Nhạc sĩ Văn Thành Nho: Tiếng lòng cùng lời ru đất nước

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/10/2018 14:57 GMT+7

Hơn 300 ca khúc, mà phần lớn viết về Tổ quốc và người lính: Đất nước lời ru, Bài thơ biển, Chuyện tình trên sông Vàm Cỏ... như tiếng lòng của nhạc sĩ Văn Thành Nho lúc nào cũng đồng hành cùng lời ru đất nước.

Tìm chất liệu âm nhạc từ ca trù, chầu văn
Cơ duyên nào đã “đưa lối” ông đến với âm nhạc? Thẳm sâu sau những ca từ mộc mạc, các sáng tác của Văn Thành Nho vì sao vẫn chất chứa bao nỗi niềm của ca trù, chầu văn?
Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc tại vùng đất thi ca Nam Định. Bạn có nhớ hai câu thơ: “Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/Anh chạy vào Đất đỏ làm phu” về những người lao động vất vả như cha tôi không? Chính cha tôi là người cùng với vài phường hội đã đưa văn nghệ ra vùng mỏ để… giải trí. Sau giờ làm việc mệt nhọc, các cụ tập hợp lại thành “phường bát âm” và hát chầu văn, ca trù. Vì vậy mà tôi bị “nhiễm” chất dân ca vào người lúc nào không hay. Cả một thời tuổi thơ nghèo khó nhưng tôi vẫn có cơ hội tiếp xúc với các nhạc cụ nên ngọn lửa âm nhạc được dịp nhen nhóm sớm. 7 tuổi, nhờ ảnh hưởng “gien” của cha mẹ, chị… đặc biệt là anh trai mà tôi đã chơi được guitar. Rồi lên lớp 8, tôi thử mày mò sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi đăng trên báo tường. Tới năm 1967, nhận giấy báo trúng tuyển vào ĐH Mỏ - Địa chất và Nhạc viện Quốc gia VN nhưng tôi bỏ học… hăng hái lên đường nhập ngũ. Thời gian này, tôi vừa luyện tập quân sự, vừa tham gia hội diễn toàn quân. Nhiều đêm diễn chỉ có hai bóng đèn măng xông vẫn say sưa hát.
Chính cuộc sống ở thao trường, tình đồng đội - nghĩa đồng bào trên đường hành quân ra trận..., những bài ca trù, chầu văn của cha tôi ngày làm công nhân vùng mỏ, cùng với làn điệu ca trù mê hoặc của nghệ nhân Quách Thị Hồ đã hòa quyện vào nhau, tạo nên bút lực và những “chất liệu” tuyệt vời cho các sáng tác mang âm hưởng dân gian của tôi.
Có thể nói ông là “hạt gạo trên sàng” khi trải qua nhiều trận đánh ác liệt, ngay cả chiến dịch Cánh đồng Chum (Lào) và thành cổ Quảng Trị. Đạn bom như thế mà ông vẫn may mắn còn sống để có một ca khúc như Đất nước lời ru bất hủ...
Tôi tham gia chiến dịch Cánh đồng Chum vào các năm từ 1968 - 1972, rồi mới về đánh ở Quảng Trị. Nhiều trận đồng đội hy sinh gần hết, tôi chỉ bị thương và vẫn may mắn sống sót. Giai đoạn này tôi có một số bài hát: Chiến thắng Sầm Thông, Chèo thuyền trên sông Hương… để động viên chiến sĩ và phục vụ người dân nơi tôi đóng quân. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến vào Sài Gòn, năm 1977 tôi được cấp trên cử đi học ĐH Văn hóa cùng thời với lớp nhà văn quân đội như Hữu Thỉnh, Chu Lai, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo… Bỗng nhiên, lúc này tình yêu âm nhạc ngày trước trỗi dậy mãnh liệt. Năm thứ 3 ĐH tôi thi vào khoa sáng tác Nhạc viện Hà Nội. Bài hát Từ phương anh, từ phương em (phổ thơ Đỗ Trung Lai) là ca khúc mở đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của tôi. Tiếp đó, Ta đi trong hình sông dáng núi, Thắp lửa giữ lửa… được phát liên tục trên Đài tiếng nói VN đã tạo nên tên tuổi Văn Thành Nho với khán giả yêu âm nhạc. Rất mừng là những ca khúc của tôi cứ chào đời là được đón nhận ngay, đã tạo sự khích lệ tinh thần vô cùng to lớn, trong khi ấy tôi cũng đang bận rộn nhiều việc ở đoàn văn công Quân đội, Quân khu 1, 2 và Đoàn ca múa nghệ thuật Hải quân.
