Những bức tranh Đông Hồ lạ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/08/2019 06:35 GMT+7

Tranh đồ thế dùng để thờ. Tranh trổ giấy khi xem đôi lúc phải dán lên cửa để xem ngược sáng. Đó là những tranh Đông Hồ lạ, rất khác so với những bức tranh gà lợn trên giấy điệp người ta thường thấy.

Bà Nguyễn Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, đã rất khó khăn khi đi tìm tư liệu về tranh trổ giấy của làng Đông Hồ xưa. “Ký ức của nghệ nhân chỉ cho biết trước đây vài thế hệ, tức là khoảng thời Pháp thuộc, đã thấy một số nghệ nhân có trổ giấy thành hàng lưu niệm cỡ nhỏ”, bà Hòa nhớ lại thời gian nghiên cứu để làm cuốn sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ. Sách của ba tác giả Thu Hòa - Trịnh Sinh - Lê Bích vừa ra mắt sáng 31.7 tại Hà Nội. Mặc dù vậy, bà Hòa cũng tìm được nhiều mẫu tranh trổ giấy. Loại tranh này thường trổ thủng, mỏng mảnh. Khi làm, nghệ nhân xếp 3 - 4 - 5 lớp giấy màu rồi trổ. Khi chơi phải dán lên giấy trắng hoặc nếu không thì phải dán lên cửa kính chẳng hạn để thưởng thức khi xem ngược sáng.
Họa sĩ Đức Hòa, người nghiên cứu nhiều tranh vẽ trổ giấy, cho rằng: “Đây là một thể loại tranh còn ít người biết đến chứ chưa nói gì đến nghiên cứu”. Tuy nhiên, trong cuốn sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ, nhiều mẫu vật đã được chụp ảnh và chú thích rõ. Chẳng hạn, có thể thấy bức tranh trổ giấy hiện đại của cụ Nguyễn Đăng Khiêm làm để tham dự các triển lãm mỹ thuật toàn quốc hoặc triển lãm mỹ thuật thủ đô với hình tượng lãnh tụ, bộ đội. Một bức tranh chủ đề Mừng ngày quốc khánh thi đua làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy còn được dùng làm bìa báo Thiếu niên Tiền phong ngày 27.8.1971.
Những năm gần đây, làng Đông Hồ nổi tiếng về những sản phẩm vàng mã đặc biệt như voi ngựa giấy cỡ lớn. Tuy nhiên tư liệu cuốn sách cho thấy điều đó đã bắt nguồn từ quá khứ - khi đây cũng là nơi sản xuất tranh đồ thế phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu cho thấy đó là những món đồ dành cho quan Hành khiển đi tuần dưới cõi âm. Nhiều mẫu tranh đồ thế như voi ngựa, thế nam thế nữ cũng được giới thiệu trong sách.
Điều đáng kể nhất của cuốn sách là dựng lại được lịch sử dòng tranh Đông Hồ từ giữa thế kỷ 20 tới nay một cách chi tiết. Bà Thu Hòa cho biết, trước đây lịch sử dòng tranh được ghi bập bõm khiến công chúng nghĩ nó bị đứt đoạn từ những năm 1960 và không có mấy nghệ nhân. Tuy nhiên, năm 1960 đánh dấu bằng việc thành lập tổ sản xuất tranh hợp tác xã và lịch sử làng tranh cứ tiếp diễn chứ chưa từng đứt quãng. Nhóm làm sách cũng tìm được cả những phiếu nhập kho, hợp đồng ký gửi hàng mỹ nghệ của thời kỳ 1984 - 2001.
Danh sách các nghệ nhân của dòng tranh dân gian Đông Hồ cũng được đưa vào trong sách. Ở đó, ngoài những nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam như chúng ta vẫn biết, còn có những người đi trước cũng như người sau tiếp bước. Chẳng hạn, nếu ông Nguyễn Đăng Chế là thế hệ bố thì thế hệ ông là Nguyễn Đăng Tụy, thế hệ cháu gồm 7 người cũng tham gia làm tranh. Gia đình cụ Nguyễn Đăng Mưu cũng có 2 con và 2 cháu tham gia làm tranh Đông Hồ. Gia đình cụ Nguyễn Hữu Sam và vợ có 3 người con, 5 người cháu tham gia làm tranh. Gia đình cụ Trần Nhật Thống có 2 con và 1 cháu tham gia việc này. Cụ Lê Kiêm cũng là một nghệ nhân tranh nhưng không có truyền nhân. “Việc đưa danh sách này là để thấy tranh Đông Hồ có nền tảng, cũng như không chỉ phụ thuộc vào một hai gia đình nghệ nhân như nhiều người quan niệm bây giờ”, bà Hòa chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.