tác phẩm Nắng thổ tang của tác giả Đinh Phương (sách viết); Ba màn kịch của tác giả Jon Fosse (dịch phẩm, dịch giả: Thiên Nga).

Hạng mục Sách Thiếu nhi: Tác phẩm Đại náo nhà ông ngoại của tác giả Nguyễn Xuân Thủy (sách viết); Chú heo giáng sinh của tác giả J.K. Rowling (dịch phẩm, dịch giả: Mai Ba).

Hạng mục Sách Phát hiện mới: Lần đầu trao cho bộ 2 cuốn trong cùng hạng mục gồm Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919), dịch giả: Thanh Thư, dịch từ tiếng Pháp và 100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ đều của tác giả Phạm Thị Kiều Ly. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.