Nhạc sĩ Văn Thành Nho: Tiếng lòng cùng lời ru đất nước1
Nhạc sĩ Văn Thành Nho (bìa trái) cùng bạn bè Ảnh: Quỳnh Trân
Ông có thể “bật mí” về hoàn cảnh viết bài hát Đất nước lời ru mà khán thính giả luôn đặc biệt yêu thích, góp phần đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2017?
Lúc ấy là năm 1983, quân đội ta đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày thành lập QĐND VN nên không khí trong toàn quân rất khí thế. Tự dưng tôi nghĩ rất nhiều về đất nước mình, ngàn năm Bắc thuộc, chiến tranh liên miên hết Pháp rồi Mỹ…, trải qua bão giông vẫn gồng mình đánh thắng kẻ thù. Tôi nhớ về đồng đội tôi, những người lính chẳng tiếc máu xương cả một thời tuổi trẻ, ra đi không trở về, để lại phía sau mẹ cha, vợ con, anh em… đang ngóng đợi. Tôi liên tưởng đến Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng, tôi nhớ đến mẹ tôi và ca khúc bật ra bằng lời ru con à ơi: “Ru con, Mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời/Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời/Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa/Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả/Ðể đất nước mãi rực rỡ/Một gấm vóc mãi rạng rỡ…”. Giai điệu và ca từ tuôn ra dào dạt nên chỉ sau 2 tiếng, tác phẩm đã hoàn thành. Lúc đó là buổi sáng, Hà Nội đang trong thời bao cấp đời sống rất khó khăn. Tôi ăn sáng bằng hai chiếc bánh đậu xanh và uống 1 chén nước chè, ngồi bên đàn piano và guitar viết Đất nước lời ru ngay Nhạc viện Hà Nội, xong gởi sang Đài tiếng nói VN.

Nhiều người còn thắc mắc, tôi là dân khối A, từng thi giỏi toán toàn quốc sao lại rành văn chương đến vậy? Theo tôi, toán - văn học - thi ca - âm nhạc luôn gắn liền với nhau. Toán học đã giúp tôi sáng tác có tính logic hơn

Nghe nói ca khúc cũng gặp lận đận trước khi được lên sóng, ông có thể cho biết lý do tại sao? Cho tới nay đã rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công bài hát này, nhưng theo ông thì giọng ca nào diễn đạt được hết những gì ông kỳ vọng?
Xin tiết lộ một bí mật. Ban đầu bài hát có tên là Lời ru trong lửa cháy nên khi đến Đài tiếng nói VN được nhạc sĩ quân đội Văn An góp ý: “Lời thì hay nhưng tiêu đề nên chọn hình tượng bình yên, sâu lắng hơn chứ để lời ru mà trong lửa cháy thì… dữ dội quá”. Tôi cầm bản thảo về ngày đêm suy nghĩ mãi. Phải sau nửa tháng thì 4 chữ Đất nước lời ru mới chính thức hiện ra trong đầu và chính tựa của bài hát cũng góp phần làm cho ca khúc trở nên “không còn gì tuyệt vời hơn”.
