Đến mùa hè năm tôi học lớp ba, được theo má ra sân phơi lúa, thấy má bưng từng thúng lúa nhỏ bước lên một cái ghế thang và cho lúa từ từ rơi xuống qua kẽ các ngón tay, gió đẩy lúa lép và lá lúa dính theo bay ra xa, lúa lừng rơi gần hơn, lúa chắc rơi thẳng xuống thành đống. Má nói đó là công việc giê lúa, tức làm cho lúa sạch. Thỉnh thoảng má ngồi nghỉ, đưa tay áo quệt mồ hôi trán và đưa tay lộn trái hai túi áo bà ba cho những hột lúa rớt vào túi rơi hết ra ngoài. Sau ngày hôm đó, tôi hiểu rõ những hột lúa sót trong túi áo của má tại sao mà có.
Má tôi, người đàn bà giê lúa, hình ảnh đó thật đẹp trong mắt tôi, ngay khi đứng nhìn lần đầu trong ánh sáng ngược chiều tôi đã thấy thích thú vô cùng, càng lớn lên hình ảnh vốn đã in sâu trong tâm trí tôi ấy dần dần mang những ý nghĩa khác nhau, nửa thân thuộc, nửa thương xót và hơn thế nữa. Ba tôi mất sớm, một mình má tần tảo, hết cấy gặt mướn đến trở thành người đàn bà giê lúa suốt nhiều mùa gặt, má làm tất cả những gì có thể để nuôi anh em tôi khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Những hột lúa sót trong túi áo bà ba của má đã làm cay mắt tôi không biết bao nhiêu lần, những hột lúa mà má thường nói “đó là những hột ngọc của trời, những hột ngọc đẫm mồ hôi sôi nước mắt của người nông dân”.
Sau này, khi tôi đi học xa về thì trên cánh đồng quê tôi đã xuất hiện nhiều máy quạt lúa làm bằng gỗ. Quan sát, hỏi han những người nông dân đủ thứ chuyện, tôi hiểu ra công việc giê lúa từng thúng trên cái ghế thang của má tôi đã không còn nữa, các máy quạt lúa này đã giúp người nông dân làm công việc cuối cùng của khâu thu hoạch nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Lúc này, má tôi cũng đã lớn tuổi nên chuyển sang làm nghề hàng xáo, mua lúa về xay thành gạo, sàng sạch rồi đem ra chợ bán. Suốt ngày, má ngồi giữa mớ thúng mủng nong nia dần sàng. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp hình ảnh mấy bà bạn áo bà ba của má ngồi tụm lại nhổ tóc trắng cho nhau, cũng bằng cái cách kẹp hột lúa vào đầu ngón tay mà nhổ từng cọng, từng sợi. Cuộc sống những người đàn bà hai bên đầu cầu Khóm Một này kể cũng kỳ lạ thật. Họ vừa là đàn bà vừa là đàn ông, họ làm tất cả từ việc lớn đến việc nhỏ để nuôi dạy con cái, để vun vén cho gia đình, không có gì cho riêng họ cả. Chiếc áo bà ba nâu nâu trăng trắng bạc phếch ấy hình như lâu lắm không được thay bằng cái áo nào khác, nó đẫm hết lớp mồ hôi này đến lớp mồ hôi khác, hết lớp nước mắt này đến lớp nước mắt khác, nó đẫm chất mặn xót của cuộc đời người đàn bà góa bụa.
Và nhiều lần tôi đã thấy những hột lúa sót trong giấc chiêm bao của mình, cái túi áo bà ba đã lộn trái nhưng nó không rơi ra nữa, nó đã ra rễ, đã đâm chồi xanh, nó đã mọc thành cây lúa tốt tươi. Trên thân áo sờn cũ, cây lúa ánh xanh lên màu hy vọng, màu ước mơ, màu khát khao, màu nguyện cầu… Tôi hiểu cảnh ngộ của má tôi không là duy nhất bởi quê tôi là một vùng đất từng bị rát bỏng đạn lửa chiến tranh, những người đàn ông đã lần lượt ngã xuống khi còn rất trẻ và chiến cuộc đã đẩy linh hồn họ đi rất xa, những người đàn bà còn lại là hồn phách của làng, những sinh mệnh thương đau của làng, những giọt nước mắt lặn vào trong để giữ cho cuộc sống sinh tồn mãi mãi.
Biết vậy nhưng mỗi lần ký ức sống dậy, hai mắt tôi lại một lần cay cay, lòng lại quặn lên từng cơn bởi thương má vô cùng.
Bình luận (0)