Nhàn đàm: Dăm ba câu chuyện về sách...

05/07/2020 06:35 GMT+7

1. Thật lạ lùng. Là tôi đang muốn nói về những cuốn sách. Có những cuốn mình đã mong mỏi, đã chờ đợi nhiều như thế nhưng không bao giờ gặp được; hoặc giả, chính lúc mình không trông mong, không cả nghĩ gì về nó nữa thì một ngày nọ, trong khoảnh khắc không ngờ nhất lại thấy cuốn sách đó, nằm lặng thinh như đã chờ để gặp mình từ rất lâu.

Như là buổi chiều hôm đó, khi đang thẩn thơ lục lọi ở quầy sách cũ trên đường sách, đôi mắt tôi bất chợt dừng lại. Phấn thông vàng kìa! Cái tên ấy vừa quen vừa lạ làm sao. Tôi vẫn còn nhớ trong chương trình ngữ văn ở trường phổ thông, khi học đến tác phẩm của nhà thơ Xuân Diệu, trong phần tiểu sử của ông có nhắc đến tác phẩm Phấn thông vàng. Nhưng suốt một thời gian dài, tôi chỉ biết đến cái tên, nào có sách mà đọc! Vậy mà giờ đây, nó lại nằm kia. Sách được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào năm 1989, tính ra cuốn sách cũng xấp xỉ bằng tuổi tôi. Hơn ba mươi năm đằng đẵng, giữa bao nhiêu luân chuyển của đời sống, và giờ Phấn thông vàng nằm đây.
Không nghĩ nhiều, tôi vội vã mang sách đến quầy tính tiền, như thể nếu còn nấn ná thêm, cuốn sách sẽ thuộc về một ai đó nhanh tay hơn. Ngay đêm ấy, tôi mở đèn đọc sách lên rồi đắm chìm trong những trang sách đã ố vàng của Phấn thông vàng, với một niềm háo hức khôn tả. Chao ôi! Vẫn là Xuân Diệu yêu đến đắm đuối, nồng nàn và si mê trong những áng thơ thuở nào. Cho dẫu bao phen nếm mùi trái đắng thì trái tim kia vẫn cứ đập rộn ràng, những nhịp yêu vẫn cứ ngân rung bởi một lẽ thường “Làm sao sống được mà không yêu”.
2. Sau thời gian ngắn ngủi sống ở Sài Gòn, Linh chuyển ra Hà Nội sống và viết. Dẫu kẻ Bắc người Nam nhưng thỉnh thoảng chúng tôi lại trò chuyện với nhau qua Messenger. Trong những cuộc trò chuyện ấy, đương nhiên không thể thiếu mối quan tâm chung về những cuốn sách. Dạo đó, cả tôi và Linh cùng bày tỏ sự vui mừng trước một đơn vị làm sách mới đã chọn xuất bản những tác phẩm từ thời tiền chiến. Nhờ đó, độc giả ngày hôm nay, trong đó có tôi và Linh có cơ hội được đọc Thuốc mê của Thâm Tâm hay Hai người điên đi giữa kinh thành Hà Nội của Nguyễn Bính.
Một hôm khác, Linh nhắn tin cho tôi: “Các cụ ngày xưa sống nhã quá anh ạ!”. Ấy là khi Linh vừa đọc xong Đôi bạn của Nhất Linh với niềm phấn khích dạt dào. Lúc đó, trong tôi hiện lên thật rõ khuôn mặt rạng ngời xen lẫn khoan khoái của Linh. Giống như Thuốc mê và Hai người điên đi giữa kinh thành Hà Nội, Đôi bạn cũng được ra đời cách nay trên dưới 80 năm. Có lẽ, một trong những điều khắc nghiệt nhất khi mà thời gian trôi qua, là đẩy nhiều thứ - thậm chí đã từng rất huy hoàng vào sự quên lãng. Nhưng rồi cũng thật may, từ thăm thẳm của sự lãng quên ấy, vượt lên trên lớp bụi mờ nhòe, rất nhiều điều giá trị đã trở lại.
Nếu không có sự trở lại ấy, tôi và Linh cũng như nhiều độc giả trẻ ngày hôm nay làm sao có thể biết tác giả của Tống biệt hành cũng từng viết tiểu thuyết mang màu sắc hình sự như Thuốc mê; làm sao biết một “thi sĩ đồng quê” như Nguyễn Bính cũng từng có một tiểu thuyết đậm chất thị thành như Hai người điên đi giữa kinh thành Hà Nội. Và nữa, cho dẫu là hư cấu, nhưng nhờ Đôi bạn hay Phấn thông vàng, ít nhiều người đọc hôm nay cũng có thể mường tượng về không gian, về lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế mà tiền nhân đã sống, đã trải qua.
Ngẫm ra, sự trở lại của những cuốn sách kia, tôi nghĩ có thể xem như những món quà. Và món quà này chỉ dành riêng cho những người thực sự yêu thích sách vở mà thôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.