Chốn linh thiêng cũng không tha
Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (dân gian hay gọi Lăng Ông Bà Chiểu) - nơi đặt mộ phần và thờ Tả quân Lê Văn Duyệt cùng vợ ông, luôn được xem là một trong những chốn linh thiêng vào bậc nhất ở phương Nam. Do đó, việc trộm trèo lấy mất trái châu gần 100 tuổi ở Lăng Ông Bà Chiểu - còn liên quan đến một đường dây chuyên trộm cổ vật liên tỉnh, xảy ra trước ngày giỗ của Đức Tả quân làm dư luận xôn xao.
Hiện vật trái châu mà kẻ túng bấn liều lĩnh đánh cắp là sản phẩm gốm thuộc dòng gốm Cây Mai của Sài Gòn, có niên đại từ năm 1922. Trái châu được lắp trên nóc nhà văn bia giữa đôi rồng trong đồ án “lưỡng long tranh châu”, nằm ngay vị trí trang trọng của Lăng Ông Bà Chiểu. Hiện vật này chiều cao gần 1 m, gồm: đế, thân và đỉnh. Phần thân có hình trái châu được làm bằng gốm phủ men màu xanh ngọc rất đẹp, đặt trên đế có những họa tiết hết sức tinh xảo. Dù có tuổi đời khá cao nhưng hiện nay trái châu vẫn còn nguyên vẹn từ màu sắc đến hình dáng, chất liệu gốm cũng như lớp men bên ngoài không hề xuống màu.
Theo bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt: “Chiều 2.9, chúng tôi phát hiện ra vụ việc bị mất cắp là báo ngay cho Sở VH-TT TP.HCM và cơ quan điều tra Q.Bình Thạnh. Qua trích xuất camera, đúng 0 giờ 15 phút ngày 28.9 phát hiện rõ bóng một người leo qua cổng rào vào lăng, trèo lên nóc bia đình lấy trộm trái châu. Trước khi chôm trái châu, thấy tên trộm có dừng lại một lúc trước mộ Đức tả quân. Sau này, nghe mấy anh công an cho biết, đối tượng thú nhận là đã có vái xin Tả quân trước rồi mới dám trèo lên lấy. Sau đó, tên trộm đưa hiện vật về nhà riêng ở TT.Phước Bửu, H.Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) bán với giá 13 triệu đồng”.
Tại Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) cách đây 2 năm cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đối tượng xấu đã bẻ khóa của đình vào lấy cắp một tượng bà Nguyệt trên mái đình. Đến ngày 23.3.2019, một tượng ông Nhật và một tượng cá hóa long trên mái đình tiếp tục “biến mất” không tìm lại được. 3 hiện vật bị mất trộm được Hội đồng thẩm định xác định có niên đại vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, cũng bằng chất liệu gốm Cây Mai, có giá trị gần 1 tỉ đồng, chưa kể còn một tượng cá hóa long trên mái đình may mắn thoát nạn nhưng cũng bị gãy. Mới nhất, tháng 4 vừa qua, ở đình Linh Tây (Q.Thủ Đức), một bức tranh cổ (kích thước 80 x 50 x 15 cm) nặng khoảng 50 kg bằng gốm men xanh, có đề tài Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) đặt tại chánh điện, rất có giá trị cũng bị kẻ gian cuỗm đi mất.
|
Kêu gọi xã hội hóa
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Lăng Ông Bà Chiểu có khuôn viên rộng 15.000 m2 nhưng hiện chỉ có 5 bảo vệ trông coi cả ngày lẫn đêm, chưa kể còn kiêm nhiệm vụ chỉ dẫn cho du khách. Ban quản lý cho biết: Sau vụ trộm, Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt có tăng cường tuyển dụng thêm một số nhân viên bảo vệ và mua bổ sung camera nhưng do kinh phí có hạn, toàn bộ tiền lương của anh em đều do lăng “tự thân vận động” nên thực tế vẫn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu. Bà Lâm Thị Hoàng Oanh lo lắng “thấy hẻo người quá, tụi trộm lại vào lấy trộm nữa thì khổ”. Bà Oanh nói: “Các vật thờ tâm linh xa xưa thường có giá trị cao, lỡ có chuyện gì mà tìm không ra là có tội với tiền nhân. Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, bọn trộm đóng vai người thăm viếng hay đảo qua đảo lại dòm ngó hiện vật làm chúng tôi vô cùng lo lắng, phải tìm mọi cách vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa bảo quản tài sản giá trị. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn các mạnh thường quân cùng chung sức, hỗ trợ kinh phí để trang trải...”.
Đại diện chùa Giác Viên (Q.11, TP.HCM), thầy Thích Huệ Quang kể: “Từ khi chùa được tiến hành trùng tu giai đoạn 1, vì sợ bị mất trộm nên các cơ quan chức năng ở quận đã xuống niêm phong toàn bộ số hiện vật quý giá, mang cất kỹ, chứ để ở chùa thì nguy hiểm lắm. Việc trông coi đâu phải lúc nào cũng kỹ lưỡng được, nếu để xảy ra tình trạng mất mát thì khổ”.
Được biết, ngay sau vụ mất cắp trái châu gần 100 tuổi ở Lăng Ông Bà Chiểu, Sở VH-TT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các đình chùa, di tích và đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường gắn camera và công tác phòng cháy chữa cháy, tuần tra bảo vệ. Thạc sĩ Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM, cho biết thêm: “Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đau đầu về tình trạng mất cắp cổ vật diễn ra thời gian qua. Tuy nhiên, do mỗi quận, huyện tùy vào mức độ kinh phí mà có cách làm riêng và tự nguyện theo từng địa phương, cơ sở thờ tự... không thể ép buộc được. Việc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư hạ tầng cho an ninh trật tự, chống trộm cắp cổ vật... thì lãnh đạo Sở VH-TT từ trước đến nay đều luôn luôn ủng hộ. Nếu được người dân và các nhà tài trợ ủng hộ, cùng chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước thì việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di tích sẽ ngày càng tốt hơn”.
Bình luận (0)