Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói về 'Tiếng hạt nảy mầm'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/10/2024 18:51 GMT+7

'Ối giời ơi, cứu tôi! Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao: Cánh sẻ vụt qua song/Hót nắng vàng ánh ỏi….', lời kêu cứu trên trang 'Giáo viên Việt Nam' cho bài thơ 'Tiếng hạt nảy mầm' (tác giả Tô Hà, in trong sách Tiếng Việt lớp 5, thuộc bộ sách Kết nối tri thức), theo nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn là thiếu cẩn trọng.

Sau khi dư luận "nổi sóng", chê bai thậm tệ bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà, cũng là một tác giả cũng từng có tác phẩm được in trong sách hỗ trợ đọc mở rộng cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông (Vui đọc văn thơ lớp 2 tập 1 của NXB Giáo dục Việt Nam), nhà thơ Nguyễn Phong Việt cảm thấy "rất hoang mang và lo lắng vội vàng tìm đọc ngay".

Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói về 'Tiếng hạt nảy mầm'- Ảnh 1.

Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà trong sách Tiếng Việt lớp 5

Anh cho biết, cảm nhận ban đầu lúc tiếp cận là bài thơ khá dễ thương và nhẹ nhàng. "Viết cho đối tượng đặc biệt là người khiếm thính rõ ràng là không dễ chút nào. Vậy mà Tiếng hạt nảy mầm của nhà thơ Tô Hà lại đầy cảm xúc. Lâu nay chúng ta thường có góc nhìn về cuộc sống êm đềm của những con người bình thường. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ nên khi bước qua nhìn nhận một cách sống khác, đối tượng khác bị thiệt thòi thì cảm nhận ấy phải được thay đổi. Vì vậy, theo tôi, khi giảng dạy bài này cho học sinh, thầy cô giáo phải nói rõ đây là bài thơ viết về lớp học của các bạn khiếm thính thì mọi việc sẽ dễ hiểu".

Tác giả Đi qua thương nhớ còn cho rằng, đưa được một bài thơ hay cho một đối tượng đặc biệt như thế này vào sách giảng dạy là một sự đổi mới và nhân văn của những nhà biên soạn. "Bài thơ đã góp phần làm phong phú và đa dạng cho nội dung của các tác phẩm in trong sách giáo khoa khiến cho việc học tập trở nên hấp dẫn hơn với các em. Qua đây, những bạn nhỏ càng hiểu thêm về bạn bè đồng trang lứa chịu nhiều thiệt thòi. Tôi thấy bài thơ chẳng có gì là trúc trắc hoặc gieo vần không mượt để đáng phải bị chê bai cả", nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhấn mạnh.

Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói về 'Tiếng hạt nảy mầm'- Ảnh 2.

Tác giả Nguyễn Phong Việt còn cho rằng, đưa được một bài thơ hay cho một đối tượng đặc biệt như thế này vào sách giảng dạy là một sự đổi mới và nhân văn của những nhà biên soạn

Ảnh: NVCC

Tác giả Tô Hà viết ít nhưng thơ ông luôn chắt lọc ngôn ngữ 

Để hiểu thêm về nhà thơ Tô Hà - tác giả bài thơ Tiếng hạt nảy mầm đang gây tranh cãi, PV Thanh Niên đã có cuộc "phỏng vấn nhanh" với phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM và là Ủy viên Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho biết: "Cụ Tô Hà là một trong những người đầu tiên làm tuyển tập về những nhà thơ hay nhất Việt Nam. Tác phẩm có tựa đề Những câu thơ trong trí nhớ được đánh giá rất cao. Nói vậy để thấy, với cụ, tài năng thơ thì không thể bàn cãi nên không có chuyện chê nhà thơ dùng từ sai, lẽ ra là 'óng ả' chứ sao lại 'ánh ỏi'. Mặc dù trong sự nghiệp sáng tác, cụ Tô Hà viết ít hơn các đồng nghiệp khác. Song thơ của cụ rất chắt lọc. Theo tôi, Tiếng hạt nảy mầm là bài thơ khá, một bài thơ tiêu biểu nhất của cụ được chọn đưa vào sách giáo khoa thì không thể mang ra chê bai được".

Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói về 'Tiếng hạt nảy mầm'- Ảnh 3.

Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn

Ảnh: NVCC

Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn còn nhận xét: "Tiếng hạt nảy mầm không chỉ đạt về ngôn ngữ mà còn dạt dào tính thẩm mỹ và tính giáo dục cho học sinh. Các ý kiến chê bai, theo tôi, còn thiếu cẩn trọng khi chưa biết nhiều về nhân thân và sự nghiệp sáng tác của cụ Tô Hà. Bài thơ nhìn tổng thể ngôn ngữ khá đều, mọi câu chữ được đặt để đúng vị trí mà không cần chỉnh sửa gì. Đặc biệt giá trị ngữ âm của bài thơ rất phù hợp với đối tượng thiếu nhi. Tác giả Tô Hà có ý thức rất rõ ràng về giá trị thi ca của bài thơ chứ không hề đơn giản đâu".

TIẾNG HẠT NẢY MẦM

Mắt sáng, nhìn lên bảng

Lớp mươi nụ môi hồng

Đôi tay cô cụp mở

Báo tưng bừng thanh âm.

Cánh sẻ vụt qua song

Hót nắng vàng ánh ỏi

Các bé vẫn lặng chăm

Nhìn theo cô mấp máy.

Sau ngón tay cô đấy

Là tiếng hạt nảy mầm

Tiếng lá động trong vườn

Tiếng sớm mai mẹ gọi.

Tiếng cuộc đời sâu vợi

Con tàu biển buông neo

Ngôi sao mọc rừng chiều

Vó ngựa ran vách đá.

Bao nghĩ suy vất vả

Trong mắt người lo toan

Để từng âm có nghĩa

Bật lên từ môi em.

Nghe cánh vỗ chim non

Trước diệu kì tiếng hót

Giữa hồn nhiên lớp học

Ai nụ cười rưng rưng.

(TÔ HÀ)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.