Qua rồi thời hoàng kim nhưng vẫn có số ít người thợ cắt tóc vỉa hè ở TP.HCM quyết tâm bám trụ lại với nghề. Đối với họ, nghề “cắt tóc gió” không chỉ là cần câu cơm mà còn là niềm kiêu hãnh, đam mê không thể nào buông bỏ.
Những tiệm cắt tóc vỉa hè ở TP.HCM nằm rải rác trên một số tuyến đường như Ngô Thời Nhiệm (Q.3), Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bến Nghé, Q.1)...
Nét riêng của đường phố TP.HCM
Đều đặn mỗi ngày, ông Trịnh Văn Hòa (67 tuổi) đạp xe hơn 20 km đi từ TP.Thủ Đức đến góc đường Ngô Thời Nhiệm (Q.3) để hành nghề cắt tóc vỉa hè.
Ông Hòa làm nghề đã hơn 30 năm, cắt tóc cho hàng nghìn vị khách và chứng kiến bao đổi thay của thành phố này. Ông kể, thời trước, ông đứng cắt bên cổng chợ Bến Thành rồi sau đó chuyển sang Trương Định (Q.1). Cũng có khoảng thời gian dời về cắt dưới Thủ Đức, vài năm nay mới bắt đầu cắt ở đường Ngô Thời Nhiệm (Q.3).
Tôi đến lúc ông Hòa đang ăn cơm trưa, bữa cơm đạm bạc chỉ có nhúm rau và quả trứng luộc mang theo từ nhà. Trò chuyện với ông một lúc, tôi mới biết nghề cắt tóc vỉa hè còn được gọi là “cắt tóc gió” hay “cắt tóc trời”.
Ông Hòa giải thích, rằng khi đứng cắt ngoài đường, nhiều khi gió mạnh thổi đến bất chợt, những lọn tóc cứ thế bay trong gió nên người ta quen gọi. Mà cái tên cũng thể hiện niềm kiêu hãnh của người thợ, cắt giữa trời, giữa gió, thật hiên ngang và tự tại biết bao.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, giờ đây mỗi ngày ông Hòa chỉ cắt được khoảng 2 - 3 người khách, cũng có hôm tay trắng ra về. Người thợ cắt tóc ấy đã bước sang cái tuổi “gần đất xa trời”, tay chân yếu và thao tác chậm hơn nên khách cũng ngại ghé.
Tuy vậy, ông vẫn luôn biết ơn vì nhờ có nó, ông đã nuôi được 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Khi con cái trưởng thành, cắt tóc vỉa hè lại trở thành niềm vui ở tuổi xế chiều.
“Coi vậy mà hay, mỗi người thợ sẽ có một phong cách cắt khác nhau. Như tôi thì tôi cắt và tư vấn kiểu tóc cho khách dựa vào đường nét trên khuôn mặt và tỷ lệ cơ thể của họ. Tôi không thạo các kiểu tóc mới, có vài kiểu cắt cả mấy chục năm nay nhưng may mắn chưa ai chê, khách có thương thì ghé ủng hộ ông già này”, người đàn ông cười nói.
Ông Hòa tiết lộ thêm, những “tay kéo” như ông, ngoài sự chuyên nghiệp ra còn phải biết cách làm cho khách vui thì mới giữ chân họ được lâu dài.
“Từ xưa giờ, ngày nào tôi cũng đọc báo, cập nhật tin tức ở TP.HCM để có vốn liếng mà trò chuyện với khách. Quần áo cũng phải chỉnh tề vì mình làm cái nghề làm đẹp mà, xuề xòa coi sao được. Kéo cắt, tông đơ hay tấm vải voan tôi cũng vệ sinh định kỳ, lưỡi cạo thì thay mới thường xuyên. Tuy làm lề đường nhưng phải chỉn chu, đảm bảo mang đến cho khách mình dịch vụ tốt nhất”, ông Hòa bộc bạch.
Ông Hòa cho biết thêm, những điểm cắt tóc vỉa hè là một nét đặc trưng của đường phố TP.HCM. Khi những tiệm salon tóc hiện đại còn hiếm, thợ cắt tóc vỉa hè mỗi ngày làm mấy chục đầu là chuyện thường. Ngày trước, số lượng thợ cắt ở TP.HCM nhiều gấp mấy chục lần, bây giờ khó khăn quá, nhiều người phải đành lòng bỏ nghề cầm kéo, đi tìm một công việc khác có thu nhập khá hơn.
Nỗi lòng người thợ cắt tóc vỉa hè
TP.HCM một trưa tháng 4 nắng như đổ lửa, tôi tiếp tục di chuyển đến tiệm cắt tóc vỉa hè "5 sao” của ông Nguyễn Văn Tùng (54 tuổi, quê Vĩnh Long). Ông là một trong những “tay kéo” đắt khách nhất trong làng nghề cắt tóc vỉa hè ở TP.HCM hiện tại. Gọi là tiệm tóc "5 sao" vì ở chỗ ông, từ chuyên môn cho tới dịch vụ đều được mọi người đánh giá rất cao.
