Những gia tộc cải lương lừng danh: Gánh hát Phước Cương diễn trên đất Pháp

Hoàng Kim
Hoàng Kim
22/05/2021 06:27 GMT+7

NSND Kim Cương cũng có một gia tộc cải lương bề thế với 4 đời truyền nghề, và trong 4 đời đó đều sinh ra những nghệ sĩ nổi tiếng lừng lẫy. Đặc biệt, gánh hát Phước Cương của gia tộc từng gây chấn động với chuyến lưu diễn trên đất Pháp.

 

Cô đào Ba Ngoạn và chuyện tình với vua Thành Thái

Thế hệ đầu tiên là bà cố của NSND Kim Cương mà Kim Cương không còn nhớ tên, chỉ gọi là bà bầu Phước Thắng. Vì bà mê hát bội, nên dù không biết hát bà vẫn thành lập gánh hát bội Phước Thắng cho thỏa lòng, vào khoảng năm 1900. Gánh này lừng lẫy ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn và bà bầu nổi tiếng uy nghiêm, người ta thường gọi là “bà lớn”.
Gánh Phước Thắng truyền lại cho bà Ba Ngoạn (bà nội của NSND Kim Cương), đổi tên là Phước Xương vào khoảng đầu thập niên 1910. Cô đào Ba Ngoạn (Lưu Thị Ngoạn) là một nhân vật cực kỳ hấp dẫn, một phụ nữ vừa tuyệt đẹp, lại ca diễn rất hay, và đặc biệt là tân thời, phóng khoáng. Thời ấy, người Pháp mới cấp 100 bằng lái xe ô tô cho người Việt, thì trong đó có bà Ba Ngoạn, nhưng bà chính là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên biết lái xe. Bà còn xây rạp Palikao ở Chợ Lớn, là rạp hát đầu tiên của Sài Gòn có lầu, vì các rạp khác chỉ có tầng trệt. Nói chung, bà hấp thu văn minh phương Tây rất sớm, làm việc khoa học và cuộc sống lịch lãm theo kiểu phương Tây.
Trong một lần vua Thành Thái đi du ngoạn phương Nam, cô đào Ba Ngoạn đã lọt vào mắt vua. Nhà vua vốn cũng có tâm hồn nghệ sĩ, nên hai người tâm đầu ý hợp, và cuộc tình ngắn ngủi đã sinh ra Nguyễn Ngọc Cương (cha của NSND Kim Cương). Thời cuộc loạn ly, cả gia đình đều giấu kín chuyện này, đến sau 1975 thì gia tộc của vua ở Huế vào tìm gặp Kim Cương. Kim Cương cũng có ra Huế thăm gia tộc và hiện trên bàn thờ của gia đình Kim Cương vẫn đặt hình vua Thành Thái.

Đi thử máy bay tại Hội chợ đấu xảo quốc tế Paris 1931 (cô đào Năm Phỉ đứng ở cửa máy bay)

Ảnh: tư liệu

“Công tử hột xoàn” đưa gánh cải lương sang Pháp

Bà Ba Ngoạn cho Nguyễn Ngọc Cương sang Pháp du học ngành y. Nhưng cậu con trai của bà lại mang dòng máu nghệ thuật, nên chuyển sang học sân khấu của Pháp. Chính những kiến thức đó khiến ông khi trở về nước đã áp dụng vào cải lương, đưa cải lương lên một tầm chuyên nghiệp đáng nể.
Ông Nguyễn Ngọc Cương thừa kế gánh hát bội của mẹ, nhưng đổi tên thành Phước Cương và chuyển sang diễn cải lương vào năm 1926. Nói đúng hơn, đầu thập niên 1920, cải lương mới ở hình thức ca ra bộ, và những gánh hát đầu tiên nổi đình nổi đám như gánh Thầy Năm Tú, gánh Tân Thinh, gánh Trần Đắc… Đến lượt Nguyễn Ngọc Cương, ông kết hợp với người bạn du học chung tại Pháp là Bạch công tử để gánh Phước Cương có thể mang dấu ấn sân khấu một cách rõ ràng hơn. Nói thêm một chút về Bạch công tử, ông tên thật là Lê Công Phước, dòng dõi giàu nức tiếng ở Mỹ Tho, người cùng thời với Hắc công tử Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu, đều nổi tiếng ăn chơi phóng khoáng. Còn ông Nguyễn Ngọc Cương lại có biệt danh “công tử hột xoàn” bởi ông luôn gắn cái hột xoàn trên áo. Vì đều mê nghệ thuật nên Lê Công Phước và Nguyễn Ngọc Cương cùng đầu tư cho gánh hát, lấy một chữ trong tên mỗi người ráp lại thành gánh Phước Cương.
Những gia tộc cải lương lừng danh: Gánh hát Phước Cương diễn trên đất Pháp

Ông Nguyễn Ngọc Cương

Ảnh: tư liệu gia đình

Nguyễn Ngọc Cương đem những cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo nhờ nghệ sĩ Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu) dịch ra tiếng Việt, hoặc ông cùng dịch với Năm Châu để gánh Phước Cương có kịch bản biểu diễn. Có thể nói đây là những kịch bản đầu tiên của cải lương mang tính chuyên nghiệp và gần gũi với khán giả trí thức thành thị, vốn là đối tượng khó tính, đòi hỏi vở diễn vừa phải hấp dẫn mà văn chương cũng phải sâu sắc. Nghệ sĩ Năm Châu cũng ảnh hưởng Tây học, nên kịch bản ông soạn ra đều đáp ứng những tiêu chí mà ông bầu Nguyễn Ngọc Cương lẫn khán giả đòi hỏi. Ngay cả việc tập tuồng, dàn dựng, Nguyễn Ngọc Cương cũng áp dụng kiến thức sân khấu học từ Pháp. Gánh Phước Cương lúc bấy giờ tập trung hàng loạt nghệ sĩ lừng lẫy như Năm Phỉ, Ba Vân, Phùng Há, Tám Danh, Ba Du, Hai Nữ... đi lưu diễn khắp ba miền, nơi nào cũng chinh phục khán giả. Sau này cô đào Phùng Há và Bạch công tử cưới nhau, tách ra khỏi gánh Phước Cương, thành lập gánh Huỳnh Kỳ, thì một mình ông bầu Nguyễn Ngọc Cương đảm nhiệm tất cả.
Một sự kiện chấn động làng cải lương là gánh Phước Cương dự Hội chợ đấu xảo quốc tế Paris tại Pháp năm 1931, bây giờ tương tự như liên hoan sân khấu. Cô đào Năm Phỉ đóng vai Bàng Quý Phi trong vở Xử án Bàng Quý Phi đã đoạt 4 huy chương, được khán giả và hơn 40 tờ báo tại Pháp ca ngợi. NSND Kim Cương nói: “Má Năm tôi hát tiếng Việt vậy mà khán giả Pháp vẫn hiểu cốt truyện, tâm lý nhân vật, rồi khóc luôn. Đó là do diễn xuất của bà hay đến nỗi vượt qua rào cản ngôn ngữ”.
Với danh tiếng đạt được, sau khi từ Pháp về, gánh Phước Cương cho diễn lại vở này liên tục tại nhiều rạp, doanh thu cao ngất và cô đào Năm Phỉ càng nổi tiếng lừng lẫy. Tóm lại, chỉ trong vòng 20 năm (từ 1925 - 1945), ông Nguyễn Ngọc Cương đã phát triển cải lương lên một tầm cao đáng nể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.