Ông Út kể ông từng trải qua nhiều khốn khó nên hiểu rằng khi bế tắc thì không gì quý hơn là nhận được sự giúp đỡ chân tình. Năm 1993, trên mảnh đất gia đình, ông phối hợp với chính quyền xã Vĩnh Thuận Đông mở phòng bốc thuốc nam miễn phí. Lương y khám bệnh do xã điều động, còn phần việc của ông Út là tìm kiếm dược liệu mang về phơi khô, xắt nhỏ…
Ông Út dần thoát nghèo nhờ mạnh dạn mở lò đường, bán vật liệu xây dựng. Khi 4 người con đều ăn học tới nơi tới chốn và có việc làm ổn định, ông dành hầu hết thời gian cho hoạt động từ thiện. Năm 1996, ông đứng ra mở tổ từ thiện cung cấp cơm, cháo, nước sôi miễn phí tại Trung tâm y tế H.Long Mỹ (nay là TX.Long Mỹ).
Hoạt động hiệu quả, năm 1998 ông Út tiếp tục mở tổ từ thiện tại Bệnh viện Y học dân tộc Cần Thơ (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ). Ông nhớ lại thời điểm đó bếp ăn dựng trên phần đất còn nhiều lau sậy, chỉ mong có đủ cháo, nước sôi phục vụ người nghèo. Nhưng sự ủng hộ của mọi người nhiều hơn ông nghĩ nên không chỉ đủ tặng bữa cơm trưa, chiều mà còn để chia sẻ cho những nơi khác.
Ngót nghét 31 năm qua, ông Út đã mở 15 tổ từ thiện ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, phần lớn phục vụ các bệnh viện và trung tâm bảo trợ xã hội. Tất cả các bếp ăn từ thiện đều có sự phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng, vì vậy đều tuân thủ chặt chẽ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và PCCC. Tổ từ thiện nào mới thành lập ông Út cũng đến hỗ trợ điều hành, quản lý; khi hoạt động nhịp nhàng thì ông bàn giao lại để đi giúp nơi khác.
Ông Út nói thời gian ông đi lo chuyện "bao đồng" còn nhiều hơn ở nhà. Vì ngoài bếp ăn từ thiện, trong 5 năm qua ông còn vận động cất nhà cho nhiều mảnh đời khó khăn. Trung bình mỗi năm ông vận động được 40 căn nhà cột đổ bê tông, mái và vách lợp tôn, mỗi căn trị giá hơn 30 triệu đồng; nhiều nhất là ở Hậu Giang, kế đến là các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, An Minh (Kiên Giang).
Không những vậy, ông Út còn làm tài xế lái xe chuyển bệnh cứu giúp những trường hợp bệnh tật; chở hòm, chở người đã mất khi đi làm ăn xa về quê. Ông luôn bật điện thoại 24/24, khi CSGT hay bà con gọi là có thể bắt máy ngay. Tuổi cao nhưng nửa đêm nửa hôm, có tai nạn giao thông ông đều xông xáo chở bệnh nhân đi TP.Vị Thanh (Hậu Giang), nặng thì lên TP.Cần Thơ. Nhờ sự nhiệt tình của ông Út, nhiều trường hợp nguy kịch đã kịp khung giờ vàng cấp cứu, chữa trị.
Ông Nguyễn Việt Trung (44 tuổi), nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội TP.Cần Thơ, chia sẻ: "Tôi biết đến việc làm của ông Út hơn 15 năm nay và vô cùng trân trọng, cảm kích. Tính tình ông ấy hiền lành, thân thiện, giúp đỡ cộng đồng với tinh thần trách nhiệm rất cao. Có thời điểm ông rong ruổi khắp nơi xin cây về cưa làm củi để duy trì hoạt động cho bếp ăn khiến ai cũng cảm kích. Có lẽ vì sự nhiệt tình đó mà nhân công phụ việc cho ông rất nhiều, không ít người đã gắn bó hơn chục năm".
Bình luận (0)