Nhàn đàm: Hoa lại đầy cành

17/05/2020 07:59 GMT+7

Trong khung cảnh đơn giản ở khoảng sân tiếp giáp với nhà láng giềng ở hai bên, cũng là lối đi chung, tôi đặt thêm vào hai bên cổng các chậu cây để bớt thấy trống trải.

Quả thật, nơi đâu có cây lá, nơi đó có thêm phần xanh tươi, dịu mát cho cuộc sống con người.
Nguyệt quế là một loài cây đặc biệt dễ trồng, dễ sống, chịu nắng, chịu mưa thật giỏi, và điều kỳ diệu nhất, khi hợp thời hợp tiết lại ra hoa, có thể tạm gọi là trong những hạn kỳ không hẹn, trong cái duyên sinh bất định mà chẳng bao giờ thiếu vắng hẳn.
Những ngày này cây báo tin sẽ trở lại kỳ hoa khi mưa thưa vắng dần và nắng bắt đầu vàng ấm trên mọi cảnh vật. Ban đầu cây kết những chùm nụ xanh mướt nhỏ lấm tấm, rồi lớn dần để lộ một phần cánh hoa màu trắng chen giữa đài xanh. Đến thời, hoa bừng mở từng cánh nhỏ trắng muốt, hương thơm ngào ngạt lan tỏa, bay vào tận trong nhà. Mùi hương thật khó quên, như một tặng thưởng của tự nhiên, làm ngây ngất cả không gian và con người.
Không thể nói hết vì sao trên mặt đất lại có những loài cây lá làm xao động lòng mình đến thế, với mùi hương, cánh hoa với hình thể, dáng vẻ, màu sắc riêng. Đó chính là những tác phẩm sáng tạo đặc biệt, tinh túy, tha thiết của thiên nhiên. Lúc này, với niềm hoan hỷ, tôi tự pha cho mình tách trà để được lặng lẽ bên hoa, uống chậm, uống cả hương hoa, cả niềm vui khi ngắm hoa nở. Phải chăng lúc này hồn hoa tiên tử như cũng lắng nghe, cảm nhận được niềm hân hoan thuần nhiên của con người. Và tôi mong trời cứ nắng hiu vàng êm êm để những cánh hoa nhỏ tươi đẹp còn ở lại lâu thêm trên cành.
Nhưng rồi, cũng chỉ được hai, ba hôm, hoa bắt đầu rụng cánh xuống mặt đất trắng xóa sau những cơn gió, mà mùi hương như chừng còn ở lại với người.
Dẫu biết hoa tàn rụng theo lẽ sinh hoại tự nhiên của trời đất, nhưng người ngắm hoa làm sao không có nỗi chạnh lòng, như một nỗi buồn phân ly?
Ừ thì hoa đã sống trọn vẹn đời hoa, đâu nghĩ đến chuyện vui buồn, tan hợp, như nhà thơ Trương Anh Tú đã viết: “Hoa nở quên mình đang nở/Hoa rơi quên hoa đang rơi…”. Ừ thì cũng tại con người đã sống trọn với cái tâm yêu quý hoa. Điều này thật khác xa tâm trạng tự tri mà bi quan lạ lùng của một người cao tuổi “Uống rượu xem hoa mẫu đơn” để tự thẹn trước vẻ diễm lệ ấy, khi tự cho mình không xứng hợp với hoa: “Chỉ e hoa biết mỉm cười/Nở ra đâu có vì người tuổi cao?” (Ẩm tửu khán mẫu đơn của Lưu Vũ Tích, đời Đường ở Trung Quốc, Ngô Tất Tố dịch).
Hiện tại, chỉ biết, như trong một tình yêu, từ sự hy sinh thời gian cho cây, lam lũ vun đất, chăm tưới, cắt tỉa cành lá, trừ sâu rầy, giao cảm với cây, rồi không sớm thì muộn, nguyệt quế lại ra hoa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.