Trong khi nhiều loại hình âm nhạc truyền thống đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì ca Huế vốn là loại hình âm nhạc bác học mang giá trị độc đáo, có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn, lại chỉ mới được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.
Chương trình biểu diễn ca Huế thính phòng hằng tuần tại Bảo tàng Văn hóa Huế của CLB ca Huế Phú Xuân được đánh giá là hướng đi tích cực - Ảnh: B.N.L |
Định vị ca Huế
Ngày 22.9, Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo khoa học ca Huế, định hướng bảo tồn và phát huy nhân sự kiện ca Huế vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh, cho biết đây là hội thảo quy mô quốc gia đầu tiên về chủ đề này nhằm tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế, đồng thời xây dựng luận cứ để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca Huế là Kiệt tác văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, ca Huế được xác định là loại hình âm nhạc thính phòng bác học mang giá trị độc đáo, có hệ thống bài bản chặt chẽ, có xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên mang phong cách sang trọng, tao nhã, có sự kết hợp nhuần nhuyễn với các làn điệu dân ca của âm nhạc dân gian.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng (nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế) dẫn ý kiến của cố GS Trần Văn Khê, PGS-TS Thụy Loan, trong giáo trình Lược sử âm nhạc Việt Nam và cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, đều đánh giá ca Huế là loại hình âm nhạc thính phòng bác học mang giá trị độc đáo, có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đối với các vùng âm nhạc trong cả nước.
“Trong ba dòng nhạc thính phòng của VN, ca trù (miền Bắc) và người “đàn em” đờn ca tài tử (Nam bộ)... đều đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì ca Huế chỉ mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mà di sản quốc gia cũng có hai loại, loại đặc biệt và loại bình thường, thì ca Huế mới chỉ là loại bình thường”, nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng ngậm ngùi.
Nhà văn Bửu Ý chua xót: “Khi nghe có hội thảo về ca Huế, xin thú thật, tự nhiên tôi chững người lại... Giai do (nguyên nhân là vì - PV) đã từng có những cuộc gặp gỡ, nói chuyện, phát biểu về ca Huế được tổ chức. Nhưng rồi ngày tháng qua đi, bao nhiêu phát biểu rốt lại cũng chỉ như gió thoảng làm lăn tăn mặt hồ ca Huế...”.
Du lịch dễ làm méo mó chất lượng
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng cho rằng hiện ca Huế có 3 hình thức bảo lưu, phát huy gồm: Bảo lưu hàn lâm, cổ điển qua hình thức tổ chức biểu diễn ca Huế thính phòng như sinh hoạt tại nhà của nhà văn, dịch giả Bửu Ý và Câu lạc bộ ca Huế Phú Xuân tại Bảo tàng Văn hóa Huế; Bảo lưu đại chúng phổ biến là hoạt động ca Huế trên sông Hương và Bảo lưu nhà nước và xã hội hóa qua việc đào tạo, giảng dạy của các trường văn hóa nghệ thuật và biểu diễn của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Huế. Trong đó, hình thức bảo lưu đại chúng đang phát triển mạnh nhưng do trình độ của khán giả không đồng đều, thời lượng biểu diễn hạn chế và hầu hết du khách đi xem nghệ sĩ, diễn viên chứ ít người nghe ca nhạc... đã khiến ca Huế có nguy cơ phát triển méo mó, lệch lạc chất lượng, nên cần hết sức quan tâm quản lý. Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản văn hóa) cũng đồng tình với nhận xét trên và cho rằng ảnh hưởng du lịch cùng với những nhu cầu của nó cũng sẽ rất dễ làm cho ca Huế phát triển lệch hướng. Theo bà Trang, hình thức bảo lưu cha truyền con nối là hình thức phổ biến và có tính bền vững cao.
Các tham luận đã đi sâu vào phân tích đặc trưng âm nhạc, giá trị nổi bật của ca Huế, những thuận lợi và khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy cũng như đề xuất nhiều giải pháp đưa ca Huế trở lại vị trí xứng tầm vốn có trong nền âm nhạc dân tộc VN và sớm lập hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng để đệ trình UNESCO công nhận ca Huế là Kiệt tác văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bình luận (0)