Ca sĩ thể hiện Đất nước lời ru đầu tiên hát trên làn sóng Đài truyền hình VN năm 1983 là Kiều Oanh, sau đó Thanh Hoa tiếp tục “làm mưa làm gió” trên sóng phát thanh. Tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, ca sĩ Hoài Thanh (đoàn Quân khu 2) đoạt HCV với ca khúc này. Từ đó, Đất nước lời ru có mặt tận nơi biên giới, hải đảo xa xôi… phục vụ anh em chiến sĩ. Bài hát tạo “cơn sốt” trên các đài phát thanh - truyền hình khi đó và trở thành “đất dụng võ” cho nhiều nghệ sĩ để gặt hái huy chương trong các hội diễn. Có rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công: NSND Thanh Hoa, NSND Ái Xuân, Nhã Phương, Anh Thơ, Lan Anh, Hồng Nhung…; nhưng ấn tượng nhất vẫn là NSND Thu Hiền.
Tình yêu nồng nàn với Hà Nội
Hẳn ông có nhiều ca khúc viết về Hà Nội. Thường một số tác giả hay tìm chọn những bài thơ hay để phổ nhạc, còn riêng ông thì sao?
Nhạc sĩ Văn Thành Nho: Tiếng lòng cùng lời ru đất nước1
Nhạc sĩ Văn Thành Nho (thứ 2 từ phải qua) tham gia trại sáng tác Ivanovo (Liên Xô) năm 1989 Ảnh: NVCC
Nếu như trước đây đời lính cho tôi nhiều vốn sống để chuyển tải qua các ca khúc về đề tài đất nước thì sau này thời bình, chính Hà Nội và các thầy cô đã đem đến cho tôi tri thức về âm nhạc, nơi có những người bạn tri kỷ, đồng nghiệp luôn sát cánh, động viên chia sẻ các sáng tác của Văn Thành Nho và đã kích thích sự sáng tạo để tôi có dịp thể hiện bản thân. Nhờ vậy, tôi có nhiều tác phẩm viết về thủ đô: Tình người Hà Nội, Tản mạn phố, Bằng lăng tím, Hồn xuân non nước… Trong âm nhạc có nhiều bậc thầy phổ thơ rất hay nhưng tôi thì thích tự viết lấy lời vì như vậy tôi sẽ trung thực với cảm xúc của mình hơn. Nhiều người còn thắc mắc, tôi là dân khối A, từng thi giỏi toán toàn quốc sao lại rành văn chương đến vậy? Theo tôi, toán - văn học - thi ca - âm nhạc luôn gắn liền với nhau. Toán học đã giúp tôi sáng tác có tính logic hơn.
Vậy còn tình yêu, có vẻ ông ít quan tâm đề tài này? Là người của công chúng nhưng trong nhà nhạc sĩ Văn Thành Nho vẫn treo nhiều bằng khen những giải thưởng văn nghệ “cấp phường”. Tại sao vậy?
Tôi từng có thời gian dài gắn bó với đề tài đôi lứa. Ngay trong các ca khúc được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cũng có bài Ê mơ nga anh yêu em mà. Như đã nói, bài hát mở đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của tôi Từ phương anh, từ phương em cũng toàn nói về tình yêu. Bất cứ nhạc sĩ nào, tình yêu đều trở thành nhiên liệu để bùng cháy, tôi không phải là ngoại lệ. Tôi hay tham gia các cuộc thi sáng tác âm nhạc để “đua tài” với đồng nghiệp và thử sức với chính mình. Có giải, có thưởng là vui rồi vì có thêm nguồn lực để tái sản xuất mà.
Tên khai sinh là Vũ Thành Nho nhưng bút danh lại là Văn Thành Nho. Ông có thể tiết lộ lý do chuyển từ họ Vũ sang Văn được không?
