TP.HCM hào sảng, bao dung, luôn mở rộng vòng tay ôm lấy những người đã lựa chọn để làm nơi nương náu. Đối với những lữ khách tha hương, TP.HCM như một mối tình sâu đậm, tuy không phải nơi sinh ra nhưng sẽ là nơi được chọn để “nhắm mắt xuôi tay”.
TP.HCM hay lo chuyện bao đồng
Người ta đã quá quen với lối sống bao đồng của TP.HCM. Đi dọc đường, mấy trăm mét lại có một bình nước đá, ai muốn uống bao nhiêu cứ uống, phí trả bằng nụ cười. Ở đây, bước chân ra đường là thấy bánh mì miễn phí, cơm miễn phí.
Đã thế, quần áo mới toanh, có cái chưa xé mác, người TP.HCM cũng đem tặng hết. Cũ người mới ta, cứ thế mà cho đi không hề toan tính.
Bộ người TP.HCM rảnh lắm hay sao mà cứ đi làm mấy chuyện này hoài? Nghĩ vậy, tôi tìm gặp cô Nguyễn Thị Mai Thanh (55 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) - người phụ nữ sở hữu chiếc tủ thần kỳ “Doraemon” để hỏi cho ra lẽ.
Cô Thanh bán nước giải khát trên góc đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), gần 20 năm qua, mỗi ngày cô đều bỏ một bình nước lọc miễn phí để phục vụ bà con đi đường.
Chưa hết, chiếc tủ của cô còn kỳ diệu hơn. Ai say nắng, trúng gió hay bị xe đụng trầy xước, có liền hộp thuốc cứu thương. Đủ loại dầu gió, panadol, tiêu chảy, cái nào cũng được cô dán mác và ghi hướng dẫn sử dụng rất kỹ.
Ai chẳng may rách quần, rách áo có luôn cây kim và chục cuộn chỉ đủ màu, tha hồ mà lựa chọn. Ai bụng đói không có tiền ăn cơm, cô san sẻ luôn bữa trưa đạm bạc tự nấu của mình. Cách đây ít năm, cô còn gom tiền để tặng chiếc xe lăn cho một người đàn ông khuyết tật hay lui tới chỗ mình.
“Tôi cái gì cũng có chỉ có tiền nhiều là không. Bản thân là một người mẹ đơn thân, từng trải qua bao thăng trầm nếu không nhờ sự yêu thương của người dân nơi đây, chắc tôi không có được như hôm nay”, cô Thanh bộc bạch.
Người phụ nữ ấy nhìn một phát là biết ngay người TP.HCM bởi giọng nói ngọt ngào và nụ cười thân thiện, tươi như hoa. Tuy bán nước lề đường nhưng lúc nào cũng mặc sơ mi, quần tây gọn gàng. Cô bảo người TP.HCM là thế, không giàu sang nhưng phải luôn biết trau chuốt, yêu thương và giữ thể diện cho mình.
Cô buôn bán cũng rất có quy tắc, thứ bảy, chủ nhật cô sẽ nghỉ để đi làm từ thiện và dành thời gian nghỉ ngơi. Cô thiện nguyện nhiều ở TP.HCM và cả các tỉnh miền Tây, có nhiều cho nhiều, có ít cho ít.
“Tôi nghĩ mình may mắn hơn bao người, được hạnh phúc với con cái, có công việc để làm nên biết ơn quê hương TP.HCM dữ lắm. Tôi muốn làm chút gì đó để trả ơn chứ không phải muốn nổi tiếng”, người phụ nữ nói rồi cười một tiếng giòn tan.
Thành phố này là vậy, người đến từ tỉnh lẻ như tôi không khỏi mà ngạc nhiên trước cái nghĩa, cái tình ấy. Ban đầu thấy ngờ ngợ rồi hoài nghi đủ thứ nhưng sống ở đây ít lâu mới biết, nếu không lo chuyện bao đồng thì không phải là TP.HCM.
TP.HCM ôm hết, thương hết!
