Thảo luận về nghệ thuật thanh lọc trong tác phẩm 'Ba màn kịch' của Jon Fosse

Tuấn Duy
Tuấn Duy
25/06/2024 07:15 GMT+7

Sau 'Ánh sáng trắng' và 'Aliss bên đám lửa', 'Ba màn kịch' là tác phẩm mới nhất của Jon Fosse được dịch và giới thiệu tại Việt Nam. Vào 14 giờ 30 ngày 29.6, tại Read Station - Book Coffee & Library (Hà Nội), nhà nghiên cứu Nhật Chiêu sẽ giới thiệu thêm với độc giả về nghệ thuật thanh lọc của chủ nhân giải Nobel Văn chương 2023.

Bi kịch Hy Lạp là một loại hình nghệ thuật có mặt từ rất lâu đời trong lịch sử phát triển của nhân loại. Trong đó, các câu chuyện có nhiều tình tiết phức tạp, đan xen nhau, các nhân vật có những đấu tranh tâm lý, giằng xé nội tâm, xung đột tư tưởng… Điều này cũng được nhìn thấy ở Ba màn kịch của Jon Fosse.

Điểm đặc biệt của bi kịch Hy Lạp là các cảnh tượng hãi hùng này không diễn ra trực tiếp trước mặt người xem mà họ chỉ được nghe lại qua lời kể của một nhân vật hoặc dàn đồng ca.

Thảo luận về nghệ thuật thanh lọc trong tác phẩm 'Ba màn kịch' của Jon Fosse- Ảnh 1.

Nhà văn Jon Fosse

Brittanica

Vì sao lại thanh lọc?

Khoảng 2.500 trước, đại đa số người dân đều không biết chữ nên việc đọc sách là hiếm hoi. Đa phần người ta sẽ đi xem kịch hoặc đi nghe kể chuyện. Việc này cũng có hiệu quả mạnh mẽ hơn so với đọc sách một mình.

Vở kịch, do đó, sẽ đẩy cảm xúc của người xem lên cao trào dữ dội khi các tình tiết tội lỗi được kể lại. Nhưng do đang ngồi xem nên khán giả đóng vai trò như một người quan sát sáng suốt, đồng thời, cũng có phần say mê, cuốn hút vào câu chuyện này. 

Vì thế, họ vừa có dự phần vào câu chuyện, vừa đứng ngoài quan sát. Họ biết rằng mình đang xem và cảnh diễn là không thật. Tình trạng này lặp đi lặp lại suốt cả vở kịch nên người xem nó như được thanh lọc

Khi một sự kiện có tình tiết tương tự xảy ra trong đời sống của họ, họ sẽ không phản ứng như các nhân vật trong vở kịch. Do đã chứng kiến những cảnh như thế nên họ dễ thấy đó là lố bịch, là không phù hợp.

Nhân vật bi kịch luôn có lỗi lầm vượt quá hạn độ cho phép nên tạo ra tội ác. Qua những vở kịch như vậy, người xem học được rất nhiều bài học, một trong số đó là không nên vượt quá hạn độ, từ đó người xem làm mình trong sáng, bớt kiêu hãnh hơn…

Nghệ thuật thanh lọc của Jon Fosse

Trong bi kịch Hy Lạp, cảnh tội lỗi không xảy ra, mà chỉ được nghe kể lại. Tương tự như vậy, trong Ba Màn Kịch, người xem không chứng kiến trực tiếp các cảnh bi kịch, điều này không mang lại ích lợi gì vì nó qua kinh khủng quá, máu me. Do hiểu biết tâm lý của con người nên Fosse mới có thể viết được như vậy và mang lại hiệu quả như vậy.

Khi không mô tả quá chi tiết thì người xem có cơ hội để phán đoán, xem xét và họ tự nảy sinh các ý kiến phê phán. Khi kể tỉ mỉ thì sẽ làm người xem không còn suy nghĩ và tư duy riêng. Nên theo phong cách bi kịch Hy Lạp hay của Fosse, người xem phải tự khởi tâm, suy nghĩ về sự kiện này. Tác giả không suy nghĩ, không phát xét giùm.

Thảo luận về nghệ thuật thanh lọc trong tác phẩm 'Ba màn kịch' của Jon Fosse- Ảnh 2.

Tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse

T.D

Nhà phê bình văn học Nhật Chiêu nhận định: "Bi kịch đưa những cái vượt quá giới hạn về với trung đạo. Đó là ý nghĩa của nghệ thuật. Nghệ thuật không phải để giải trí. Người đọc nên để ý đến triết lý của tác giả chứ không chỉ nên để ý đến những chi tiết ly kỳ, giật gân. Và nghệ thuật lớn cũng không phô bày sự man rợ. Nghệ thuật lớn là giúp người ta suy nghĩ về những thái quá và do đó trở nên sáng suốt và được thanh lọc".

Tại buổi tọa đàm, cách Jon Fosse sử dụng nghệ thuật thanh lọc trong tác phẩm này sẽ được thảo luận, từ đó làm rõ hơn nữa nghệ thuật viết độc đáo của vị nhà văn, đưa đến những góc nhìn mới, những kiến giải mới về cách nhìn, cách đọc và cách suy ngẫm về tác phẩm này nói riêng và văn chương nói chung. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.