Hồi nhỏ tôi còn mê như điếu đổ nhân vật Vũ Văn Thành Đô trong một tác phẩm xưa nên đi học thích bạn bè gọi mình là Vũ Văn Thành Nho. Khi bắt đầu sáng tác âm nhạc, tôi dùng tên thật là Vũ Thành Nho, thấy chữ Vũ có vẻ mạnh mẽ, y con nhà võ biền, thử chuyển sang Văn thì thấy nho nhã, dễ chịu hơn. Vả lại tôi làm âm nhạc - văn học, có đánh đấm ai đâu mà hùng hổ nên dùng bút danh Văn Thành Nho mềm mại, thư sinh và… gặp hên nhiều lắm.
Nhạc sĩ Văn Thành Nho sinh ngày 2.8.1949, quê ở Vụ Bản, Nam Định. Sau thời gian đi bộ đội, ông theo học Trường đại học Văn hóa và tốt nghiệp loại giỏi Khoa Sáng tác âm nhạc (Nhạc viện Hà Nội). Ông từng công tác tại Báo Văn hóa và hội viên Hội Nhà báo VN, Trưởng khoa Âm nhạc Trường cao đẳng VHNT TP.HCM trước khi nghỉ hưu.
Ngoài các tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba, ông còn nhận nhiều giải thưởng của Bộ VH-TT-DL với các ca khúc: Người đi tìm hình của nước, Mãi xanh tươi tình hữu nghị Việt Lào, Tình người Hà Nội, Mặt trời thiên niên kỷ, giải thưởng Bộ Quốc phòng: Ngôi sao núi, Bài ca người lính, giải thưởng Hội Nhạc sĩ VN: Tình khúc Thị Mầu, Ê mơ nga anh yêu em, Nước non vọng khúc nguyệt cầm, Sóng Bạch Đằng vỗ mãi tới biển Đông, Xa xanh miền đất lạ… và vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Ngoài ra, ông còn viết khí nhạc và nhạc cho một số phim: Cây xương rồng trên cát, Mảnh đất tình người, Dòng sông thời gian…; nhạc giao hưởng: Nhịp trống và cánh chim, Tứ tấu đàn dây số 1…; kịch hát: Nàng công chúa lên rừng.
'Đất nước lời ru' là ca khúc hát ru hay nhất
Nhạc sĩ Hữu Xuân
Ảnh: NVCC
Tôi biết nhạc sĩ Văn Thành Nho từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ không chỉ ở tài năng mà còn đức độ và sự khiêm tốn nữa. Anh ấy có khá nhiều ca khúc hay, ngoài ra còn viết nhạc phim, sân khấu. Những sáng tác của anh phần lớn về chủ đề Tổ quốc, người lính và tình yêu quê hương. Đặc biệt, những bài ca mang âm hưởng dân gian, điển hình như Đất nước lời ru tôi đặc biệt yêu thích. Đây là bài hát theo thể hát ru, lồng vào nội dung tình yêu quê hương đất nước. Với tôi, Đất nước lời ru là ca khúc hát ru hay nhất mà tôi rất yêu mến.
Nhạc sĩ Hữu Xuân
Coi trọng tính dân tộc
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai
Ảnh: NVCC
Hiểu Văn Thành Nho không chỉ qua những chuyến đi viết dài ngày hay cùng nhau trong ban giám khảo nhiều cuộc thi mà tôi còn cảm nhận được nhân cách, nhất là tính dân tộc luôn được nhạc sĩ coi trọng và vận dụng sáng tạo trong sáng tác. Đầu thập niên 1980, tôi tình cờ nghe Đất nước lời ru của Văn Thành Nho trên VTV, nhạc sĩ đã vận dụng chất liệu ca trù thật nhuần nhị. Không biết âm hưởng đó đã thấm vào hồn bạn ấy từ thuở nào - chờ có dịp là tràn ra lung linh, thắm thiết. Chỉ từng ấy câu nhạc, nhưng mỗi câu hầu như được lặp lại mà nghe vẫn mới, vẫn thấm vào hồn người cho đến tận bây giờ. Nhuần nhị và thấm hồn người, đó cũng chính là cái tài của người viết mà không phải ai cũng làm được như Văn Thành Nho.
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.