Trò chuyện với ông Lê Văn Thành (nguyên Trưởng phòng Văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), được biết ông đã sống ở TP.HCM hơn 30 năm, chứng kiến bao thăng trầm, thay đổi của thành phố. Những năm qua, TP.HCM nhiều thay đổi, ngày càng hiện đại, sang trọng, tiện nghi nhưng nơi đây vẫn luôn là ngôi nhà chung, dang tay đón nhận người dân tứ xứ vào lòng.
Ông cho hay theo thống kê năm 1966, chỉ có khoảng 1/3 người dân sống ở TP.HCM là sinh ra ở đây, còn lại đều đến từ nhiều tỉnh, thành khác. Như vậy có thể nói, từ rất lâu rồi TP.HCM là nơi sinh sống, làm ăn của người dân từ các nơi khác đến. Đó là đặc điểm của đất Sài thành từ mấy chục năm nay mà hiếm có thành phố nào có được.
“Ở cái xứ này, người ta ít khi gọi nhau là dân nhập cư. Nếu mà có cũng chỉ hỏi thăm đôi ba câu như quê ở đâu, lên thành phố lâu chưa để thêm thân tình và gắn kết. Nơi đây hầu như không có sự phân biệt. Cho dù bạn là ai, đến từ đâu, giàu hay nghèo, một khi đã đến đây thì đều là con dân của thành phố này. TP.HCM sẵn sàng đón nhận và yêu thương tất cả chúng ta”, ông nói.
TP.HCM mở rộng vòng tay, ôm ấp, nuôi nấng những phận người tha hương. Nhưng nếu xét trên một khía cạnh khác, bản thân TP.HCM cũng rất cần sự gắn bó, đóng góp của những người tứ xứ đang sống ở đây. Chính họ đã tạo nên sự phong phú, đa sắc cho thành phố.
Ông Thành cho hay nếu bây giờ hỏi người dân ở đây, ai là “TP.HCM gốc”, ai là người nhập cư thì khó mà trả lời lắm. Bởi có những người tuy gốc gác ở nơi khác nhưng đã hòa vào dòng người di dân từ thế kỷ trước, đến đây làm ăn, sinh sống.
“Thậm chí có nhiều người chưa một lần rời khỏi TP.HCM vì trong thâm tâm họ đã xem đây là quê hương của mình. Bản thân tôi cũng vậy, nửa đời ở đây, thăng trầm đủ cả. Tôi nghĩ chỉ cần mình yêu thương, biết ơn và có cống hiến thì cứ tự tin mà nói mình là người TP.HCM”, ông Thành bày tỏ.
Cũng theo ông Thành, thành phố này kỳ lạ lắm, quanh năm nhộn nhịp, đông đúc nhưng đến tết thì vắng hoe. Thoạt đầu ai cũng thích vì hiếm khi mới không phải chịu cảnh kẹt xe, khói bụi nhưng dăm ba bữa là nhớ liền. Phải thật đông, thật nhộn nhịp mới đúng là TP.HCM.
Đi đường nhìn biển số xe, thấy Bắc, Trung, Nam, miền nào cũng có, nhiều khi biển số tỉnh còn nhiều hơn. Những người sống và làm việc ở thành phố này lâu năm dường như đều học được cái tính “hay khoe”. Khoe mình là người TP.HCM, khoe mình đã sống ở đây mấy chục năm, khoe cả việc tìm được hạnh phúc ở cái nơi toàn người dưng này.
Thành phố đủ chuyện kỳ lạ nhưng hiếm thấy ai phàn nàn, đơn giản vì họ hiểu và thương. Và phải hiểu, phải thương thì mới sống được ở TP.HCM lâu dài.
Tại sao ngày càng nhiều người đến TP.HCM sinh sống?
Ngoài những yếu tố thuận lợi về mặt kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, cho biết thành phố này cung cấp nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và sự phát triển cá nhân. Mạng lưới xã hội có sự đa dạng về dân tộc, văn hóa, người nước ngoài nên tạo điều kiện để giao lưu, kết nối, hội nhập.
TP.HCM có một hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển chất lượng, với nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Không những thế, TP.HCM là một thành phố năng động bậc nhất với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao… Tất cả những yếu tố đó khiến nơi đây ngày càng hấp dẫn, đặc biệt là với các bạn trẻ.
Bình luận (0)