Những chuyện hậu cung vua Thành Thái và Khải Định: Cây cầu mang tên vua

11/09/2021 06:24 GMT+7

Tháng 2.1897, cựu Bộ trưởng Tài chánh Pháp Paul Doumer sang nước ta nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Ngay trong thời gian đầu ở cương vị mới, ông ta đã buộc vua Thành Thái ban bố hai chỉ dụ quan trọng.

Một là bãi bỏ Nha Kinh lược Bắc kỳ, giao công việc của kinh lược sứ cho viên Thống sứ Bắc kỳ; hai là giải tán Phụ chánh phủ, lập ra một Hội đồng Thượng thư do chính viên Khâm sứ Pháp tại Huế chủ trì (Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỷ phụ biên, NXB Văn hóa - Văn nghệ 2011 - tr.280, 284). Tại mỗi bộ trong lục bộ, Doumer cử một viên chức Pháp ở cạnh để giám sát.
Một trong những cơ chế quan trọng được thiết lập trong thời gian cầm quyền của ông ta là Hội đồng tối cao Đông Dương (Conseil supérieur de l’Indochine) với sự tham dự của đại diện 5 thực thể chính trị: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Cambodge (Campuchia) và Lào. Về mặt tài chánh, Doumer tước đoạt quyền hành thu thuế của triều đình tại hai miền Trung và Bắc, buộc vua quan nhà Nguyễn phải sống bằng phần lớn sự trợ cấp của Pháp. Có thể nói, ông ta là viên toàn quyền thành công bậc nhất về nhiều phương diện, đối với chính quốc trong việc kiện toàn chế độ thuộc địa, đồng thời đối với thuộc địa Đông Dương qua những công trình to lớn mà ông ta đã thực hiện trong 5 năm ngắn ngủi của mình.
Một trong những công trình tiêu biểu nhất của Paul Doumer tại Việt Nam là cây cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) dài gần 2,4 km bắc qua sông Hồng, nối liền hai địa phương nay là quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên (Hà Nội). Chưa đầy 4 tháng sau khi đến Việt Nam, viên Toàn quyền Đông Dương này đã mở cuộc đấu thầu xây dựng cầu và tổ chức được nhận thầu là Công ty Daydé et Pillé của Pháp (tháng 6.1897). Tuy vậy, phải đợi đến tháng 9.1898, lễ đặt viên đá đầu tiên mới được tổ chức và cầu được thi công trong 3 năm 5 tháng, với sự đóng góp công sức của hàng trăm chuyên viên người Pháp và khoảng 3.000 công nhân bản xứ. Lễ khánh thành diễn ra ngày 2.2.1902 dưới sự chủ trì của Paul Doumer, có sự chứng kiến của vua Thành Thái và một số quan chức.

Cầu Trường Tiền ở Huế có tên ban đầu là cầu Thành Thái

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN

Sau chiếc cầu mang tên mình, Toàn quyền Paul Doumer cho xây tiếp cầu Trường Tiền ở Huế. Cầu dài 402 m, do hai hãng thầu Schneider et Cie và Letellier et Cie khởi công vào tháng 5.1899 và hoàn thành vào tháng 12.1900. Cầu có tên ban đầu là cầu Thành Thái, sau đổi tên là Trường Tiền. Đây là một trong những cây cầu đã ghi đậm dấu ấn trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 - 21. Tại miền Nam, cũng dưới thời Paul Doumer, cầu Bình Lợi dài 276 m kết hợp đường bộ và đường sắt, do hãng thầu Levallois Perret thực hiện và hoàn thành vào tháng 1.1902, chỉ một tháng trước khi Paul Doumer rời khỏi Việt Nam.
Bên cạnh những công trình xây dựng có giá trị lâu dài đó, Toàn quyền Paul Doumer cũng đã đề xướng và đóng góp công sức không nhỏ vào việc hình thành đường xe lửa Đông Dương. Con đường huyết mạch này được Hội đồng tối cao Đông Dương vạch ra kế hoạch thực hiện từ tháng 12.1897, trải dài từ Sài Gòn đến tận vùng Hoa Nam (Trung Quốc).
“Vạn sự khởi đầu nan”, nhất là với một công trình có tầm cỡ xuyên suốt gần chiều dài đất nước, khó khăn lớn nhất mà Doumer phải giải quyết là vấn đề kinh phí, song có điều thuận lợi là bằng sắc lệnh ngày 31.7.1898, chính quốc thừa nhận một Đông Dương thuộc Pháp hợp nhất về kinh tế bao gồm 5 thực thể chính trị: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Cambodge (Campuchia) và Lào.
Ngày 25.12.1898, Quốc hội Pháp thông qua một đạo luật cho Đông Dương vay 200 triệu franc nhằm thực hiện bước đầu kế hoạch đã được vạch ra. Song, công trình này bị ngưng trệ nhiều lần vì sự bùng nổ và kéo dài của Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) và sự kiệt quệ về tài chánh đã khiến cho chính quốc không thể tài trợ đúng mức cho ngân sách Đông Dương. Mãi đến ngày 2.10.1936, tức 4 năm sau ngày Paul Doumer bị ám sát chết trên cương vị Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, đường xe lửa Đông Dương mới được khánh thành tại Sài Gòn dưới sự chủ trì của Toàn quyền René Robin.
Xem như trên, có thể thấy rằng Paul Doumer là viên Toàn quyền Đông Dương đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử chế độ thuộc địa tại Việt Nam, vừa có tính tích cực, vừa tiêu cực xét về lợi ích của người dân. Về mặt tích cực, đó là những công trình xây dựng đồ sộ và bền vững, chủ yếu tạo thuận lợi cho sự vận hành guồng máy thuộc địa, đồng thời người dân bản xứ cũng được thừa hưởng phần nào. Về mặt tiêu cực, chính Doumer đã triệt tiêu mọi quyền hạn của một triều đình là bộ mặt của đất nước, biến vua Thành Thái thành một bù nhìn và chính điều này đã mang lại cho nhà vua sự phẫn hận, dẫn đến những hành động kỳ lạ.  (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.