Lên TP.HCM cuối những năm 80, hành trang ông Tùng mang theo chỉ có bộ đồ nghề đơn sơ và vài chiêu “đi kéo, hớt mái” học được từ một người thầy ở dưới quê. Trung bình mỗi ngày, ông cắt được từ 10 - 12 đầu, hầu hết đều là các mối quen thân hay được bạn bè giới thiệu.
Tiếng xe cộ lưu thông, gió thổi dịu nhẹ, thêm một vài đường đi tông đơ mượt mà, thao tác lấy ráy tai nhẹ nhàng của ông Tùng đã khiến vị khách mối - ông Hữu Tài (42 tuổi, Q.Phú Nhuận) lim dim ngủ.
Ông Tài đã cắt tóc ở đây hơn chục năm, đều đặn mỗi tháng một lần. “Muốn cắt tóc ở ông bạn này không phải dễ, phải đặt lịch trước mới được. Tôi đã cắt ở nhiều chỗ nhưng chỉ có ông Tùng cắt tôi mới vừa ý. Cắt tóc vỉa hè được xem là thú vui của người TP.HCM, nhiều người đi xe sang, ở nhà bự vẫn cắt vỉa hè. Đơn giản vì những người thợ như ông Tùng am hiểu kiến thức xã hội, bán mặt ngoài đường cả ngày nên có tin gì nóng hổi họ cũng biết ngay”, ông Tài nói rồi móc trong túi 50.000 đồng trả cho thợ.
Tiễn khách, ông Tùng quay lại tâm sự với tôi, ông cảm thấy mình may mắn vì vẫn luôn được những vị khách quen ở TP.HCM thương yêu. Có giai đoạn khó khăn, ông tính nghỉ cắt tóc để đi chạy xe ôm hay bốc vác nhưng ngẫm lại nếu bỏ nghề chắc ông không sống nổi.
“Cả đời tôi, buồn vui đều gắn liền với chiếc tông đơ và tiệm tóc vỉa hè này. Ngày trước vợ con khuyên vay vốn rồi mở cái tiệm nhỏ tránh nắng tránh mưa nhưng tôi thấy bí bách lắm. Đứng ngoài đường cắt tóc vẫn có gì đó thú vị, hưởng ánh sáng tự nhiên và gió trời, thích lắm! Tôi còn từng cắt cho một vị khách nước ngoài biết tiếng Việt, bạn ấy bảo tôi cắt tóc vỉa hè là một trải nghiệm khó quên khi đến TP.HCM”, ông Tùng kể.
Ông Tùng chia sẻ, cách đây không lâu, khi để dành được một khoản nhỏ, ông có đi học thêm một khóa cắt tóc để biết thêm những kiểu tóc nam thịnh hành. Ông cũng chuyển sang xài loại tông đơ mới để khách thoải mái cũng như tạo kiểu đẹp hơn.
Mặc dù chỉ là một tiệm cắt tóc vỉa hè nho nhỏ nhưng bản thân người thợ ấy luôn cố gắng học hỏi để nâng cao tay nghề. Có lẽ đó là lý do mà hiện nay, tiệm của ông lúc nào cũng rộn ràng khách quen.
Xã hội ngày càng hiện đại, những người gắn với nghề cắt tóc vỉa hè ở TP.HCM ngày càng ít đi. Những người như ông Hòa, ông Tùng vẫn luôn dành tình yêu to lớn với cái nghề “cắt tóc gió”.
Lòng họ cũng luôn trăn trở, mai này khi mình già yếu, liệu còn có ai nối nghiệp cắt tóc vỉa hè, gìn giữ một nét rất riêng nơi thành phố nhộn nhịp. Hay hình ảnh những người thợ tỷ mẩn tạo kiểu tóc ngoài đường phố, chiếc gương treo lủng lẳng trên bức tường sẽ chỉ còn là ký ức của người TP.HCM…
Theo quy định hiện hành, TP.HCM cấm lấn chiếm vỉa hẻ cản trở lối đi của người đi bộ, gây mất trật tự, mỹ quan đô thị.
Song, với không gian vỉa hè, TP.HCM có quy định dành một phần diện tích để cho người dân sử dụng trong việc mưu sinh, buôn bán với điều kiện đặt ra là không gây cản trở giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...
TP.HCM cũng đã thông qua đề án quản lý, khai thác vỉa hè hợp lý nhằm vừa tạo không gian sinh hoạt, sinh kế và đảm bảo trật tự đô thị, môi trường.
Bình luận (0)